Nâng cao tầm vóc người Việt

Chiều cao trung bình của người Việt mặc dù đã có dấu hiệu tăng lên, tuy nhiên, chênh lệch chiều cao với một số nước trên thế giới vẫn đang là một khoảng cách không nhỏ.

Tầm vóc của thanh niên Việt Nam hiện tại đã có những cải thiện đáng kể.

Tầm vóc của thanh niên Việt Nam hiện tại đã có những cải thiện đáng kể.

Đi tìm nguyên nhân

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, các số liệu thống kê từ trước đến nay cho thấy chiều cao của người Việt thuộc loại thấp. Chiều cao trung bình của nam thanh niên là 1,644m, thấp hơn so với một số nước như Nhật Bản (1,715 m) hay Hàn Quốc (1,739 m)... Chiều cao của nữ giới cũng rất thấp, hiện chỉ có 1,534 m.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Vì vậy, nguyên nhân không phải vì người Việt di truyền thấp bé, nhẹ cân, chúng ta cũng có tiềm năng phát triển giống như các nước khác.

Cũng theo TS Lâm, ảnh hưởng của tình trạng suy dinh dưỡng giai đoạn từ bụng mẹ đến 3 tuổi lên chiều cao của trẻ khi trưởng thành rất nhiều, chênh nhau đến 10 cm. Nếu lúc 3 tuổi trẻ phát triển tốt, đạt 94,5 cm thì chiều cao khi 18 tuổi là 170 cm, trong khi nếu bị suy dinh dưỡng thì con số này chỉ là 158 cm.

Về sự hiểu biết trong việc sử dụng thực phẩm ở nước ta, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, hàng chục năm nay, khẩu phần canxi của người Việt không thay đổi, chỉ đạt 500-540 mg/người/ngày, mức này mới đáp ứng 50-60% khẩu phần khuyến nghị. Cụ thể, với cua đồng giàu canxi nhưng lượng canxi tập trung nhiều ở mai, hay cá nhiều canxi tập trung ở xương, canxi ở vỏ tôm...

Dù cua, tôm, cá nhiều canxi nhưng không ai có thể ăn được cả mai và yếm cua, cá ăn cả xương hay tôm ăn cả vỏ. Lượng canxi nạp vào thấp nhưng việc đào thải canxi lại tăng lên do người Việt ăn quá nhiều thịt và ăn quá mặn.

Trong khi sữa là thực phẩm cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, nhất là tăng canxi giúp cơ thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh thì người Việt ít sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa.

Đầu tư dinh dưỡng và vận động hợp lý

Chiều cao trung bình trên thế giới là 176,1 cm đối với nam và 163,1 cm đối với nữ. Như vậy, chênh lệch chiều cao giữa Việt Nam và thế giới là 8 cm đối với nam và 6,9 cm đối với nữ. Chiều cao cân nặng của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam theo cuộc điều tra gần nhất năm 2020 là thấp hơn khoảng 4.5% so với tiêu chuẩn chiều cao trung bình của thế giới.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam vẫn ở mức cao. Trung bình mỗi năm có 1,9 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Số trẻ này sẽ hụt khoảng 10cm chiều cao so với bạn bè cùng trang lứa khi trưởng thành.

Theo TS Nguyễn Thị Lâm, kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy người dân nước họ có chiều cao tốt vì họ chú trọng đến dinh dưỡng, can thiệp sớm trước khi có thai, thời kỳ mang thai, cho con bú, trẻ ăn bổ sung, thậm chí ngay cả dinh dưỡng học đường cũng rất được quan tâm.

Người Nhật hiện có thể lực rất tốt và có tuổi thọ cao nhất thế giới chính nhờ chiến lược dinh dưỡng mà họ thực hiện suốt hàng chục năm qua là chăm lo bữa ăn cho học sinh từ tiểu học đến hết phổ thông, chú trọng dinh dưỡng cho phụ nữ trước, trong khi mang thai...

Theo nhiều nghiên cứu của Nhật Bản, các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao đều có thể cải thiện được? So với Nhật Bản, mấy chục năm trước người Việt cao hơn người Nhật 2cm.

Thế nhưng, nhờ thay đổi chế độ dinh dưỡng, đến nay nam thanh niên Nhật Bản cao hơn ta 7cm. Chiều cao của trẻ em Nhật Bản đã cải thiện nhờ quá trình can thiệp sớm trước khi người mẹ có thai, thời kỳ mang thai, cho con bú, trẻ ăn bổ sung, nhất là nhờ vào việc đưa sữa vào chương trình bữa ăn học đường.

PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết: Thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu cải thiện chế độ ăn, cộng thêm luyện tập thể thao thì tầm vóc của người Việt hoàn toàn có thể được cải thiện. Để có thể cải thiện được chiều cao của người Việt thì điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời.

Cụ thể, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để ngăn ngừa việc sinh ra những trẻ nhẹ cân, thấp. Tiếp theo đó là việc nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong 3 năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm, hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Những thực phẩm giàu vitamin A, D; giàu chất sắt, canxi, kẽm như: dầu gan cá, trứng gà, tôm đồng, lươn, gan, ngũ cốc, sữa… rất tốt cho sự phát triển hệ xương từ đó giúp nâng cao tầm vóc của trẻ. Uống sữa và bổ sung các vi chất dinh dưỡng cũng là một trong những giải pháp quan trọng để giúp trẻ tăng trưởng chiều cao.

Ngoài ra, luyện tập thể thao cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ còn nhỏ thì có thể đi bộ, đạp xe đạp, 5-6 tuổi có thể cho đi bơi, lớn hơn nữa thì đánh cầu lông, tập xà, chạy… Một chế độ sinh hoạt tốt cũng rất cần thiết là ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày, không thức khuya quá 10h30 đêm.

Có thể thấy những năm qua, việc đầu tư phát triển thể chất tại các trường học dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa hiệu quả. Những bài tập thể dục tại các trường học từ cấp tiểu học đến đại học đều chưa thật khoa học và thiếu hấp dẫn. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì yếu tố kém hấp dẫn, thậm chí nhàm chán trong các buổi học thể dục, thể thao chính là yếu tố cơ bản khiến học sinh không muốn vận động cơ thể. Thực tế cho thấy, không nhiều phụ huynh Việt Nam đề cao môn thể dục. Rất ít người có ý thức dành cho con một quỹ thời gian trong lịch học triền miên để chơi thể thao.

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, dù vẫn còn thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, vốn là các nước có chiều cao trung bình tương đương hoặc thấp hơn nước ta trong quá khứ, nhưng tốc độ phát triển chiều cao của người Việt đang dần có sự cải thiện.

Hiện chúng ta có tốc độ tăng trưởng trung bình 3,7cm/10 năm ở nam và 2,6cm/10 năm đối với nữ. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, dự đoán đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam sẽ xấp xỉ 1m72, nữ giới gần chạm mốc 1m59.

Đề án nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt (Đề án 641) được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhằm cải thiện, nâng cao tầm vóc và thể lực cho cả một thế hệ người Việt như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm. Trong đó, đặt ra mục tiêu với nam 18 tuổi vào năm 2020 phải có chiều cao trung bình 167 cm và đến năm 2030 chỉ số này là 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156 cm và đạt 157,5 cm vào năm 2030. Thế nhưng, trong trong vòng 10 năm qua, trong khi chiều cao của người dân Nhật Bản, Hàn Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt thì Việt Nam vẫn thuộc “top” thấp nhất châu Á.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-cao-tam-voc-nguoi-viet-10284992.html