Tại sao mục tiêu bỏ than lại khó đến vậy?
Trước thềm hội nghị COP26 về khí hậu của Liên hợp quốc, nước chủ nhà Vương quốc Anh từng tuyên bố một trong những mục tiêu của hội nghị là chấm dứt điện than. Điều này nói dễ hơn làm. Thậm chí, ngay cả việc viết nó vào văn bản cũng trở thành một thách thức.
Các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh COP26 có lẽ đã nhắc đi nhắc lại một điệp khúc rằng việc chống lại biến đổi khí hậu đòi hỏi thế giới phải chấm dứt điện than, cùng với các loại nhiên liệu hóa thạch khác.
Nhu cầu về than đá vẫn đang rất lớn tại các quốc gia đông đúc và đang trên đà phát triển mạnh như Ấn Độ - Ảnh: AP
Tuy nhiên, những ngôn từ rất mạnh mẽ về than đó đã sớm suy yếu ngay cả trước khi một mỏ than đầu tiên bị đóng cửa. Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào than, sớm nhất quyết thay thế các từ “loại bỏ” bằng “giảm dần”.
Sự tác động của than đối với biến đổi khí hậu là rất lớn, nhưng sự đóng góp của nó vào hệ thống năng lượng trên toàn cầu cũng không hề nhỏ. Đó có lẽ là lý do tại sao than lại khó loại bỏ như vậy.
Tại sao lại tập trung vào than?
Trong số ba loại nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên - thì than đá là tác nhân gây hại khí hậu lớn nhất. Nó gây ra khoảng 20% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc đốt than còn có các tác động môi trường khác, bao gồm ô nhiễm không khí góp phần tạo ra khói bụi, mưa axit và các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là một loại nhiên liệu tương đối dễ thay thế. Các giải pháp thay thế tái tạo cho nhiệt điện than đã có từ nhiều thập kỷ trước.
Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và là một gã khổng lồ về sản xuất, cho đến nay vẫn là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Mỹ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2019, Trung Quốc đã sản xuất 4.876 TWh điện từ than đá, gần bằng phần còn lại của thế giới cộng lại.
Tuy nhiên, theo quy mô dân số, tình hình lại khác. Thực tế, Úc mới là quốc gia có lượng phát thải than bình quân đầu người cao nhất trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20), tiếp theo là Hàn Quốc, Nam Phi, Mỹ rồi mới đến Trung Quốc.
Tại sao các quốc gia vẫn lựa chọn than?
Câu trả lời ngắn gọn là than đá rẻ và dồi dào. Nhưng ngay cả khi năng lượng tái tạo có giá cạnh tranh hơn, thì than vẫn không dễ bị loại bỏ. Nhu cầu điện đang tăng cao khi dân số và sự thịnh vượng trên thế giới tăng lên chóng mặt. Năng lượng tái tạo đơn giản không thể đủ để đáp ứng những nhu cầu khổng lồ đó.
IEA dự báo rằng Ấn Độ sẽ cần bổ sung một hệ thống điện có quy mô tương đương với Liên minh châu Âu (EU), để đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng cho sức tăng trưởng của mình trong 20 năm tới.
Vai trò của than trong ngành điện thực tế vẫn tương đối ổn định trong 5 thập kỷ qua, chứ không hề thực sự suy giảm. Thống kê của IEA cho thấy, tỷ trọng than trong sản xuất điện toàn cầu vào năm 1973 là 38%, thì đến năm 2019 vẫn ở mức 37%!
Sự cắt giảm sản lượng than tại Trung Quốc và một số quốc gia khác khiến giá năng lượng tăng cao và gây khó khăn cho nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển - Ảnh: Reuters
Cam kết gì về than và tương lai nào cho than?
Nhiều quốc gia dễ bị tổn thương, bao gồm cả các quốc đảo lo sợ sẽ biến mất khi nước biển dâng cao, hy vọng các chính phủ sẽ tham gia một thỏa thuận khí hậu của Liên hợp quốc về việc loại bỏ than đá.
Tuy nhiên, quyết tâm đã sớm bị suy giảm trong các cuộc đàm phán vì sự phản đối của Ấn Độ. Để rồi cuối cùng, thỏa thuận chỉ kêu gọi các quốc gia gia tăng nỗ lực để “giảm dần điện than” mà không đặt ra mốc thời gian.
Dẫu vậy, có thể nói tương lai của than vẫn có vẻ ảm đạm trong dài hạn, bất chấp các quyết định khá mơ hồ ở Glasgow. Nó không chỉ vì những lo ngại về khí hậu. Tại Mỹ, khí đốt tự nhiên đã thay thế than trong nhiều năm qua, mặc dù giá than đã tăng trở lại trong năm nay do giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh.
Kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015, nhiều quốc gia đã đặt ra mục tiêu không phát thải ròng, thậm chí không ngừng yêu cầu loại bỏ than. Ít nhất, các nhà máy đốt than được yêu cầu phải trang bị công nghệ đắt tiền để loại bỏ khí thải.
Thậm chí, các quốc gia như Áo, Bỉ và Thụy Điển đã đóng cửa các nhà máy than cuối cùng của mình. Anh có kế hoạch chấm dứt điện than vào năm 2024. Các thông báo được đưa ra tại COP26 cũng cho thấy, sẽ có thêm 370 nhà máy than trên khắp thế giới sắp cận kề sự kết thúc.
Tuy nhiên, đó chỉ là những tín hiệu đáng mừng ở châu Âu và một số quốc gia tiên tiến khác trên thế giới. Than vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối và vẫn sẽ được xem như nguồn năng lượng quan trọng tại các quốc gia đang phát triển hoặc mới phát triển như Trung Quốc, Brazil hay Ấn Độ.
Vì lẽ đó, vẫn cần một sự ghi nhận những nỗ lực của Cop26, nơi các nhà đàm phán đã thẳng thắn nêu bật sự cần thiết phải loại bỏ than trong tương lai, bên cạnh những mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan và ngăn chặn nạn chặt phá rừng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-muc-tieu-bo-than-lai-kho-den-vay-post166774.html