Tại sao ông Trump vẫn muốn thách thức kết quả bầu cử đến cùng?
Mặc dù quy trình xác nhận kết quả cuộc bầu cử đã đi tới những khâu cuối cùng tại Quốc hội, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn có những lý do riêng khi thực hiện loạt động thái nhằm thách thức kết quả bầu cử đến cùng.
Theo tờ Politico, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kín đáo thừa nhận rằng ông đã thua trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông Trump biết ông Joe Biden sẽ thay thế ông. Ông cũng thừa nhận Quốc hội sẽ chính thức chứng nhận kết quả vào ngày 6/1 (giờ Mỹ), khi chia sẻ với một người thân cận, ông Trump thậm chí còn tâm sự rằng ông “chỉ cảm thấy thất vọng vì chúng tôi đã thua”.
Theo ba nguồn tin nói chuyện với Tổng thống, ông Trump đã thừa nhận thất bại, nhưng vẫn khẳng định rằng ông lẽ ra đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử công bằng, mặc dù không thể đưa ra bằng chứng cụ thể nào về việc gian lận bầu cử trên diện rộng.
Ông Trump thậm chí đã thảo luận về kế hoạch rời khỏi Washington với các nhân viên, bàn bạc về việc khi nào nên chuyển đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Nam Florida. Ông Trump chủ yếu dành thời gian lắng nghe nhóm luật sư nhỏ của mình, bao gồm cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và giáo sư luật John Eastman tại Đại học Chapman.
“Ông Trump 100% biết việc đảo chiều kết quả bầu cử sẽ không xảy ra nhưng ông vẫn kêu gọi mọi người và làm gì đó. Nhưng tất cả những điều này là để chứng minh cho những người ủng hộ trung thành của ông ấy rằng Tổng thống đang chiến đấu đến cùng”, một trong ba nguồn tin kể trên cho hay.
Theo nguồn tin, cho tới nay, Tổng thống Trump vẫn đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý để lật ngược kết quả bầu cử với lý do là để đảm bảo ông vẫn là tâm điểm chú ý, đồng thời mang đến cho những người ủng hộ ông những gì họ muốn. Với lí do đó, ông Trump đã tiếp tục có loạt động thái gây sức ép với các thành viên đảng Cộng hòa khác để ngăn cản chiến thắng của ông Biden.
Trong những ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu xác nhận kết quả bầu cử, Tổng thống Trump đã gọi điện cho nhiều thành viên Quốc hội và nghị sĩ ở các bang chiến trường, đồng thời gặp gỡ các luật sư và cố vấn cấp cao.
Ông Trump thậm chí còn công khai gây sức ép với Phó Tổng thống Mike Pence vào hôm 5/1 nhằm thực hiện những động thái vượt ngoài nhiệm vụ của một phó tổng thống được quy định trong Hiến pháp. Dù vậy, vài tiếng sau, ông Pence thông báo với Tổng thống Trump rằng ông không có quyền để ngăn chặn Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng của ông Biden, theo nguồn tin từ hai quan chức Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã bác bỏ thông tin này trong thông cáo do chiến dịch tranh cử của ông phát đi sáng 6/1, gọi đó là “tin giả” và nói rằng ông cùng ông Pence “hoàn toàn đồng ý” rằng Phó Tổng thống có quyền hành động.
“Chiến binh trung thành Mike Pence đang bị giằng xé giữa một bên là Donald Trump và bên còn lại là Hiến pháp Mỹ”, hãng AP nhận định về vai trò của ông Pence trong phiên kiểm phiếu ngày 6/1.
Đội ngũ của ông Trump hy vọng sẽ đảm bảo được 180 thành viên Hạ viện, cùng với 13 thượng nghị sĩ, phản đối chiến thắng của ông Biden ở Đại cử tri đoàn. Nếu cuộc tranh luận giữa các nghị sĩ diễn ra ở 6 bang chiến trường là Pennsylvania, Nevada, Wisconsin, Georgia, Michigan và Arizona, cuộc bỏ phiếu có thể kéo dài đến ngày 7/1.
Hạ nghị sĩ bang Pennsylvania Scott Perry được cho là sẽ ủng hộ Tổng thống Trump thách thức kết quả bầu cử tại bang này. Hạ nghị sĩ mới được bổ nhiệm Marjorie Taylor Greene ở bang Georgia gần đây cũng trao đổi với Tổng thống Trump rằng có thể bà sẽ tham gia vào nỗ lực thách thức kết quả bầu cử tại đây.
Jason Miller, người từng là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho rằng cuộc chiến bầu cử của Tổng thống không chỉ là cuộc đua của riêng ông mà còn là để sửa chữa hệ thống bầu cử cho các cuộc bầu cử trong tương lai. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người đều tin tưởng vào hệ thống bầu cử. Chúng tôi không muốn tất cả những điều này bị che giấu”, ông Miller cho biết.
Thời gian vừa qua, Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định cuộc bầu cử “đã bị đánh cắp”, đưa ra những cáo buộc nhưng không có căn cứ về việc gian lận cử tri để đệ đơn kiện nhằm lật ngược kết quả bầu cử.
Tuần trước, ông Trump đã đệ trình một đơn kiện mới và vẫn còn một số thách thức pháp lý tại Tòa án Tối cao, song tất cả đều không thu được kết quả đáng kể nào.
Mặc dù quy trình xác nhận kết quả cuộc bầu cử đã đi tới những khâu cuối cùng tại Quốc hội, nhưng Tổng thống Trump vẫn không ngừng hối thúc quan chức các bang hành động.
Cuối tuần trước, ông Trump đã gây sức ép buộc người đứng đầu cơ quan đối ngoại bang Georgia Brad Raffensperger phải “tìm” đủ số phiếu để lật đổ chiến thắng của ông Biden, đồng thời tổ chức một cuộc họp trực tuyến với khoảng 300 nhà lập pháp từ Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Tuy nhiên, các luật sư bầu cử cho biết thời gian để thách thức kết quả bầu cử đã trôi qua từ tháng 12.
Thực tế là các cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Trump đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nền tảng cử tri của ông khi những người ủng hộ "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" này trước hôm 6/1 đã tới Washington để tham gia biểu tình phản đối kết quả bầu cử và thể hiện sự ủng hộ với ông Trump. Điều này khiến Thủ đô của nước Mỹ đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp để ngăn chặn bạo lực và bạo loạn.
Nếu cuộc họp Quốc hội kết thúc và hoàn tất bước cuối cùng trong việc khẳng định chiến thắng của ông Joe Biden, Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ tiến hành tuyên thệ nhậm chức vào trưa ngày 20/1 tới.