Tại sao phải tất bật dọn dẹp nhà cửa vào những ngày cuối năm?
Lau dọn nhà cửa và các vật dụng; quét lá cây ở sân vườn; mua sắm thêm đồ dùng trang trí… là những công việc Lê Hà Trang (19 tuổi) đã liệt kê để chuẩn bị cho việc dọn dẹp cuối năm.
Lê Hà Trang hiện là sinh viên năm thứ 2 - khoa Truyền thông Quốc tế - Học viện Ngoại giao. Sau khoảng thời gian học tập xa nhà, nghỉ Tết Nguyên đán, Trang trở về quê là tỉnh Bình Phước và đang chuẩn bị "bắt tay" cùng người thân dọn dẹp nhà cửa.
Theo Trang, dọn dẹp nhà cửa là công việc mỗi gia đình đều phải thực hiện trước khi bước sang năm mới. Đối với Trang, công việc này còn có thể "mang đi tất cả điều xui xẻo của năm cũ ra khỏi nhà".
Tất bật dọn dẹp
Hà Trang nhận thấy dọn dẹp nhà cửa vào những ngày cuối năm mang rất nhiều ý nghĩa. Cụ thể, đây là dịp gia đình nữ sinh này đoàn tụ, cùng nhau trang hoàng nhà cửa.
Trang đang cố gắng hoàn thành các công việc cá nhân và bài tập trước ngày 26 tháng Chạp (âm lịch) để cùng gia đình chuẩn bị dọn dẹp đón Tết Quý Mão. Thông thường, gia đình của Trang sẽ dọn dẹp nhà cửa từ ngày 26 đến 29 tháng Chạp (âm lịch).
"Dù hơi lười biếng và năm nào dọn dẹp cũng bị mẹ la mắng nhưng em vẫn cảm thấy rất vui. Năm nay, nhà em cũng không còn sử dụng bộ bàn ghế điêu khắc 'rồng bay, phượng múa' nữa nên công việc dọn dẹp cũng bớt đi nhiều", Trang nói.
Khác với Trang, Huỳnh Hương Trà - sinh viên năm thứ 4 - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) lại nghỉ Tết Nguyên đán muộn hơn do do còn công việc làm thêm vào cuối năm. Hiện tại, Trà đang tranh thủ cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa sớm để kịp đón Tết.
"Công việc làm thêm của em là bán thời gian, vì vậy, sau giờ làm em sẽ dọn dẹp nhà cửa. Theo em, mỗi ngày dọn một chút thì gần Tết sẽ xong. Nhờ có nhiều vật dụng 'trợ giúp' như máy hút bụi nên việc dọn dẹp cuối năm của gia đình em cũng vơi bớt hơn trước nhiều", Trà nói.
Trước đây, Trà từng lo sợ phải dọn dẹp nhà cửa vào cuối năm vì số lượng công việc cần làm rất nhiều. Nữ sinh cho rằng quanh năm căn nhà đã được quét dọn thường xuyên nên không cần thiết phải dọn dẹp quá nhiều vào những ngày cận Tết.
Tuy nhiên, sau này, suy nghĩ của Trà đã thay đổi. Nữ sinh xem việc dọn dẹp cuối năm là một hoạt động truyền thống của gia đình, giúp gắn kết các thành viên.
Tương tự Trà, Trần Đỗ Hồng Quân - sinh viên năm thứ 2 của ĐH Hoa Sen cũng đang phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa từ sớm. Ngày 21/12/2022, Quân đã được nghỉ Tết Nguyên đán. Từ tuần trước, nam sinh này đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và đặt mua đồ trang trí.
"Công việc dọn dẹp 'cực' nhất đối với em là giặt rèm cửa. Em phải leo lên và tháo từng chiếc rèm ở cửa sổ lớn và cửa phòng để mang đi giặt. Vì thường phụ mẹ dọn dẹp nhiều công việc nặng nên đôi khi em cảm thấy rất ám ảnh với những ngày cuối năm", Quân kể.
Tuy nhiên, Quân cho rằng công việc dọn dẹp cuối năm là một nhiệm vụ bắt buộc mà mọi người đều phải thực hiện để làm đẹp và chăm chút cho nhà cửa trước thềm năm mới. Hiện tại, các ngày trong tuần, Quân đều làm bài tập cuối kỳ. Đến cuối tuần, Quân sẽ cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa.
Một phong tục bắt buộc
Chia sẻ với Zing, TS Lý Tùng Hiếu - giảng viên chính khoa Văn hóa học - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết dọn dẹp nhà cửa cuối năm là một phong tục truyền thống của người Việt.
Ngày thường, mọi người trong gia đình sẽ sinh hoạt, tiếp khách, gặp gỡ bạn bè trong một không gian tương đối hẹp để có thể dọn dẹp nhanh. Tuy nhiên, vào những ngày Tết Nguyên đán, các gia đình phải tất bật dọn dẹp nhà cửa để có không gian trang nghiêm, sạch sẽ thực hiện các nghi lễ thờ cúng thần linh, tổ tiên; đón con cháu đoàn viên, chúc tết và tiếp khách. Đây cũng là nguyên nhân xuất hiện phong tục này.
Theo TS Hiếu, phong tục dọn dẹp cuối năm thường đi kèm với trang hoàng nhà cửa - bao gồm các hoạt động thêm đèn, thêm hoa cho căn nhà. Những công việc này rất công phu và tốn nhiều thời gian, nhưng mọi người đều thực hiện vì hai mục đích lớn lao - về mặt tinh thần là "tống cựu nghênh tân" (tống tiễn cái cũ, đón chào cái mới); về mặt vật chất là tẩy uế, làm đẹp không gian sống cho năm mới.
"Phong tục dọn dẹp nhà cửa cuối năm không tách riêng mà gắn liền với một chuỗi công việc phải làm vào cuối năm. Các gia đình sẽ tự sắp xếp lộ trình tiến hành dọn dẹp trước hoặc sau khi hoàn thành các công việc khác. Tuy nhiên, các gia đình đều phải dọn dẹp xong nhà cửa trước giờ đón giao thừa", TS Hiếu nói.
Ngoài ra, khi dọn dẹp bàn thờ, người trong gia đình cũng cần chuẩn bị một khăn lau riêng. Việc bày biện, sắp xếp các đồ vật trên bàn thờ trở lại vị trí cũ cũng phải tuân theo quy ước nhất định.
"Trên bàn thờ, vị trí các đấng như Thiên Chúa, Đức Phật sẽ cao hơn ông bà, tổ tiên. Dựa theo phương hướng tự nhiên của căn nhà, gia chủ phải đặt bình hoa trên bàn thờ ở phía Đông, mâm quả ở phía Tây. Đồng thời, lúc dọn dẹp, người trong nhà cần tránh làm đổ vỡ, ô uế các vật dụng của bàn thờ. Gia chủ nên là người sắp xếp lại đồ vật trên bàn thờ và thực hiện cúng kiếng", TS Hiếu nói.
Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa vào những ngày cuối năm, TS Lý Tùng Hiếu cho biết các gia đình còn cần dọn dẹp "nhà cửa" của ông bà, tổ tiên - đó là chạp mả hay giẫy mả, tảo mộ ông bà, tổ tiên trước giao thừa, dựa trên quan niệm "sống cái nhà, chết cái mồ".