Tại sao nên ngâm khoai tây trước khi chế biến?
Trước khi chế biến khoai tây người xưa thường ngâm trong nước một khoảng thời gian rồi mới nấu đó là kinh nghiệm hay mà ai cũng nên học theo.
Tại sao phải ngâm khoai tây trước khi chế biến?
Thực tế, khoai tây luôn chứa một lượng nhất định solanin - chất có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4 gram trên 1kg trọng lượng cơ thể. Chất này tồn tại nhiều hơn ở những củ khoai tây có vỏ đã chuyển sang màu xanh và củ đã mọc mầm.
Việc gọt vỏ và ngâm khoai tây trước khi chế biến là cách đơn giản để làm giảm hàm lượng chất độc có hại này.
Sau khi gọt vỏ, bạn nên ngâm khoai tây trong nước ít nhất nửa tiếng trước khi nấu để chất solanin phân hủy trong nước, sau đó bạn rửa lại bằng nước sạch là được.
Ngoài ra, việc ngâm khoai tây vào nước sau khi gọt vỏ cũng là cách giúp khoai tây giữ được màu vàng và trông tươi hơn. Khoai tây sau khi gọt vỏ nếu ở ngoài không khí thì lớp tinh bột trên bề mặt sẽ phản ứng với không khí và ánh sáng tạo ra màu thâm đen. Đây cũng là một lý do tại sao phải ngâm khoai tây trước khi chế biến.
Cách bảo quản khoai tây nguyên củ được lâu
Chọn lọc khoai tây cẩn thận trước khi bảo quản
Nếu muốn khoai tây bảo quản được lâu, không bị hư hỏng thì bạn cần chọn khoai thật cẩn thận. Nên chọn những củ mới đào, còn lành lặn, không bị dập, sờn vỏ. Nếu khoai đã bị dập hoặc bị dao cứa vào trong quá trình đào thì cần loại bỏ vì khoai sẽ bắt đầu hỏng dần từ vết cứa đó. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chọn những củ khoai có màu xanh hoặc củ khoai có dấu hiệu mọc mầm.
Bảo quản khoai tây ở nơi thoáng mát
Bảo quản khoai tây nên chọn những nơi thoáng mát, nhiệt độ lý tưởng là từ 6-10 độ C. Nếu vậy thì khoai tây có thể bảo quản được trong nhiều tháng mà không bị hư hỏng. Mức nhiệt độ này thường có trong điều kiện mùa đông của nước ta.
Theo nhiều nghiên cứu, nhiệt độ mát sẽ làm cho thời gian bảo quản khoai tây tăng lên gấp 4 lần so với nhiệt độ phòng. Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp cũng giữ cho hàm lượng vitamin C có trong khoai tây giữ được lâu hơn (khoảng 4 tháng). Nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng, sau khoảng 1 tháng thì lượng vitamin C sẽ mất đi khoảng 20% so với ban đầu..
Cách bảo quản khoai tây được lâu là tránh xa ánh sáng
Ánh sáng, bao gồm cả ánh sáng mặt trời lẫn ánh sáng của đèn huỳnh quang đều có thể khiến cho vỏ khoai tây chuyển sang màu xanh. Màu xanh được tạo ra từ vỏ khoai tây chính là chất diệp lục, chúng vô hại nhưng nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lại tạo ra một lượng lớn chất độc hại có tên là solanin.
Solanin có vị đắng, tạo ra cảm giác nóng miệng hoặc cổ họng, nhất là với những người nhạy cảm với chất này. Solanin còn gây độc nếu được tiêu thụ với hàm lượng cao, các triệu chứng nổi bật là: buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Để tránh sự hình thành solanin của khoai tây, bạn nên để khoai tây ở những nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào như trong gầm tủ bếp, những vị trí khuất nắng trong nhà…
Không bảo quản khoai tây trong tủ lạnh
Như đã phân tích ở trên, nhiệt độ lý tưởng để bảo quản khoai tây là 6-10 độ C, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên để khoai tây ở trong ngăn mát tủ lạnh. Nhiệt độ trong tủ lạnh quá thấp, chúng sẽ gây ra tình trạng chuyển hóa đường do nhiệt độ thấp. Khi bạn dùng khoai tây này chế biến bằng các cách như chiên, nấu thì đường trong khoai tây sẽ kết hợp với axit amin asparagin trong nhiệt độ cao, tạo thành một hợp chất có tên là Acrylamide rất độc hại – chất gây ra nguy cơ ung thư.
Bạn cũng không nên bảo quản khoai tây sống trong tủ đông vì khoai tây có chứa nhiều nước, nếu để trong tủ đông thì lượng nước này sẽ nở ra, khiến cho khoai tây khi rã đông sẽ bị nhão, không thể sử dụng để nấu ăn được. Nếu bạn muốn bảo quản khoai tây trong tủ lạnh thì nên nấu chín khoai một phần hoặc nấu chín hoàn toàn thay vì để sống nguyên củ.
Không đặt khoai tây ở trong hộp kín
Cách bảo quản khoai tây được lâu nếu để ở nhiệt độ phòng là tạo sự thoáng khí, ngăn chặn tình trạng khoai tây hô hấp tạo ra hơi ẩm và bị hư hỏng dần. Tốt nhất là bạn nên để khoai trong rổ thưa, túi lưới… Khi xếp khoai vào rổ, trên mỗi lớp khoai bạn nên đặt một tờ giấy báo để tránh khoai bị xây xước, tróc vỏ.
Không rửa khoai tây
Khoai tây sau khi thu hoạch sẽ được mang ra chợ bán trực tiếp mà không cần rửa sạch. Khi bạn mua khoai về, cách bảo quản khoai tây được lâu là không được rửa khoai, dù rửa xong bạn đã lau khô vẫn ảnh hưởng đến việc bảo quản. Việc rửa khoai vô tình làm cho độ ẩm của khoai tăng lên, kích thích sự mọc mầm và sự phát triển của vi khuẩn, nấm, khiến cho khoai nhanh hỏng hơn.
Tránh xa các sản phẩm khác
Các loại trái cây khi chín sẽ tạo ra khí ethylene, nếu để khoai tây ở gần những loại quả này sẽ khiến cho khoai nhanh mọc mầm và nhanh mềm hơn. Tốt hơn hết là bạn nên để khoai tây tránh xa những loại quả như: hành, cà chua, hành tây, táo, chuối chín…để thời gian bảo quản khoai được kéo dài.
Kiểm tra khoai tây định kỳ
Mục đích của việc kiểm tra khoai tây định kỳ là để nhận biết sớm dấu hiệu khoai bị hỏng để loại bỏ ngay, tránh ảnh hưởng đến các củ còn lại.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-sao-nen-ngam-khoai-tay-truoc-khi-che-bien.html