Tại sao La Mã được cho là 'đế chế kỳ lạ nhất lịch sử'?
Đế quốc La Mã thần thánh bao trùm lên một thực thể chính trị phức tạp và độc đáo. Tại sao nó lại được mệnh danh là 'đế chế kỳ lạ nhất lịch sử'?
Ngày 6/8/1806, Đế quốc La Mã thần thánh của dân tộc Đức (Holy Roman Empire of Germany) chính thức cáo chung, khi Hoàng đế Franz II thuộc gia tộc Habsburg từ bỏ đế miện để trở thành Hoàng đế khai quốc của Đế quốc Áo.
Đó là điểm chấm dứt gần 1.000 năm tồn tại của một thể chế kỳ lạ, mà nhà triết học – tư tưởng Pháp Voltaire mô tả cô đọng: "Cái Đế quốc La Mã thần thánh ấy không thần thánh, chẳng phải La Mã, mà cũng không hẳn là đế quốc đúng nghĩa".
Sự kế thừa bất đắc dĩ
Voltaire hoàn toàn đúng. Đế quốc La Mã thần thánh của sau này chẳng hề liên quan gì đến đế quốc La Mã cổ đại của Julio Caesar hay Augustus, cũng không có mối liên hệ nào với đế quốc Tây La Mã hay người anh em song sinh Đông La Mã (mà hay được gọi là Byzantine) – những đế quốc hậu duệ của La Mã cổ. Cũng chính bởi việc dễ bị nhầm lẫn đó, mà vào thế kỷ XV, cụm từ "của dân tộc Đức" được thêm vào danh xưng chính thức mà Đế quốc La Mã thần thánh sử dụng.
"Của dân tộc Đức", chứ không phải là La Mã nguyên thủy của người Latin, hay Byzantine đã mang thêm nhiều màu sắc Chính thống giáo phương Đông, lại cũng có khá nhiều khác biệt với La Mã phía Tây theo Thiên Chúa giáo Vatican. Mặc dù vậy, khái niệm danh-tính từ "La Mã" (Roman) vẫn làm nổi bật một yếu tố truyền thừa từ khởi nguồn – cũng chính là lý do để Đế quốc La Mã thần thánh của dân tộc Đức (hay gọi ngắn gọn là Thánh chế La Mã) xuất hiện trên bản đồ cựu lục địa.
Tính truyền thừa này có điểm bắt đầu chính thức là năm 962, khi Otto I Đại đế thuộc dòng họ Liudolfinger được Giáo hoàng trao đế miện, để lập quốc thay thế vương quốc Đông Francia của họ Karolingen. Tuy vậy, nếu xét đến nguyên nhân sâu xa của nó, có lẽ chúng ta phải ngược về tận năm 800, khi Charle Đại đế (Charlemagne) tiến quân vào Roma - La Mã.
Vào thời điểm đó, đế quốc Tây La Mã đã sụp đổ hơn 300 năm (năm 476), sau những cuộc tấn công dũng mãnh và sức tàn phá của các bộ tộc thuộc chủng tộc mà họ gọi là "rợ": Người German. Frank của Charlemagne – những người mang đến cho nước Pháp cái tên Francia hay France bây giờ - là một trong những dòng tộc thiện chiến và xuất sắc về việc cai trị nhất trong nhóm những người German.
Charlemagne đến La Mã khi đã gồm thâu toàn bộ lãnh thổ Đức và Pháp hiện đại, trước khi dẫn quân tràn xuống vùng Lombardia của nước Ý. Có lẽ trong đầu ông cũng chưa có một ý niệm gì rõ rệt về đế vị khi hội kiến với Giáo hoàng Leo III – người mà ông có ý định lật đổ. Song, như những nhà chép sử châu Âu kể lại, Giáo hoàng đã cư xử vô cùng khéo léo. Người đứng đầu phương Tây ra tận ngoài thành La Mã đón tiếp Charlemagne. Rồi hai hôm sau, trong một buổi lễ tại Vương cung Thánh đường San Pietro, trong lúc Charlemagne đang cầu nguyện, Giáo hoàng lại phía sau và đặt đế miện lên đầu vị vua người Frank, rồi tuyên bố: "Thượng đế gia miện cho Hoàng đế! Chúc vị Hoàng đế vĩ đại đã mang đến hòa bình cho người La Mã sống lâu trăm tuổi, vĩnh viễn giành được thắng lợi".
Hàng giáo phẩm cũng đồng thanh xưng tụng: "Cầu chúc cho vị vua được Thiên Chúa ban phúc – vị Hoàng đế của nhân dân La Mã – trường thọ và bách thắng!". Thế rồi, Giáo hoàng Leo III phục xuống hành lễ, theo một nghi thức cổ xưa có từ thời Hoàng đế La Mã Diocletianus.
Nói cách khác, để bảo vệ chính mình cũng như La Mã, Leo III đã "thay mặt Thượng Đế" gia phong ngôi vị Hoàng đế La Mã cho vị vua người "rợ". Ông chẳng còn cách nào khác. Và ngược lại, cho dù lúc đầu ngạc nhiên đến độ có chút tức giận, Charlemagne lại nhanh chóng nhận ra rằng sự gia phong đế miện này mang đến những lợi ích rất lớn, cho đế quốc mang tên "Đế quốc Karolingen" mà ông đang xây dựng. Đó là lợi ích hiển nhiên trong việc cai trị, khi thế quyền hậu thuẫn và nhận lại sự hậu thuẫn từ thần quyền – điều cốt lõi từng khiến Hoàng đế La Mã Constantinus thừa nhận Thiên Chúa giáo là Quốc giáo.
Là tất cả và cũng chẳng là gì
Tuy nhiên, Charlemagne mất quá sớm để kịp hồi sinh Đế quốc Tây La Mã với đúng nghĩa của nó (cho dù việc ông nhận đế hiệu cũng có nghĩa là công nhiên đối địch với đế quốc Đông La Mã Byzantine – những người luôn tự cho mình mới là "dòng đích truyền chính thống"). Sau cái chết của ông, các con ông không nối được nghiệp cha, và lãnh thổ mênh mông của "đế quốc Karolingen" nhanh chóng bị phân chia thành những mảnh nhỏ.
Cho đến khi Otto I của nhà Liudolfinger truất phế thành công triều đại Karolingen để nhận đế hiệu từ Giáo hoàng, phần lãnh thổ thực tế mà ông cai trị chỉ còn là Đông Francia. Sau đó, sự hỗn loạn tiếp tục nhanh chóng gia tăng. Cũng như họ Capet ở nước Pháp phải từng bước xây dựng vương quyền trong sự kìm kẹp của những chư hầu mạnh gấp bội mình, không ít hoàng đế của Thánh chế La Mã sau này thực tế được đưa lên ngôi bởi những người ủng hộ có thực lực hoàn toàn vượt trội (đánh giá của những sử gia biên soạn cuốn "Văn minh phương Tây").
Một cách dễ hiểu, Thánh chế La Mã là một hình thái siêu quốc gia, gồm nhiều phần hợp thành một cách lỏng lẻo, đặc biệt là sau giai đoạn các cuộc Thập tự chinh – khi nước Pháp, Anh và Tây Ban Nha dần hình thành các chế độ quân chủ tập quyền. Người đứng đầu Thánh chế là Hoàng đế, nhưng vị Hoàng đế này lại được bầu lên bởi các Tuyển hầu, chứ lúc đầu không mang tính chất cha truyền con nối. Như vậy, quyền lực của Thánh chế không nằm trong tay Hoàng đế, cũng không nằm trong tay một vị tuyển hầu nào, lại càng không có chế độ Quốc hội. Mỗi công quốc hay hầu quốc, hay lãnh địa bá tước – nam tước thực ra đều tự trị, thậm chí cả trong việc phục tùng Hoàng đế hay chống lại Hoàng đế. Thánh chế La Mã không phải là một liên bang, cũng không hẳn là liên minh của nhiều quốc gia. Nó đơn giản chỉ là một sự kết hợp dựa trên yếu tố "dân tộc Đức" vẫn còn khá mơ hồ, và bị lũng đoạn bởi sức mạnh theo từng thời điểm của các dòng họ lớn.
Dòng họ nổi tiếng nhất cuối cùng cũng bước lên vũ đài chính trị vào năm 1440 - hoàng tộc Habsburg. Nhờ các công cụ chính trị - quân sự và cả hôn nhân, hoàng tộc Habsburg trở thành chủ nhân thực thụ của lần lượt cả Hungaria, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Croatia, các xứ Bohemia và Galia, một số tiểu quốc ở Ý, đồng thời cũng là dòng họ cai trị Hà Lan bên cạnh việc là Hoàng đế của cả Áo lẫn Thánh chế lẫn Mexico. Tuy vậy, Hoàng gia Habsburg vẫn chỉ có thể cố gắng duy trì những hình thái mang màu sắc liên minh trong các phần lãnh thổ của mình, chứ không cách nào tạo nên sự đồng nhất và gắn kết như một hình thái nhà nước đế quốc đích thực.
Cho đến tận khi đế quốc Áo -Hung sụp đổ sau Đệ nhất Thế chiến, đây vẫn là khiếm khuyết lớn nhất của hoàng tộc từng giữ đế miện của cả Thánh chế lẫn Áo – Hung ấy. Họ tỏ ra thua kém khá nhiều về quyền lực so với hoàng tộc Bourbon của Pháp hay thậm chí là những kẻ thách thức ngoại đạo – đế chế Hồi giáo Ottoman. Còn trên phương diện phất cao ngọn cờ dân tộc để tiến tới thống nhất, cả Thánh chế lẫn Áo – Hung đều không thể so sánh với tham vọng cũng như sự kiên định của nước Phổ non trẻ sau này - thoát thai từ một vùng mà ảnh hưởng của Thánh chế đã trở nên quá suy yếu.
Ngày 6/8/1806 ấy, đế vị và đế chế kỳ quặc này đã đóng hết vai trò lịch sử của nó. Không phải đoạn kết mà Charlemagne mong đợi. Và có lẽ, cũng chẳng giống với những gì Otto I hình dung. Nhưng thật đáng kinh ngạc, nó vẫn kéo dài đến cả nghìn năm.
*Charlemagne được xem là "người cha dân tộc" của cả Pháp lẫn Đức. Ở Pháp, ông được nhớ đến với cái tên Charles I. Ở Đức, ông là Karl I. Ông cũng đã từng cố gắng thống nhất với Đông La Mã qua cả con đường hôn nhân, nhưng bị cự tuyệt. Vào năm 803, ông xua quân Frank tấn công các cảng biển của Byzantium, ép Hoàng đế Nikephoros I của Đông La Mã phải giảng hòa và thừa nhận đế hiệu của mình.
*Điều đáng lưu ý: Có lẽ do truyền thống "cởi mở" hàng nghìn năm, tư tưởng cai trị đối nghịch với mọi hình thái chuyên chế của nhà Habsburg bị Adolf Hitler – một người Áo – phản đối kịch liệt. Khi Hitler nắm quyền, SS và Gestapo liên tục khủng bố ở khu vực ảnh hưởng của nhà Habsburg. Ngược lại, cựu hoàng gia Áo – Hung cũng tổ chức những phong trào phản kháng mãnh liệt.