Tại sao Mỹ không chế tạo máy bay B-52 mới?

Máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52 Stratofortress đã phục vụ Không quân Mỹ suốt bảy thập kỷ và có thể sẽ tiếp tục bay thêm nhiều thập kỷ nữa trước khi chính thức 'nghỉ hưu'.

Điều này có nghĩa là thế hệ phi công cuối cùng điều khiển B-52 có thể sẽ là con cháu của những người từng lái những chiếc máy bay đầu tiên.

Một chiếc B-52 Stratofortress do Đại úy Will Byers và Thiếu tá Tom Aranda lái, chuẩn bị tiếp nhiên liệu trên không ở Afghanistan trong một nhiệm vụ hỗ trợ trên không tầm gần. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Một chiếc B-52 Stratofortress do Đại úy Will Byers và Thiếu tá Tom Aranda lái, chuẩn bị tiếp nhiên liệu trên không ở Afghanistan trong một nhiệm vụ hỗ trợ trên không tầm gần. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Chiếc B-52A đầu tiên cất cánh năm 1954. Đến năm 1955, phiên bản B-52B chính thức được đưa vào hoạt động. Chiếc B-52H cuối cùng xuất xưởng vào tháng 10/1962, cách đây 62 năm.

Tổng cộng, 744 chiếc B-52 đã được chế tạo. Hiện tại Không quân Mỹ vẫn duy trì 76 chiếc; trong đó 58 chiếc đang hoạt động tại các phi đoàn ném bom số 2 và số 5, 18 chiếc thuộc lực lượng dự bị của phi đoàn số 307. Ngoài ra, nhiều chiếc khác đang được lưu trữ dài hạn tại căn cứ không quân Davis-Monthan, nơi được mệnh danh là "Boneyard".

Mặc dù đã hoạt động rất lâu, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp B-52, bao gồm cải tiến các cảm biến, hệ thống làm việc cho phi hành đoàn, bố trí lại buồng lái, thay thế động cơ, và thậm chí thêm các tiện nghi nhỏ như màn che riêng cho khu vực vệ sinh.

Vì sao không sản xuất thêm B-52 mới?

Một câu hỏi thường xuất hiện trên các diễn đàn hàng không: "Nếu B-52 là một nền tảng tốt như vậy, tại sao không sản xuất thêm?". Câu trả lời đơn giản là: "Tại sao phải làm vậy?"

Một so sánh thú vị là với máy bay ném bom Tupolev Tu-95 của Nga, được phát triển cùng thời điểm với B-52 và vẫn đang hoạt động. Mặc dù việc sản xuất Tu-95 bị dừng vào thập niên 1960, dây chuyền chế tạo đã được khởi động lại vào năm 1981 và kéo dài đến năm 1993. Hầu hết 55 chiếc Tu-95 hiện vẫn bay đều được chế tạo trong giai đoạn này.

Nga cũng đã tái sản xuất máy bay ném bom chiến lược Tu-160 "White Swan". Mới đây, Điện Kremlin đã nhận thêm một lô máy bay Tu-160 mới vào tháng 8. Điều này khiến nhiều người cho rằng Mỹ cũng nên khởi động lại việc sản xuất B-52, nhưng thực tế lại khác biệt. Hoàn cảnh của Mỹ và Nga khác nhau rất nhiều.

Dây chuyền sản xuất B-52 đã ngừng hoạt động từ lâu. Trước đây, chúng được đặt tại Seattle và Wichita, nhưng dù các nhà máy này còn tồn tại, dây chuyền lắp ráp đã bị tháo dỡ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhiều thập kỷ trước. Không có bằng chứng nào cho thấy các bản thiết kế và thông số kỹ thuật ban đầu của B-52 vẫn được bảo quản đầy đủ. Nhiều công ty và nhà thầu phụ từng tham gia sản xuất B-52 đã ngừng hoạt động hoặc sáp nhập.

Trong khi đó, các máy bay chiến đấu như F-15 và F-16 vẫn tiếp tục được sản xuất vì dây chuyền của chúng chưa bao giờ ngừng hoạt động và nhu cầu quốc tế vẫn cao. Tuy nhiên, với B-52 thì không có nhu cầu tương tự. Việc tái khởi động sản xuất B-52 sẽ mất nhiều năm để tái thiết lập cơ sở hạ tầng, chưa kể đến thực tế là công nghệ của B-52 đã 70 năm tuổi.

Giải pháp nâng cấp thay vì chế tạo mới

Thay vì sản xuất mới, Không quân Mỹ đã lựa chọn nâng cấp các máy bay B-52 hiện có. Boeing và Rolls-Royce, đơn vị cung cấp động cơ mới, đã áp dụng các công nghệ tiên tiến như in 3D và thiết kế hiện đại để lắp đặt động cơ mới cho B-52. Thực tế, nhiều kỹ sư tham gia vào việc phát triển B-52 đã nghỉ hưu từ lâu, hiện không còn nhiều người làm việc.

Ngoài ra, Không quân Mỹ đang phát triển loại máy bay ném bom chiến lược mới mang tên B-21 Raider, dự kiến sẽ thay thế B-1B Lancer, B-2 Spirit và thậm chí cả B-52.

B-21 Raider có thể sẽ là máy bay ném bom chiến lược có người lái cuối cùng của Mỹ, khi công nghệ máy bay không người lái đang phát triển nhanh chóng.

Việc chế tạo thêm B-52 mới giống như đưa những chiếc thiết giáp hạm quay trở lại hoạt động. Dù có thể thực hiện được với đủ nguồn lực và tiền bạc, nhưng không có lý do thuyết phục nào để làm điều đó. Không quân Mỹ đang tiến về phía trước với các nền tảng hiện đại hơn và B-52 dần trở thành một phần của lịch sử.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-my-khong-che-tao-may-bay-b-52-moi-169241004095418679.htm