Tại sao Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp thị trường trái phiếu lần nữa?
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 28/9 đã thông báo thực hiện thêm một đợt mua trái phiếu nữa như một động thái khẩn cấp để giảm sự hỗn loạn trên thị trường tài chính Anh, vốn đã bất an vì các kế hoạch thuế và chi tiêu của tân Thủ tướng Anh Liz Truss mới được công bố hồi tuần trước.
Giá trái phiếu chính phủ lao dốc cùng lợi suất tăng vọt sau đó đã đe dọa "tàn phá" ngành quản lý quỹ hưu trí của nước này, làm tổn thương thị trường nhà ở và gia tăng rủi ro suy thoái cho nền kinh tế nói chung.
Lí do đằng sau quyết định mua trái phiếu của BoE
Các nhà đầu tư đã lo lắng về những chi phí khổng lồ từ việc cắt giảm thuế và trợ cấp năng lượng mà Thủ tướng Truss đã cam kết thực hiện từ trước khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng thông báo sẽ giảm thuế sâu hơn vào ngày 23/9.
Thay vì chú ý đến lời cam kết của Bộ trưởng Kwarteng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, các nhà đầu tư lo sợ về viễn cảnh lạm phát cao hơn do hậu quả của việc cắt giảm thuế - điều bị cho là sẽ buộc BoE phải đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Những lo ngại đó đã khiến đồng bảng Anh giảm giá, làm tăng thêm áp lực lạm phát ở một quốc gia phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu, thực phẩm và các sản phẩm nhập khẩu khác. Đáng lo ngại hơn nữa đối với BoE là lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt, đặc biệt là đối với các trái phiếu dài hạn. Điều có nguy cơ gây ra các vấn đề trong ngành quản lý quỹ hưu trí của Anh.
Bằng cách mua trái phiếu, BoE đang tìm cách đảo ngược điều mà họ coi là "rối loạn chức năng" trên thị trường trái phiếu. Cụ thể, ngân hàng trung ương này đang tìm cách giải quyết các vấn đề đang đe dọa các quỹ hưu trí – vốn rất nhạy cảm với việc giá trái phiếu lâu năm giảm đột ngột. Và trong điều kiện thị trường khắc nghiệt, có thể xuất hiện một vòng luẩn quẩn buộc các quỹ này phải bán ra nhiều hơn và đẩy giá các trái phiếu giảm sâu hơn nữa.
Bằng cách tạm thời đóng vai trò là người mua trái phiếu, BoE muốn ngăn chặn tình trạng bán tháo hoảng loạn. Nhưng chương trình mua lần này khác với chương trình mà BoE đưa ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu hồi năm 2020, cũng như sau cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) và sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Vì đợt lần này chỉ được thiết kế để hoạt động trong thời gian rất ngắn.
Những tác động từ bất ổn tài chính
Những người cho vay thế chấp đã rất chật vật để theo kịp với những biến động mạnh mẽ trên thị trường tài chính định giá bằng đồng bảng Anh, nhằm xác định mức lãi suất thế chấp mà họ cần cung cấp cho chủ nhà.
Một tổ chức cho vay tạm thời ngừng phát hành các khoản thế chấp cho khách hàng mới. Trong khi đó, nhiều bên khác tăng tỷ lệ thanh toán cho các khoản vay mới đến mức có khả năng khiến hàng triệu chủ nhà hiện tại thêm khó khăn về mặt tài chính, đồng thời khiến nhiều người khác không thể trả được các khoản thế chấp mới.
Các giao dịch thế chấp dành cho khách hàng mới hiện có lãi suất vào khoảng 5% - 6%. Đây là mức tăng mạnh so với con số trung bình khoảng 2% trong 5 năm qua, qua đó càng làm dấy lên những lo ngại về sự sụp đổ của thị trường bất động sản Anh quốc trong tương lai.
Trong khi đó, đồng bảng Anh đã phục hồi phần nào so với đồng USD vào thứ Tư tuần này, sau khi giảm mạnh sau thông báo của BoE. Nhưng đồng nội tệ Anh vẫn giảm khoảng 6% kể từ đầu tháng 9/2022, mức trượt giá gần gấp đôi so với đồng euro.
Điều đó có nghĩa là Anh sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát do tiền tệ gây ra nhiều hơn so với các nước khác tại châu Âu vào thời điểm mà tỷ lệ lạm phát của nước này cao nhất trong Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng BoE sẽ đẩy lãi suất lên gần 6% vào tháng 5/2023, cao hơn nhiều so với mức 2,25% hiện tại.
Nhiều nhà xuất khẩu đã không được nhiều lực đẩy từ việc đồng bảng yếu đi trước đó, do họ thường phải mua nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài. Đồng bảng yếu hơn có thể thúc đẩy ngành du lịch của Anh nhưng sẽ khiến người Anh đi du lịch nước ngoài đắt hơn.
Chính phủ Anh có thể làm gì?
Bà Truss đã cam kết sẽ "đập tan" những truyền thống cứng nhắc về kinh tế trong giai đoạn tranh cử trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ. Thông báo cắt giảm thuế của Bộ trưởng Kwarteng đưa ra vào tuần trước thể hiện quyết tâm gấp bội của tân Thủ tướng Anh trong việc thực hiện những cam kết mà bà đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Sau phản ứng tiêu cực của thị trường, một số nhà đầu tư cho biết cách duy nhất mà chính phủ mới có thể lấy lại niềm tin của họ là đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế. Tuy nhiên, đây là điều mà Thủ tướng Truss và Bộ trưởng Kwarteng chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện.
Thay vào đó, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết sẽ còn có nhiều cải cách khác để cải thiện tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Anh. Chúng có khả năng liên quan đến nỗ lực cắt giảm quy định về quy hoạch, thay đổi hệ thống nhập cư và đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cơ sở hạ tầng.