Tờ "Kyiv Post" của Ukraine đưa tin: Vào tháng 10 năm ngoái, Kazakhstan đã công khai bán đấu giá 117 máy bay chiến đấu cũ thời Liên Xô. Hiện có tin tiết lộ rằng, 81 chiếc trong số đó đã được Mỹ mua thông qua các nước trung gian.
Tờ Washington Post dẫn thông tin từ hãng truyền thông Insider UA của Ukraine cho biết, 81 máy bay chiến đấu của Kazakhstan mà Mỹ mua không chỉ cũ, không thể sử dụng được, mà việc hiện đại hóa chúng cũng không thực tế về mặt kinh tế.
Lý do thúc đẩy việc mua số máy bay cũ chiến đấu này của Mỹ vẫn chưa được công khai và có suy đoán rằng, những chiếc máy bay này đều sẽ được đưa đến phục vụ ở Ukraine, vì Quân đội Ukraine hiện đang có những máy bay tương tự.
Trước đó, các nước đồng minh phương Tây của Ukraine đã mua hoặc chuyển giao số lượng lớn vũ khí trang bị thời Liên Xô để hỗ trợ, bổ sung cho các loại vũ khí, trang thiết bị hiện có của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Ví dụ Ba Lan đã cung cấp số máy bay chiến đấu MiG-29 bị loại biên cho Ukraine để rã lấy phụ tùng.
Tờ Washington Post nhận định rằng, do Ukraine tiếp tục phải dựa vào vũ khí thời Liên Xô, nên những chiếc máy bay này của Kazakhstan, có thể được sử dụng làm nguồn cung cấp phụ tùng thay thế, hoặc làm "mồi nhử" triển khai ở các khu vực chiến đấu.
Hãng tin RIA Novosti của Nga cho biết, việc mua bán số máy bay chiến đấu cũ của Kazakhstan được thực hiện thông qua một công ty nước ngoài, chứ không phải trực tiếp thông qua cấp chính phủ; nhưng đứng phía sau là Chính phủ Mỹ.
Tờ Kyiv Post cho biết, trong những năm qua, Kazakhstan đã dần thay thế phi đội máy bay chiến đấu lạc hậu do Liên Xô sản xuất bằng các máy bay chiến đấu hiện đại như máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM của Nga.
Năm 2023, Kazakhstan rao bán đấu giá 117 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thời Liên Xô. Chúng bao gồm máy bay đánh chặn MiG-31, máy bay cường kích bom MiG-27, máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay tiêm kích bom Su-24; đều được sản xuất trong thập niên 1970 và 1980.
Trang web "Business Insider" của Mỹ cũng đưa tin vào ngày 28/4 vừa qua rằng, Mỹ đã thông qua các công ty trung gian mua 81 máy bay chiến đấu thời Liên Xô từ các đồng minh của Nga, "với giá trung bình dưới 20.000 USD mỗi chiếc".
Theo thông tin của tờ "Bưu điện Kazakhstan", giá công bố của 117 máy bay chiến đấu cũ được bán đấu giá là 1 tỷ tenge (tiền Kazakhstan), xấp xỉ 2,26 triệu USD; với giá trung bình là 19.300 USD mỗi máy bay.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã vượt quá một trăm tỷ USD. Tổng số 81 máy bay chiến đấu cũ được mua lần này chưa đến 2 triệu USD, thì số tiền này gần như không đáng kể.
Hiện phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine đều là những máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất, phụ tùng rất khan hiếm. Do vậy, việc cung cấp các máy bay chiến đấu cũ có nguồn gốc Liên Xô cho Quân đội Ukraine để huấn luyện hoặc làm phụ tùng thay thế, cũng là điều hợp lý.
Việc Mỹ mua 81 chiếc máy bay đã bị loại khỏi biên chế dưới dạng “sắt vụn” cũng không có gì quá lớn, nhưng truyền thông Ukraine và Mỹ thực sự muốn nhấn mạnh: “Kazakhstan dường như đang muốn tăng cường quan hệ với các nước phương Tây và cố gắng giảm bớt các mối quan hệ quân sự và chiến lược lịch sử của mình với Moscow”.
Tờ Business Insider đăng một bức ảnh “đặc biệt”, được chụp vào tháng 2/2023, khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đến thủ đô Astana để gặp Tổng thống Kazakhstan Tokayev, nhằm tăng cường vai trò của Washington ở Trung Á.
Ví dụ được "Kyiv Post" trích dẫn là Ngoại trưởng Anh Cameron cũng vừa đến thăm Astana. Ông Cameron cho biết, Kazakhstan "bị bao quanh bởi những nước láng giềng khó tính" và cho biết London sẽ giúp Kazakhstan giải quyết "những vấn đề nảy sinh ở khu vực khó khăn này (?)".
Xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài từ lâu, Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác trở thành mục tiêu cạnh tranh khốc liệt giữa Nga và phương Tây do vị thế địa chiến lược nổi bật của họ. Gần đây, nỗ lực lấy lòng và khiêu khích Kazakhstan của phương Tây ngày càng lộ rõ.
Về thái độ của Kazakhstan, tờ Kyiv Post trong cùng bài viết cho biết, Tổng thống Kazakhstan Tokayev khi đến thăm Đức vào mùa thu năm 2023 đã nói, Kazakhstan sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng Kazakhstan không "chống Nga".
Tổng thống Tokayev cũng bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của "sự hợp tác toàn diện với Nga, quốc gia mà chúng ta có chung đường biên giới đất liền dài thứ hai trên thế giới (chỉ đứng sau biên giới giữa Canada và Mỹ) và có nhiều mối quan hệ truyền thống". (Nguồn ảnh: Reuters, DW, Forbes, Topwar).
Tiến Minh (Theo Sina, Washington Post)