Tại sao phải chăm sóc bà mẹ từ lúc mang thai?

Trong thời kỳ mang thai, chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của người mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển trí thông minh của thai nhi.

Lợi ích khi chăm sóc bà mẹ lúc mang thai

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chăm sóc bà mẹ từ khi mang thai giúp bà mẹ có sức khỏe tốt và thai nhi phát triển khỏe mạnh, có sức khỏe tốt khi sinh đẻ và để nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

Ở giai đoạn 3 tháng đầu là giai đoạn hình thành các cơ quan, tổ chức của thai nhi như tủy sống, não, tim, phổi, gan… nên cần ăn tăng cường các thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, thịt, đậu đỗ và chia lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ để bớt cảm giác nghén.

3 tháng giữa là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh vì vậy cần tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi có thai. Giai đoạn này thai nhi phát triển về khung xương, chiều cao nên chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi, kẽm như tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản.3 tháng cuối là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi.

Vì vậy để bé yêu sinh ra có sức khỏe tốt, cao lớn và đặc biệt là có trí thông minh phát triển, bà mẹ cần ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý trong suốt thời gian mang thai.

Cách chia bữa ăn trong ngày cho thai phụ

Bà mẹ mang thai nên chia nhỏ bữa ăn thành 3- 6 bữa/ngày, việc chia nhỏ bữa ăn không chỉ giúp mẹ bầu kiểm soát tốt những cơn nghén, buồn nôn, giảm bớt những khó chịu do sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể gây ra mà còn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho bé.

Bà mẹ mang thai cần Ăn no, Uống đủ và Ngủ tốt

Ăn no: Ăn tăng lên về số lượng: Ăn thêm 1 đến 2 bát cơm/ngày; Ăn đủ chất: Đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, rau xanh, chất béo) và chọn các loại thực phẩm bổ dưỡng như giàu sắt (trong các thịt màu đỏ, phủ tạng và rau có màu xanh sẫm); giàu Axít folic (súp lơ xanh); giàu can xi (cua, ốc, cá); giàu vitamin A: hoa quả có màu đỏ và vàng; giàu vitamin C (hoa quả có vị chua) trong mỗi bữa ăn. Nên thay đổi món ăn thường xuyên để đảm bảo các bữa ăn được đa dạng. Nhớ dùng muối i-ốt để con phát triển trí thông minh.

Uống đủ: 1,5 đến 2 lít nước/ngày

Ngủ tốt: Đảm bảo ngủ đủ 8 giờ/ngày trong đó có những quãng nghỉ ngắn vào giữa các buổi sáng, chiều Mức tăng cân của người mẹ là biểu hiện rõ thai nhi đang phát triển tốt. Theo dõi cân nặng giúp người mẹ biết được sự phát triển của thai nhi để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bình thường trong suốt 9 tháng mang thai người mẹ phải tăng từ 10kg đến 12kg, trong đó: 3 tháng đầu tăng 1kg; 3 tháng giữa tăng từ 3kg đến 5kg; 3 tháng cuối tăng 6kg. Nếu các bà mẹ mang thai không thấy tăng cân hoặc tăng cân quá nhanh thì cần phải đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.

Những nhóm thực phẩm nên ăn

Mỗi loại thực phẩm đều có giá trị dinh dưỡng nhất định, nhưng những nhóm thực phẩm sau đây không thể vắng mặt trong bữa ăn của bà mẹ mang thai:

Đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, rau xanh, chất béo) và chọn các loại thực phẩm bổ dưỡng như giàu sắt (trong các thịt màu đỏ, phủ tạng và rau có màu xanh sẫm); giàu Axít folic (súp lơ xanh); giàu can xi (cua, ốc, cá); giàu vitamin A: hoa quả có màu đỏ và vàng; giàu vitamin C (hoa quả có vị chua) trong mỗi bữa ăn. Nên thay đổi món ăn thường xuyên để đảm bảo các bữa ăn được đa dạng. Nhớ dùng muối i-ốt để con phát triển trí thông minh.

Chất bột, đường, có nhiều ở gạo, ngô, bột mì; các loại khoai củ: sắn, khoai lang, khoai tây; các loại quả có tinh bột như chuối lá, mít. Tuy nhiên, ăn nhiều tinh bột khiến bà mẹ béo nhanh vì tinh bột chuyển thành mỡ. Đây là nguyên nhân có nhiều trường hợp thai nhỏ nhưng mẹ bầu tăng cân quá nhiều. So với người bình thường, bà mẹ mang thai chỉ cần ăn tăng thêm 1-2 bát cơm/1 ngày.

Các chất đạm: Chất đạm động vật có nhiều ở thịt cá, trứng, sữa, tôm. Chất đạm thực vật có ở đậu, đỗ và lạc. Mỗi tuần mẹ nên đảm bảo mình có 2 bữa cá trong thực đơn dinh dưỡng, ngoài đạm, omega 3 có trong cá có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển não của bé. Ngoài ra, cá, cua và ốc chứa nhiều can xi giúp thai nhi hình thành và phát triển bộ xương.

Chất béo: Chất béo có ở dầu, mỡ, bơ, một số loại hạt có dầu như vừng, lạc.

Vitamin, muối khoáng và chất xơ: nên chọn các loại rau xanh sẫm có nhiều sắt và Axít folic (rau ngót, rau đay, rau bí, súp lơ xanh…) để bổ máu và quả chín có màu vàng (đu đủ, xoài, cam, chuối…) để cung cấp nhiều vitamin C và A cho cho cả mẹ và thai nhi.

Nước: Ngoài các nhóm thực phẩm trên người mẹ cần bổ sung khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày, tương đương khoảng 7-8 cốc nước. Ngoài nước lọc, người mẹ có thể uống thêm nước trái cây như nước cam, nước ép cà chua, nước dừa, nước mía. Sữa cũng là một trong những thức uống tốt và cần thiết cho sức khỏe người mẹ, giúp bổ sung thêm canxi và những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-phai-cham-soc-ba-me-tu-luc-mang-thai-169231006161250492.htm