Tại sao mụn trứng cá có vẻ khỏi rồi vẫn phải điều trị duy trì?
Rất nhiều bệnh nhân bị mụn trứng cá tái đi tái lại nhiều lần dù được điều trị ở cơ sở y tế có uy tín. Đó là vì hầu hết các bệnh nhân cứ thấy đỡ hoặc hết mụn là ngừng thuốc hoặc không tuân thủ tái khám...
1. Điều trị mụn trứng cá dễ hay khó?
Mụn trứng cá bao gồm mụn đầu trắng, đầu đen, sẩn viêm đỏ, mụn mủ, mụn bọc và nang. Khoảng 90% bệnh nhân bị trứng cá là do da dầu gây bít tắc - viêm lỗ chân lông - bội nhiễm vi khuẩn. Dù loại bỏ được mụn nhưng bã nhờn vẫn tiết, lỗ chân lông vẫn tắc, vi khuẩn tiếp tục gây viêm nên tiếp tục tạo mụn mới.
Nguyên nhân tăng tiết bã là do tăng hoặc thay đổi hormone (điều này thấy rõ nhất khi phụ nữ đến kì kinh nguyệt sẽ tăng xuất hiện mụn); do di truyền liên quan đến cấu trúc gen; do dùng mỹ phẩm kém chất lượng; tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; ăn uống, vệ sinh da kém, stress, thức khuya...
Điều trị mụn trứng cá bao gồm sử dụng kem bôi, gel hoặc thuốc uống. Thông thường, các loại kem và gel trị mụn tại chỗ được khuyên dùng nếu số lượng mụn ít, trong khi thuốc uống được khuyên dùng dựa trên nguyên nhân cơ bản gây ra mụn. Ngoài ra còn có nhiều loại thực phẩm chức năng và mỹ phẩm điều trị và chăm sóc da mụn, tổng hợp lại bao gồm:
Các sản phẩm rửa làm sạch da và mụn.
Các sản phẩm bổ gan, tăng cường giải độc và hỗ trợ chức năng gan .
Các sản phẩm chống lão hóa, hạn chế đứt gãy, tái tạo collagen cho da.
Các thuốc tăng cường miễn dịch của da.
Các sản phẩm chống tăng chuyển tiết bã nhờn thành nhân mụn.
Ngoài ra, còn các loại chống nắng, làm trắng da, dưỡng ẩm…
Các bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng mụn, lứa tuổi, yếu tố gia đình, các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của mụn… để thiết kế phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh nhằm đạt hiệu quả cao, thuận tiện và hạn chế tái phát.
Ngoài ra, có thể sử dụng một số kỹ thuật sử dụng ánh sáng, lấy nhân mụn, trích các nang mụn… để tăng hiệu quả điều trị. Các bệnh nhân cũng được khuyên nên hạn chế đồ ăn chiên rán và không thức khuya.
Điều trị mụn trứng cá dễ hay khó tùy thuộc vào mức độ của tình trạng da và cách mỗi người phản ứng với liệu trình điều trị, thậm chí trong quá trình điều trị mới tìm ra sản phẩm phù hợp nhất. Điều này là do mỗi người có loại da khác nhau và có thể phản ứng khác nhau với các sản phẩm điều trị.
Các vấn đề khác như viêm da cơ địa hoặc các tình trạng da liễu khác cũng làm tăng khả năng phức tạp của việc điều trị mụn trứng cá. Vì vậy người bệnh không nên tự ý điều trị mà cần đến các cơ sở y tế thăm khám. Khi được kê đơn thì cần kiên trì dùng thuốc. Nếu tình trạng mụn trứng cá không cải thiện ngay cả sau khi sử dụng các sản phẩm trị mụn thì cần tái khám với bác sĩ da liễu để có được phương pháp điều trị phù hợp.
2. Điều trị duy trì ngăn ngừa mụn trứng cá tái phát
Mụn được xếp vào dạng bệnh da mạn tính nên hay tái phát nếu sau điều trị mà không có quy trình dự phòng phù hợp. Điều trị mụn hoàn hảo gồm 3 bước:
Bước 1: điều trị tấn công
Bước 2: điều trị duy trì
Bước 3: chăm sóc dự phòng
Điều trị duy trì là sử dụng các phương pháp điều trị thích hợp để đảm bảo mụn trứng cá được giữ nguyên ở tình trạng thuyên giảm khi đã đạt được ở mục tiêu điều trị tấn công trước đó. Mức độ điều trị duy trì phụ thuộc vào:
Tiền sử mụn trứng cá nặng
Tiền sử gia đình có mụn trứng cá mạn tính và kéo dài
Mụn có xu hướng để lại sẹo
Bệnh nhân trong thời gian chờ đợi các can thiệp điều trị
Tình trạng tiết bã nhờn nặng
Bệnh khởi phát sớm và nhanh chóng ở lứa tuổi thiếu niên
Có tiền sử tái phát trứng cá
Bệnh nhân là nữ có rối loạn nội tiết.
Thời gian điều trị duy trì tùy thuộc các tình trạng trên, thường là từ 3-6 tháng sau điều trị tấn công, trứng cá tái phát thì phải duy trì 6-12 tháng.
Các bệnh nhân nặng hay tái phát phải điều trị duy trì trong nhiều năm. Các thuốc điều trị duy trì được khuyến cáo là azelaic acid, retinoid bôi, adapalen... Trường hợp nặng có thể phải duy trì retinoid uống. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân cứ thấy đỡ hoặc hết mụn là ngừng thuốc hoặc không tuân thủ tái khám dẫn đến mụn tái đi tái lại, khó điều trị...
Mời xem thêm video được quan tâm: