Tại sao những người có thói quen ăn tối muộn dễ tăng nguy cơ béo phì?
Béo phì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tiểu đường hay ung thư nên việc tìm cách kiểm soát ngay từ đầu sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe của dân số toàn cầu.
Ăn khuya và nguy cơ béo phì
Một công trình nghiên cứu mới nhất đăng tải trên Tạp chí Cell Metabolism ngày 4/10 cho thấy, việc ăn uống muộn hơn trong ngày có thể tác động trực tiếp đến mức cân nặng sinh học của chúng ta theo ba cách chính: thông qua số lượng calo được đốt cháy; mức độ đói của chúng ta; và cách cơ thể chúng ta lưu trữ chất béo.
Trước tình trạng béo phì hiện đang ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới thì đây là một nghiên cứu có giá trị về cách thức giảm nguy cơ béo phì theo một cách tương đối đơn giản: Chỉ cần ăn sớm hơn vài giờ so với trước đây.
Những nghiên cứu trước đó đã xác định được mối liên hệ giữa thời gian ăn và xu hướng tăng cân nhưng trong công trình nghiên cứu mới nhất các nhà khoa học muốn xem xét mối liên hệ đó một cách chặt chẽ hơn, cũng như tìm ra những lý do sinh học đằng sau nó.
Nhà khoa học thần kinh Frank Scheer đến từ Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi muốn kiểm tra các cơ chế có thể giải thích tại sao ăn khuya làm tăng nguy cơ béo phì”.
“Nghiên cứu trước đây của chúng tôi và của cả các đồng nghiệp khác đã chỉ ra rằng, ăn khuya có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì, tăng lượng mỡ trong cơ thể và hạn chế khả năng giảm cân thành công. Chúng tôi muốn hiểu lý do tại sao lại như vậy”.
Lý do sinh học nào chi phối?
Nghiên cứu được kiểm soát chặt chẽ với sự tham gia khảo sát của 16 người có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức thừa cân hoặc béo phì.
Mỗi tình nguyện viên đã trải qua hai thử nghiệm khác nhau kéo dài sáu ngày. Hoạt động ngủ nghỉ và ăn uống của họ được kiểm soát chặt chẽ trước và trước vài tuần giữa mỗi lần thử nghiệm.
Ở lần thử nghiệm thứ nhất, những người tham gia tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt gồm ba bữa một ngày vào khoảng thời gian bình thường - bữa sáng lúc 9 giờ sáng, bữa trưa lúc 1 giờ chiều và bữa tối khoảng 6 giờ chiều.
Với lần thử nghiệm thứ hai, ba bữa ăn được đẩy lên muộn hơn (bữa đầu tiên vào khoảng 1 giờ chiều và bữa cuối cùng vào khoảng 9 giờ tối) - tức gồm 3 bữa: bữa trưa, bữa tối và bữa đêm.
Thông qua các mẫu máu, câu hỏi khảo sát và các phép đo đạc khác, nhóm nghiên cứu đã có thể đưa ra một số quan sát.
Khi ăn muộn hơn, độ hormone leptin - chỉ số cho biết khi nào thì chúng ta ăn no - thấp hơn trong 24 giờ, nghĩa là những người tham gia có thể cảm thấy đói hơn. Hơn nữa, lượng calo được đốt cháy với tốc độ chậm hơn.
Các thử nghiệm cũng cho thấy rằng gen mô mỡ - yếu tố ảnh hưởng đến cách cơ thể lưu trữ chất béo - có biểu hiện làm tăng quá trình tạo mô mỡ và giảm quá trình phân giải mỡ làm phân hủy chất béo.
Đến đây, hãy xem xét sự kết hợp các cơ chế sinh lý và phân tử làm tăng nguy cơ béo phì.
“Chúng tôi đã cô lập những tác động này bằng cách kiểm soát các biến số gây nhiễu như lượng calo, hoạt động thể chất, giấc ngủ và tiếp xúc với ánh sáng, nhưng trong thực tế, nhiều yếu tố có thể bị ảnh hưởng bởi thời gian ăn,” nhà khoa học Scheer lý giải.
Béo phì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, gồm cả bệnh tiểu đường và ung thư nên việc tìm cách ngăn chặn nó phát triển ngay từ đầu sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe của dân số toàn cầu.
Những kết quả từ công trình nghiên cứu này cho thấy rằng việc chúng ta ăn sớm hơn trong ngày có thể tác động đến ba động lực chính liên quan tới cách cơ thể chúng ta cân bằng năng lượng và nguy cơ béo phì sau này.
Đây có lẽ là một sự thay đổi đơn giản hơn nhiều đối với một số người nếu so sánh với việc tuân theo chế độ ăn kiêng hoặc tập thể dục khắt khe.