Tại sao Mỹ chậm loại biên 'thần sấm' A-10?
Thô kệch và chậm chạp, những chiếc cường kích A-10 Thunderbolt II (Thần sấm) của Mỹ đáng ra đã bị loại biên từ cách đây 1 thập kỷ. Nhưng điều kỳ lạ là dòng chiến đấu cơ đã 50 tuổi này vẫn được tin dùng và sẽ chỉ bắt đầu được nghỉ hưu trong năm nay.
Kế hoạch thay thế A-10 bằng F-35
Trong nhiều năm qua, các quan chức không quân Mỹ liên tục chỉ rằng các máy bay A-10 “thần sấm” đã qua thời kỳ đỉnh cao và sẽ dễ bị tổn thương trong các cuộc chiến của tương lai do tốc độ chậm chạp của chúng. Dây chuyền sản xuất dòng máy bay có biệt danh “thần sấm” này thậm chí đã ngừng hoạt động vào giữa những năm 1980 và phần lớn những chiếc cơ A-10 của không quân Mỹ có tuổi đời lên tới bốn thập kỷ.
Lực lượng Không quân tin rằng, công việc của A-10 có thể được thực hiện bởi các máy bay mới hơn và tiên tiến hơn. Trung tướng Richard Moore, Phó tham mưu trưởng phụ trách các Kế hoạch và Chương trình của Không quân Mỹ cho biết: “Dù A-10 đã phục vụ chúng tôi rất tốt, nhưng loại máy bay này không phải là một phần của chiến trường tương lai”.
Theo báo Wall Street Journal, Lầu Năm Góc cho biết họ muốn dành những nguồn lực mà A-10 sử dụng cho các máy bay khác, đáng chú ý nhất là F-35. Dòng chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ thứ 5 do Lockheed Martin sản xuất sử dụng công nghệ tàng hình, đồng thời có thể bay nhanh gấp gần ba lần so với A-10.
F-35 có thể đảm nhận việc hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất, nhiệm vụ vốn được thiết kế chuyên môn hóa cho “thần sấm” A-10 trong vẫn có thừa nhanh nhẹn và linh hoạt để đương đầu với các cường kích, tiêm kích thế hệ mới của đối phương. Chưa kể, hệ thống điện tử tiên tiến của F-35 cho phép nó đảm nhiệm tốt cả công tác trinh sát lẫn tiến hành chiến tranh điện tử.
Các nhà hoạch định chiến lược của không quân Mỹ nhận định, A-10 cực kỳ dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng không hiện đại, bởi tốc độ tối đa chỉ gần 700 km/h của dòng máy bay này là quá chậm để nó có thể trốn thoát trước những quả tên lửa phòng không có tốc độ Mach 2, Mach 3 hiện nay. Theo họ, một cuộc chiến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu xảy ra cũng khó kéo theo sự xuất hiện ồ ạt của các lực lượng mặt đất Mỹ, nên không quá cần đến sự bảo vệ của “thần sấm” A-10.
Lý do “thần sấm” chậm nghỉ hưu
Thế nhưng, Quốc hội Mỹ có ý tưởng khác. Các nhà lập pháp không đồng ý cho quân đội Mỹ loại biên những chiếc A-10. Họ tin rằng dòng máy bay này xứng đáng được tin dùng vì sự dẻo dai trong chiến đấu và chi phí rất tiết kiệm của chúng. Theo ước tính, Mỹ chỉ tốn khoảng hơn 4 tỷ USD để vận hành toàn bộ phi đội A-10 của mình trong 1 thập kỷ qua.
Bình quân, mỗi chiếc A-10 chỉ tốn 22.531 USD cho mỗi giờ cất cánh chiến đấu. Trong khi đó, những chiếc F-35 sẽ ngốn khoảng 42.000 USD cho mỗi giờ bay. Khác biệt gần như gấp đôi trong khi thực tế chiến trường lại cho thấy, “thần sấm” A-10 vẫn cực kỳ lợi hại trong nhiệm vụ hỗ trợ tấn công mặt đất và chống tăng.
Những người bảo vệ chiếc máy “thần sấm” tại Quốc hội Mỹ trích dẫn các thành tích chiến đấu phi thường mà A-10 đã làm ở Afghanistan và Iraq, nơi chúng đã tiêu diệt rất nhiều xe tăng và cả trực thăng của đối thủ. Một số người cho rằng lực lượng không quân chưa cho thấy F-35 có khả năng hỗ trợ tấn công mặt đất tốt như A-10.
“A-10 là máy bay có năng lực cao nhất trong nhiệm vụ hỗ trợ trên không tầm gần và bảo vệ quân đội của chúng ta trên mặt đất,” thượng nghị sĩ bang Arizona Mark Kelly - người cũng là một cựu phi công của Hải quân Mỹ phát biểu với Wall Street Journal. “Tôi vẫn đang chờ đợi quân đội của chúng ta sẽ duy trì những khả năng kể trên như thế nào trong tương lai”.
Quả thực, bản chất của cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan rất phù hợp với A-10. Ở đó, việc quân đội Mỹ thống trị bầu trời cho phép những chiếc A-10 lượn lờ trên chiến trường mà không bị đe dọa. Andrew Wood, một phi công A-10 đã nghỉ hưu, người đã chứng kiến nhiều hoạt động của “thần sấm” ở Afghanistan, cho biết: “Loại máy bay này được chế tạo cho một nhiệm vụ rất cụ thể, đó là hủy diệt mọi thứ mà nó nhìn thấy trên mặt đất. Và nó thực hiện rất, rất tốt”.
Theo ghi nhận, trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, không quân Mỹ đã triển khai 132 chiếc A-10. Phi đội “thần sấm” hùng hậu này có tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ là 95,7%, thực hiện 8.100 phi vụ và phóng 90% số tên lửa AGM-65 Maverick mang theo. Phía Mỹ cho biết, các máy bay A-10 Thunderbolt II đã tiêu diệt 987 xe tăng, 926 khẩu pháo và 1.355 xe chiến đấu các loại của quân đội Iraq.
Thế nên, dù suốt 1 thập kỷ qua, không quân Mỹ đã nhiều lần xin phép Quốc hội cho A-10 nghỉ hưu nhưng lần nào cũng bị từ chối cho đến khi ngân sách tài khóa 2023 được thông qua. Tháng 3 vừa qua, Tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng Charles Q. Brown Jr xác nhận, 21 chiếc A-10 Thunderbolt II đầu tiên sẽ được nghỉ hưu trong năm nay và loại máy bay này sẽ hoàn toàn bị loại biên vào năm 2029.
Điều gì làm nên sức mạnh của “thần sấm”?
A-10 Thunderbolt II được Fairchild Republic phát triển cho không quân Mỹ vào những năm 1970 và chính thức gia nhập biên chế từ năm 1976. Nó được đặt tên theo Republic P-47 Thunderbolt, một loại máy bay tiêm kích-ném bom thời Thế chiến II vốn rất hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu mặt đất. Bên cạnh đó, nó còn được gọi là "Warthog" (lợn lòi) bởi hình dáng kỳ dị, thô kệch.
Máy bay có hai động cơ tuốc bin phản lực General Electric TF34-GE-100 mạnh mẽ đặt ở đuôi với đôi cánh thẳng và lớn, giúp A-10 Thunderbolt II có thể bay linh hoạt ở độ cao thấp (từ 300 đến 2.500 mét), thời gian bay lâu và bán kính chiến đấu rộng. Đây là chiếc máy bay duy nhất trong biên chế của không quân Mỹ được thiết kế dành riêng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất và yểm trợ cận chiến từ trên không.
A-10 có hệ thống hình ảnh nhìn ban đêm (NVIS), hiển thị tín hiệu trên mũ bay và buồng lái dạng mái vòm bong bóng lớn giúp phi công có tầm nhìn bao quát xung quanh. Buồng lái và các hệ thống điều khiển được bảo vệ bởi áo giáp titan dày, nặng tới 540 kg, giúp A-10 có thể tiếp tục bay ngay cả khi bị trúng đạn xuyên giáp và đạn nổ mạnh lên đến 23 mm.
Khả năng cất cánh và hạ cánh từ các đường băng tương đối ngắn cho phép A-10 hoạt động tốt từ các khu vực gần tiền tuyến. Máy bay có thể được bảo dưỡng và vận hành tại các căn cứ có cơ sở vật chất hạn chế, nhiều bộ phận của A-10 có thể hoán đổi cho nhau trái và phải, bao gồm động cơ, thiết bị hạ cánh chính và phần đuôi thăng bằng dọc.
Về hỏa lực, khẩu pháo Gatling 30 mm GAU-8/A của A-10 có thể bắn 3.900 viên đạn một phút. Máy bay được trang một loạt vũ khí không đối đất, bao gồm đạn dẫn đường bằng laser và GPS, tên lửa AGM-65 Maverick và AIM-9 Sidewinder. Nhờ hỏa lực khủng khiếp mang theo, A-10 trở thành nỗi ám ảnh đối với các lực lượng mặt đất của đối phương.
Theo niên giám năm 2022 của Tạp chí Hàng không và Vũ trụ Mỹ, quân đội Mỹ có 281 chiếc A-10, với 141 chiếc đang hoạt động trong các đơn vị không quân, 55 chiếc thuộc lực lượng dự bị của không quân và 85 chiếc biên chế tại lực lượng phòng không.
Thông số kỹ thuật máy bay A-10 Thunderbolt II
Phi hành đoàn: 1 người
Chiều dài: 16,16 mét
Chiều cao: 4,42 mét
Sải cánh: 17,42 mét
Động cơ: 2 động cơ phản lực General Electric TF34 -GE-100A, lực đẩy 40,32 kN/chiếc
Tốc độ tối đa: 675 km/h
Trần bay: 13.636 mét
Trọng lượng cất cánh tối đa: 22.950 kg
Tầm hoạt động: 1.300 km
Bán kính chiến đấu: 400 km
Vũ khí:
+ Một pháo 30 mm GAU-8/A Gatling 7 nòng tốc độ 3.900 viên/phút với 1.174 viên đạn.
+ Có thể mang 7.200 kg vũ khí trên 8 mấu treo dưới cánh và 3 mấu dưới thân, bao gồm bom Mk-82 500 pound (225 kg) và 2.000 pound (900 kg), bom cháy Mk-77, bom chùm BLU-1, BLU-27/B, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, bom dẫn đường bằng laser/GPS, rocket không điều khiển Hydra 70 mm; pháo sáng đối phó hồng ngoại và tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-my-cham-loai-bien-than-sam-a-10-post244650.html