Chiến đấu cơ MiG-21 và Su-22 ra đời từ thời Liên Xô, chúng khác hệ và lạc hậu hơn nhiều so với những tiêm kích đa năng mà NATO chế tạo, nhưng vì sao vẫn chưa bị loại bỏ?
Thực tế là trước khi chuyển sang máy bay chiến đấu hiện đại, một số quốc gia NATO buộc phải đợi vài năm và ở đây, ngay cả mức ngân sách quốc phòng cao cũng không giúp được gì.
Tồn tại một định kiến cho rằng tất cả các quốc gia NATO đều có trang thiết bị cao cấp, đặc biệt là để bảo vệ bầu trời của họ. Và trong bối cảnh đó, trường hợp Romania vẫn phải sử dụng tiêm kích đánh chặn MiG-21 xem chừng rất khó hiểu.
Với ngân sách quốc phòng khoảng 4,5 tỷ USD, Romania có thể tự hào về sự hiện diện của 16 tiêm kích F-16 đã được đưa vào biên chế và 31 máy bay khác được mua ở Na Uy, việc giao hàng sẽ bắt đầu vào năm 2023.
Vấn đề dường như là Quân đội Romania vẫn chưa làm chủ hoàn toàn F-16, việc thay đổi vũ khí từ hệ Liên Xô sang phương Tây là một quá trình phức tạp, khó hoàn thành trong thời gian ngắn.
Để làm chủ được những chiếc F-16 trước đây của Na Uy, nhìn chung Không quân Romania buộc phải gửi phi công sang Bồ Đào Nha để huấn luyện.
Và nếu có phi công và F-16 sẵn sàng chiến đấu, thì giờ đây họ lại được "dành riêng" cho việc tham gia vào nhiệm vụ "cảnh sát trên không" của NATO tại các quốc gia vùng Baltic.
Do vậy, hóa ra với sự sẵn có của máy bay hiện đại, Romania vẫn buộc phải sử dụng MiG-21R để tuần tra thường xuyên không phận của mình, chúng sẽ phải phục vụ ít nhất là đến năm 2024.
Romania không phải là quốc gia NATO duy nhất vẫn sử dụng MiG-21. Croatia vẫn vận hành 8 máy bay chiến đấu loại này, theo số liệu từ trang Military Balance 2022.
Mặc dù Croatia có ngân sách quốc phòng chỉ 1 tỷ USD, nhưng họ đang làm mọi cách trong khả năng để nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu hiện đại. Hiện tại Serbia với tư cách là đối thủ tiềm năng đã có tới 16 tiêm kích MiG-29 trong biên chế.
Vấn đề nằm ở chỗ mặc dù đã đặt mua nhưng 12 tiêm kích Rafale của Pháp (thực tế được cho là sẽ thay thế MiG-21 trong Không quân Croatia), nhưng chúng chỉ được bàn giao trong giai đoạn 2024 - 2026.
Ngoài MiG-21, một số quốc gia NATO cũng có thể "khoe" sự góp mặt của những chiếc tiêm kích-bom Su-22 cũ kỹ từ thời Liên Xô. Ở đây chúng ta đang nói về Ba Lan, quốc gia vẫn còn 18 máy bay loại này đang hoạt động.
Không quân Ba Lan sử dụng những chiếc Su-22 của mình để huấn luyện chiến đấu cho các phi công hàng không chiến thuật và các đơn vị kỹ thuật vô tuyến phòng không.
Ngoài ra Ba Lan cũng không loại trừ việc sử dụng những chiếc máy bay như vậy để mang vũ khí không điều khiển và/hoặc để trinh sát. Nhưng trên thực tế, bản thân Warsaw không phản đối việc cho ngừng hoạt động những chiếc Su-22 của mình.
Và ở đây, câu hỏi duy nhất là Hàn Quốc sẽ cung cấp chiến đấu cơ FA-50 nhanh như thế nào, nhằm thay thế máy bay từ thời Liên Xô trong Lực lượng Không quân Ba Lan.
Tuy vậy, dù cho có kéo dài thời hạn phục vụ thêm được một thời gian, những chiến đấu cơ MiG-21 và Su-22 cuối cùng còn phục vụ trong không quân một số nước NATO sẽ được "cho giải ngũ" sớm là điều tất yếu.