Tại sao nhiều quốc gia cấm DeepSeek?

DeepSeek bị cấm trên các thiết bị của chính phủ tại Hàn Quốc, Úc và Đài Loan. Nhiều quốc gia khác có thể sẽ làm theo.

Tuần này, cơ quan chính phủ ở nhiều quốc gia bao gồm Hàn Quốc và Úc đã chặn quyền truy cập chương trình chatbot AI mới của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc DeepSeek, chủ yếu là đối với nhân viên chính phủ.

Các quốc gia khác, bao gồm Hoa Kỳ, cho biết cũng có thể tìm cách chặn DeepSeek khỏi các thiết bị di động của nhân viên chính phủ. Tất cả đều trích dẫn “mối quan ngại về bảo mật” đối với công nghệ Trung Quốc.

Tháng trước, DeepSeek đã khiến giá cổ phiếu của các công ty công nghệ Hoa Kỳ giảm mạnh, sau khi tuyên bố mô hình của họ chỉ tốn một phần nhỏ số tiền so với các đối thủ cạnh tranh đã chi cho các chương trình AI.

DeepSeek là một công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc. Có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, được thành lập bởi Liang Feng vào năm 2023.

Vào tháng 1/2025, DeepSeek đã phát hành phiên bản mới nhất, DeepSeek R1, đây là chatbot miễn phí hỗ trợ AI có giao diện rất giống với ChatGPT, thuộc sở hữu của OpenAI có trụ sở tại California.

DeepSeek đã gây chấn động khi công ty này công bố một bài báo vào tháng 12/2024 cho biết “đào tạo” mô hình DeepSeek mới nhất chỉ cần ít hơn 6 triệu đô la.

Đây chỉ là một phần nhỏ so với ngân sách mà các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ như OpenAI dành cho ChatGPT và Google dành cho Gemini. Giám đốc điều hành của OpenAI, Sam Altman cho biết chương trình mới nhất của OpenAI, GPT-4, có chi phí đào tạo hơn 100 triệu đô la.

DeepSeek mới được phát hành vào ngày 20/1. Đến ngày 27/1, ứng dụng DeepSeek đứng đầu bảng xếp hạng App Store của Apple. Kết quả là, Nvidia, công ty đa quốc gia của Mỹ, nắm giữ vị trí gần như độc quyền trong việc sản xuất chất bán dẫn cho AI tạo sinh, đã mất gần 600 tỷ đô la vốn hóa thị trường khi giá cổ phiếu giảm mạnh 17 phần trăm.

Đến nay, cơ quan chính phủ ở một số quốc gia đang tìm cách hoặc ban hành lệnh cấm DeepSeek. Bao gồm:

Hoa Kỳ

Tờ Wall Street Journal đưa tin các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang có kế hoạch đưa ra dự luật của chính phủ nhằm chặn DeepSeek khỏi các thiết bị do chính phủ sở hữu.

Ngày 31/1, cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã chặn DeepSeek khỏi hệ thống và thiết bị của nhân viên. Một tuần trước đó, Hải quân Hoa Kỳ đã cảnh báo các thành viên trong một email, yêu cầu không sử dụng DeepSeek vì “những lo ngại tiềm ẩn về an ninh và đạo đức liên quan đến nguồn gốc và cách sử dụng mô hình này”.

Hàn Quốc

Người phát ngôn Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã thông báo đã tạm thời cấm DeepSeek trên các thiết bị của nhân viên, đồng thời nêu những lo ngại về bảo mật.

Các quan chức cho biết chính phủ đã kêu gọi các bộ và cơ quan chính phủ phải cẩn thận khi sử dụng các chương trình AI nói chung, bao gồm cả ChatGPT và DeepSeek.

Thông tin này được đưa ra sau khi cơ quan giám sát quyền riêng tư thông tin của Seoul, Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân, thông báo họ sẽ gửi yêu cầu bằng văn bản tới DeepSeek để biết chi tiết về cách quản lý thông tin cá nhân người dùng.

Korea Hydro & Nuclear Power, công ty do chính phủ Hàn Quốc điều hành, cho biết họ đã chặn việc sử dụng các dịch vụ AI trên thiết bị của nhân viên, bao gồm cả DeepSeek vào tháng trước.

Úc

Chính phủ Úc tuyên bố đã chặn quyền truy cập vào DeepSeek trên tất cả các thiết bị của nhân viên chính phủ, với lý do “rủi ro bảo mật”.

Tuyên bố nêu rõ, “ngăn chặn việc sử dụng hoặc cài đặt các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web của DeepSeek và khi phát hiện ra, hãy xóa tất cả các phiên bản hiện có của các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web của DeepSeek khỏi tất cả các hệ thống và thiết bị của Chính phủ Úc”.

Bộ trưởng Nội vụ Tony Burke cho biết lệnh cấm này là “để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”.

Ý

Ngày 30/1, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu của Ý (Garante) thông báo đã ra lệnh “hạn chế xử lý dữ liệu của người dùng” đối với DeepSeek vì thiếu thông tin về cách DeepSeek sử dụng dữ liệu cá nhân do người dùng cung cấp.

Hai ngày trước, Garante thông báo họ đang tìm kiếm câu trả lời về cách dữ liệu người dùng được công ty khởi nghiệp Trung Quốc này lưu trữ và xử lý.

Đài Loan

Đài Loan cũng đã chặn DeepSeek, đồng thời đổ lỗi cho các rủi ro về bảo mật.

Hầu hết các quốc gia chặn DeepSeek đều cho biết họ lo ngại về rủi ro bảo mật do ứng dụng Trung Quốc này gây ra. Đồng thời không có đủ thông tin về cách dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ được ứng dụng này lưu trữ hoặc sử dụng.

Theo chính sách bảo mật của DeepSeek, công ty thu thập các dữ liệu người dùng gồm thông tin cá nhân (email, số điện thoại, mật khẩu và ngày sinh) được sử dụng để đăng ký ứng dụng; lịch sử trò chuyện trong ứng dụng; thông tin về thiết bị và mạng của người dùng, chẳng hạn như địa chỉ IP, hệ điều hành.

DeepSeek được cho là chia sẻ các thông tin này với nhà cung cấp dịch vụ và đối tác quảng cáo.

Hôm 5/2, ABC News trích dẫn một báo cáo của Ivan Tsarynny, Giám đốc điều hành Feroot Security, một công ty an ninh mạng có trụ sở tại Ontario, trong đó tuyên bố DeepSeek “có mã ẩn trong chương trình có khả năng tích hợp để gửi dữ liệu người dùng trực tiếp đến chính phủ Trung Quốc”.

Tsarynny cho biết DeepSeek có khả năng gửi dữ liệu người dùng đến “CMPassport.com, cơ quan đăng ký trực tuyến của China Mobile, một công ty viễn thông do chính phủ Trung Quốc sở hữu và điều hành”.

Eddy Borges-Rey, phó giáo sư tại Đại học Northwestern ở Qatar, chia sẻ: “Hầu như tất cả các công ty công nghệ lớn - từ Meta đến Google đến OpenAI - đều khai thác dữ liệu người dùng ở một mức độ nào đó”.

“Họ sử dụng dữ liệu để quảng cáo có mục tiêu, tinh chỉnh thuật toán và đào tạo AI. Nhiều người đã bị phạt hoặc bị điều tra vì vi phạm quyền riêng tư, nhưng họ vẫn tiếp tục vì hoạt động của họ phần nào được quản lý trong các khu vực pháp lý như EU và Hoa Kỳ”, ông nói thêm.

Borges-Rey giải thích các nền tảng của Trung Quốc như DeepSeek “bị phương Tây đối xử khác biệt vì chúng được coi là hoạt động dưới sự quản lý của chính phủ Trung Quốc, về mặt lý thuyết cho phép nhà nước tiếp cận dữ liệu của công ty”.

Ông nói thêm, "Các chính phủ phương Tây lo ngại dữ liệu người dùng do các nền tảng Trung Quốc thu thập có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp, hoạt động gây ảnh hưởng hoặc giám sát. Điều này có xảy ra trong thực tế hay không vẫn còn gây tranh cãi, nhưng khả năng đó đủ để biện minh cho lệnh cấm từ góc độ an ninh quốc gia."

Ngược lại, các ứng dụng phương Tây không được các chính phủ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. “Các công ty phương Tây thường bị coi là có vấn đề nhưng có thể khắc phục thông qua quy định, trong khi các công ty Trung Quốc bị coi là mối đe dọa an ninh trực tiếp cần phải cấm”.

Về phần mình, Trung Quốc chặn quyền truy cập vào các công ty công nghệ phương Tây bao gồm X, Facebook và thậm chí cả ChatGPT đối với tất cả người dùng trong nước.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tai-sao-nhieu-quoc-gia-cam-deepseek-238905.htm