Tại sao Mỹ yêu cầu Ukraine không tấn công cơ sở dầu mỏ của Nga?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã giải thích lí do vì sao Washington không muốn Ukraine tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga trong xung đột giữa hai nước.
Các lực lượng Kiev đã tiến hành một loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào các cơ sở lọc dầu và kho nhiên liệu ở nhiều vùng của Nga trong 2 tháng qua.
“Những cuộc tấn công đó có thể gây ra tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu. Ukraine tốt hơn nên theo đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện giao tranh hiện tại”, Bộ trưởng Quốc phòng Austin tuyên bố trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần về ngân sách quân sự hàng năm hôm 9/4.
Phát biểu của ông Austin đã vấp phải sự phản đối của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton, người tin các vụ tập kích của Ukraine có hiệu quả. Chính khách này cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ “không muốn giá xăng dầu tăng trong một năm bầu cử”.
Giá dầu toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua, nhưng Mỹ khẳng định điều này là do xung đột ở Trung Đông cũng như tác dụng của các biện pháp trừng phạt và việc áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Trong khi đó, Moscow thông báo đạt xuất khẩu dầu mỏ năm 2023 cao hơn so với trước thời điểm bùng phát xung đột với Ukraine.
Theo đài RT, phát biểu của Bộ trưởng trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác nhận thêm thông tin Washington từng yêu cầu Kiev dừng tập kích các nhà máy sản xuất nhiên liệu của Nga. Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Kiev sẵn sàng tuân thủ yêu cầu này của Washington. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó mô tả phản ứng của Washington “không tích cực”.
Hồi đầu tuần này, cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) tuyên bố, các lực lượng Kiev sẽ mở rộng bắn phá vào các cơ sở lọc dầu ở xứ sở bạch dương.
Các quan chức Ukraine ban đầu khẳng định, những vụ tấn công như vậy nhằm mục đích làm gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và “gây ra đòn giáng mang tính biểu tượng, đưa xung đột đến gần Moscow hơn”. Song, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Zelensky nói đây là một hình thức răn đe vì Kiev sắp cạn kiệt tên lửa cho các hệ thống phòng không được phương Tây chuyển giao.
Cả ông Zelensky và ông Austin đều thúc giục Quốc hội Mỹ phê duyệt gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Theo người đứng đầu Kiev, Ukraine chắc chắn sẽ thua nếu không nhận được khoản viện trợ mới này.