Tại sao Nga tái trang bị các tàu chiến cũ của Liên Xô?
Trong các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước gần đây của tàu khu trục nâng cấp Nguyên soái Shaposhnikov, tên lửa chống hạm Uran đã được phóng thành công.
Các tàu thuộc Dự án 1155 được chế tạo tại Liên Xô, chiếc khu trục hạm nói trên ban đầu được định vị như một công cụ cho tác chiến chống tàu ngầm ở biển xa. Lớp chiến hạm này hoạt động như một phần của hạm đội, cung cấp sự bảo vệ đáng tin cậy chống lại các mối đe dọa dưới nước.
Con tàu được trang bị tên lửa hành trình chống ngầm 85RU, có khả năng phóng ngư lôi bay tới khoảng cách lên tới 90 km và hệ thống sonar Polynom. Đồng thời vũ khí chống hạm hoàn toàn không có trên tàu, hệ thống phòng không mặc dù có nhưng lại vô cùng yếu kém.
Những thiếu sót nói trên đã được bù đắp bằng việc con tàu hoạt động như một phần của đội hình lớn. Tuy nhiên thời đại của hải đội đã trôi qua và giờ đây trọng tâm là các tàu phổ thông, có khả năng hoạt động theo nhóm và hoạt động đơn lẻ.
Kết quả của quá trình hiện đại hóa sâu rộng, Nguyên soái Shaposhnikov đã nhận được tổ hợp tên lửa chống hạm Uran, bệ phóng đa năng cho tên lửa Calibre, Onyx và Zircon, hệ thống radar và tác chiến điện tử cập nhật, cũng như hệ thống phòng không được tăng cường với tổ hợp tên lửa phòng không Kinzhal.
Tổng cộng có 12 tàu thuộc Dự án 1155 được đóng tại Liên Xô, trong đó có 7 tàu vẫn đang phục vụ trong Hải quân Nga. Sau khi Đô đốc Shaposhnikov nâng cấp trở lại hoạt động, "chị em" của nó, Đô đốc Vinogradov cũng sẽ được gửi đi hiện đại hóa.
Rõ ràng Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch trang bị lại dần cho tất cả các tàu thuộc dự án này để lấp khoảng trống trước mắt, vì từ khi Liên Xô sụp đổ Hải quân Nga vẫn chưa có thêm một khu trục hạm mới nào có lượng giãn nước tới 8.000 tấn như các tàu Dự án 1155.