Tại sao Microsoft mặc dù bỏ lỡ cuộc cách mạng trình duyệt vẫn đứng vững top 3 thế giới?
Việc Microsoft từ bỏ hoàn toàn trình duyệt IE giống như một người đang cởi bỏ một chiếc áo hoàn toàn lỗi thời và không cần thiết.
Hành trình 26 năm của Internet Explorer: từng là độc quyền, giờ bị lãng quên
Năm 2015, trình duyệt Internet Explorer (IE) tròn 20. Microsoft không tổ chức sinh nhật cho IE mà quay sang đón nhận Microsoft Edge non trẻ và tuyên bố với người dùng rằng họ sẽ từ bỏ IE.
Ngày buông tay hoàn toàn không còn xa. Microsoft mới đây đã thông báo rằng họ sẽ ngừng hỗ trợ hoàn toàn trình duyệt IE kể từ ngày 15/6/2022. IE, trình duyệt từng làm nên vinh quang của Microsoft, sắp chính thức kết thúc.
Trong lịch sử kinh doanh toàn cầu, Internet Explorer là một huyền thoại, nhưng quá trình hình thành lại gây ra khá nhiều tranh cãi.
IE được sinh ra để tấn công trình duyệt Netscape Navigator. Kể từ khi ra mắt vào năm 1994, Netscape đã chiếm hơn 70% thị trường trình duyệt toàn cầu trong vòng chưa đầy một năm.
Kiểm soát thị trường trình duyệt tương đương với kiểm soát một lối vào quan trọng vào Internet, điều mà Microsoft không thể ngồi im. Bill Gates đã tập hợp một nhóm kỹ sư của Microsoft, và trên cơ sở mã nguồn của Spyglass Mosaic, họ đã cho ra đời thế hệ Internet Explorer đầu tiên trong vòng vài tháng.
Trong năm sau, Microsoft và Netscape bắt đầu một cuộc cạnh tranh giống như chạy đua vũ trang cho các trình duyệt tương ứng của họ.
Đối mặt với trình duyệt Netscape đã chiếm hơn 70% thị phần, Bill Gates đã tung ra một nước cờ lớn, đó là "chọn một trong hai". Ông thông báo rằng trình duyệt IE sẽ được bán kèm và cung cấp miễn phí cho người dùng cùng hệ điều hành Windows.
Đối với tất cả người sử dụng Windows là hệ điều hành, kể từ khi hệ thống đi kèm với một trình duyệt miễn phí là IE, họ không còn cần thiết cài đặt trình duyệt tương tự của Netscape.
Rõ ràng là Microsoft đã sử dụng sự độc quyền của mình trong hệ điều hành để hạ bệ công ty Netscape. Tình hình cuộc chiến trình duyệt thay đổi đột ngột, Netscape buộc phải rút lui và khởi kiện Microsoft vào tháng 5/1998. Năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Microsoft có hành vi độc quyền, kìm hãm cạnh tranh hợp pháp và buộc nhiều nhà sản xuất máy tính biến Internet Explorer trở thành trình duyệt web mặc định khi cài đặt Windows.
Mặc dù Microsoft phải đối mặt với khủng hoảng phải tách thành 2 công ty nhỏ do vi phạm đạo luật Sherman, nhưng thế cuộc đã quá muộn đối với Netscape. Tháng 11/1998, Netscape được AOL mua lại với mức định giá 4,2 tỉ USD.
Microsoft cuối cùng cũng thống trị thị trường trình duyệt như họ mong muốn. Đến năm 2003, thị phần của trình duyệt IE trên thị trường toàn cầu đã đạt mức đáng kinh ngạc là 95%.
Có thể nói, trong lịch sử kinh doanh toàn cầu, "chọn một trong hai" đầu tiên và đạt được thành công rực rỡ không phải là Tencent cũng không phải Alibaba những năm gần đây mà là Microsoft năm 1996.
Trong cuộc đua chỉ có một người, việc chạy đua cật lực dường như vô nghĩa. Microsoft, do thiếu đối thủ, đã làm chậm tốc độ cải tiến và nâng cấp cho trình duyệt Internet Explorer.
Năm 2001, IE 6 ra đời. Trong 5 năm liên tiếp sau đó, Microsoft chỉ cung cấp các bản cập nhật vá lỗi bảo mật cơ bản cho IE 6. Sự lãng quên trong thời gian dài này đã khiến Internet Explorer dần tụt hậu so với tốc độ thay đổi công nghệ trong thế giới kinh doanh, và IE 6 đối diện ngày càng nhiều chỉ trích về mặt bảo mật và khả năng tương thích.
Ví dụ, IE 6 không tương thích với các tiêu chuẩn web mới nhất để viết các trang web đẹp, lập trình viên cần viết thêm các mã tương thích dành riêng cho IE. Chính vì vậy, trong giới phát triển phần mềm, IE 6 được gọi là "cơn ác mộng của lập trình viên".
Nhiều lỗ hổng của IE và hành động chậm chạp của Microsoft tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh.
Trong vòng mười năm sau khi IE6 ra đời, nhiều đối thủ mạnh như Mozilla Firefox, Google Chrome, Apple Safari nối tiếp nhau ra đời.
Đối thủ mạnh nhất là trình duyệt Google Chrome, ra đời năm 2008. Google Chrome dường như chiếm ưu thế tuyệt đối so với IE: an toàn, nhanh chóng, khả năng tương thích mạnh mẽ. Trong một thập kỷ kể từ khi Google Chrome ra mắt, trình duyệt này đã tung ra 70 bản cập nhật, trong khi đó Microsoft chỉ cập nhật Explorer 4 lần kể từ phiên bản thứ 8 và cuối cùng.
Quan trọng hơn, Google đã tạo mã nguồn mở cho Chrome (dự án Chromium của Google), bất kỳ ai cũng có thể thêm hoặc xóa trên cơ sở mã hiện có.
Hiện tại, nhiều trình duyệt trên thế giới, bao gồm trình duyệt Opera Browser, QQ và Epic Privacy đều dựa trên dự án Chromium. Thậm chí, trình duyệt Microsoft Edge mới mà Microsoft đẩy mạnh chiếm khoảng 8% thị phần cũng sử dụng nhân Chromium của Google. Với hiệu suất vượt trội về mã nguồn mở, chức năng và bảo mật, Chrome nhanh chóng ăn mòn thị phần của IE.
Năm 2012, thị phần trình duyệt IE lần đầu tiên bị Chrome vượt mặt. Năm 2015, thị phần của IE lần đầu tiên giảm xuống dưới 20%. Tính đến ngày nay, khi Microsoft thông báo sẽ chấm dứt dịch vụ trình duyệt Internet Explorer, thị phần của IE chỉ còn chưa đầy 2%.
Ngược lại, thị phần hiện tại của Chrome đã vượt quá 65%, tiếp theo là Safari, chiếm thị phần khoảng 10%. IE rõ ràng đã không còn chỗ đứng trên thị trường trình duyệt toàn cầu ngày nay.
Microsoft vẫn là công ty có giá trị thứ ba trên thế giới
Liệu ngày tận thế của Microsoft đã đến khi kẻ thống trị trước đây là IE giờ đã bị Chrome đánh bại? Thực sự không phải như vậy. Giá trị thị trường của Microsoft đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua lên gần 2 nghìn tỉ USD, đứng thứ ba công ty hàng đầu thế giới theo giá trị thị trường.
Tại sao lại Microsoft vẫn đạt được thành công như vậy dù bỏ lỡ cuộc cách mạng trình duyệt? Giám đốc điều hành hiện tại của Microsoft Satya Nadella đã có câu trả lời cho câu hỏi này trong cuốn sách 'Hit Refresh' (tạm dịch: Nhấn nút tái tạo) xuất bản năm 2019.
Nếu bạn đang dùng máy tính Windows, chắc chắn bạn có lúc nhấn phải chuột lên màn hình và chọn Refresh. Refresh dịch ra Tiếng Việt thì nó có nghĩa là "làm mới, làm tươi" lại. Làm mới là việc tạo ra thứ mới trên cơ sở không hoàn toàn vứt bỏ những thứ cũ. Đây là những gì Microsoft đang làm - không phải hoàn toàn phá vỡ quá khứ, mà đang cố gắng tạo ra một bước đột phá trên một lĩnh vực mới.
Cái gọi là "chiến lược làm mới" của Microsoft thực chất là gì? Nó không phải để phát triển một trình duyệt tiên tiến hơn Chrome, mà là thực hiện một sự thay đổi chiến lược lớn để chuyển cốt lõi chiến lược của Microsoft sang một chiến trường mới, đó là nghiên cứu và phát triển các công nghệ quan trọng như điện toán đám mây, thực tế hỗn hợp, và điện toán lượng tử.
Microsoft đang áp dụng một chiến lược ngược đời là chuyển trọng tâm hoạt động kinh doanh của mình từ hệ điều hành và phần cứng, nơi có quy mô lớn và doanh thu đáng kể, sang các mảng kinh doanh ít trưởng thành hơn.
Về công nghệ tương lai, Microsoft đang cố gắng xây dựng trải nghiệm máy tính với sự trợ giúp của công nghệ thực tế hỗn hợp.
Hãng cũng đang cố gắng vượt qua những giới hạn của Định luật Moore thông qua tính toán lượng tử, qua đó đạt được một bước đột phá mang tính cách mạng về sức mạnh tính toán.
Microsoft đã công bố màn tạm biệt của IE, nhưng cũng đang viết nên một câu chuyện tái sinh đầy thú vị. Việc hãng từ bỏ hoàn toàn trình duyệt IE giống như cách một người đang cởi bỏ một chiếc áo hoàn toàn lỗi thời và không cần thiết.
Không có chiến lược nào là vĩnh cửu, không có chiến thắng nào là vĩnh viễn, không có sản phẩm nào là bất tử, không có đội nào là bất khả chiến bại, và chỉ có một cách duy nhất để đứng số một thị trường, là làm mới, làm mới và không ngừng làm mới. Thời đại của IE sắp kết thúc, nhưng Microsoft đang có trong tay một hợp đồng mới của cuộc đời.