Tại sao Mỹ ném bom nguyên tử Hirosima và Nagasaki?
Theo các chuyên gia, không có ý nghĩa quân sự trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại thường dân.
Đầu tháng 5/1945, điều không còn nghi ngờ đối với tất cả các nước đồng minh là Hồng quân Liên Xô sẽ đập tan Đệ tam Quốc xã. Vai trò chính trong việc tiêu diệt Đức Quốc xã chắc chắn thuộc về Liên Xô, còn người Mỹ thì sao? Muốn “dây máu ăn phần”, giới tinh hoa Mỹ suy nghĩ và cân nhắc nghiêm túc về cách cường quốc này góp công vào kết cục lịch sử Thế chiến II.
Với họ, chỉ còn việc đánh bại quân phiệt Nhật Bản. Nhưng vào cuối cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, người Mỹ không muốn hy sinh mạng sống những người lính của mình. Vì vậy, việc tấn công bằng vũ khí nguyên tử chống lại Nhật Bản đã được quyết định.
Bằng cách này, Mỹ sẽ đạt được hai mục tiêu. Đầu tiên, sau đòn tấn công hạt nhân, Nhật Bản sẽ không chậm trễ đầu hàng. Thứ hai, tấn công hạt nhân sẽ là một cuộc trình diễn cho toàn thế giới biết về vũ khí mạnh nhất trong tay người Mỹ mà vẫn chưa nước nào có được.
Sau khi được Tổng thống Truman bật đèn xanh, trước giới chức quân sự chóp bu Mỹ, một câu hỏi đã được đặt ra - sẽ đánh bom thành phố nào? Năm mục tiêu được đề xuất gồm Hiroshima, Kyoto, Yokohama, Niigata và Kokura. Các mục tiêu ưu tiên được cho là các thành phố Kyoto và Hiroshima. Kyoto là một trung tâm công nghiệp quân sự lớn, còn Hiroshima là hải cảng lớn nhất - nơi tập trung một số lượng lớn tàu chiến Nhật.
Tiếp theo, Yokohama - một thành phố với một danh sách ấn tượng các nhà máy quân sự. Hai thành phố cuối danh sách Kokura và Niigata - là các thành phố có kho vũ khí lớn nhất. Nagasaki không nằm trong danh sách các thành phố phải “thanh lý”.
Nhưng đột nhiên, Đấng Tối cao đã can thiệp vào số phận của Kyoto. Vấn đề là, Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson có cảm tình đặc biệt với thành phố này. Chính tại Kyoto, vợ chồng ông bộ trưởng này đã trải qua tuần trăng mật, và ông ta chấp nhận rủi ro và nguy hiểm cho chính mình, đã thay thế Kyoto trong danh sách bằng Nagasaki.
Ngày 6/8/1945, một trong những chiếc B-29 “Great Artist” đã thả quả bom “Cậu bé” (Little Boy) xuống thành phố Hiroshima. Ba ngày sau, một máy bay ném bom B-29 khác của Mỹ được phái đi ném bom Kokura, và nếu không thể, thì hủy diệt Nagasaki.
Hành vi tiếp theo của các phi công cũng bất thường. Khi đã đến được Kyoto một cách an toàn, các phi công đã báo cáo với cấp trên rằng, thành phố đầy khói, không thể thả bom, sau đó họ bay đến Nagasaki. Quả bom hạt nhân “Lão béo” (Fat Man) đã được ném xuống Nagasaki vào ngày 9/8, lúc 11h. Hiroshima và Nagasaki đều bị phá hủy hoàn toàn; cú sốc của việc sử dụng vũ khí mới mạnh đến nỗi, ngày 15/8, chính phủ Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Những tác động tức thời của các vụ nổ bom nguyên tử đã giết chết từ 90.000 đến 146.000 người ở Hiroshima và 39.000 đến 80.000 người ở Nagasaki; khoảng một nửa số ca tử vong ở mỗi thành phố xảy ra vào ngày đầu tiên. Một số lượng lớn cư dân tiếp tục chết trong nhiều tháng sau đó do ảnh hưởng của bỏng, bệnh phóng xạ và các thương tích khác, kết hợp với bệnh tật và suy dinh dưỡng. Ở cả hai thành phố, hầu hết người chết là thường dân, mặc dù Hiroshima có một đơn vị quân đội khá lớn đồn trú.
Có phải việc ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki là không thể khác, và có sự cần thiết về mặt quân sự? Cho đến nay, các nhà sử học và chính trị gia vẫn tranh luận về điều này. Theo các chuyên gia, không có ý nghĩa quân sự trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại thường dân. Có một sự thật là ném bom Nagasaki người Mỹ đã không bị ngăn cản bởi vị trí của một nhà giam tù binh từ các đồng minh chống phát xít ở ngoại ô thành phố này, mà phần lớn trong số đó là lính Mỹ và Anh. Điều đó không đáng xấu hổ? Hay đánh bom trại tù binh cũng là một phần trong kế hoạch của người Mỹ?./.