Tại sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?

Người xưa có câu 'Tháng chạp không chuyển nhà, tháng giêng không cắt tóc'; tại sao các cụ lại khuyên tháng Chạp không nên chuyển nhà?

Tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm âm lịch, là thời điểm bộn bề công việc. Tuy nhiên, dân gian cho rằng có một việc không nên làm trong thời gian này, đó là chuyển nhà. Câu tục ngữ "Tháng chạp không chuyển nhà, tháng giêng không cắt tóc" được truyền lại cho thấy người xưa quan niệm rằng chuyển nhà vào lúc này sẽ không có lợi.

Tại sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?

Tháng Chạp là lúc chuẩn bị kết thúc một năm, mọi thứ đang trong giai đoạn của sự hoàn tất, cần ổn định để hướng đến những ngày nghỉ ngơi khi Tết đến. Việc chuyển nhà trong thời điểm này được cho là sẽ phá vỡ sự ổn định của gia đình, xáo trộn năng lượng và không khí yên bình trước thềm năm mới.

Tháng Chạp là khoảng thời gian để nhìn lại, tổng kết và suy ngẫm về những điều đã diễn ra trong năm, từ đó định hướng cho năm mới. Việc chuyển nhà có thể khiến cho sự chuẩn bị tâm lý này bị gián đoạn và dẫn đến một năm mới không được suôn sẻ.

Tháng Chạp trời rét, có nhiều đợt rét đậm kèm theo mưa phùn, điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến cho chuyển nhà trở thành một công việc khó khăn, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả. Đồ đạc dễ bị ẩm mốc, dính bẩn, ướt át trong quá trình vận chuyển, việc lau chùi, sắp xếp đồ đạc sẽ mất nhiều thời gian. Trong thời tiết lạnh giá, công việc cuối năm vốn rất bận rộn, những vất vả này khiến con người dễ mệt mỏi, kiệt sức, đó là lý do tại sao tháng Chạp không nên chuyển nhà.

Ngoài ra sau khi dọn đồ về nhà mới, mọi người lại mất nhiều thời gian, tâm tư, công sức để sắp xếp lại cho hợp lý sao cho thuận tiện, giúp mọi người nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường, cảm thấy thoải mái, quen thuộc trong không gian mới. Nhu cầu ổn định lại sinh hoạt và tâm lý lúc này xung đột với cường độ làm việc căng thẳng của tháng cuối năm, khiến ai cũng quá tải và dễ phát sinh cảm giác bất an, stress, khó có tâm thế an nhiên để chào đón năm mới.

Tại sao tháng Chạp không nên chuyển nhà? (Ảnh minh họa: Summit)

Tại sao tháng Chạp không nên chuyển nhà? (Ảnh minh họa: Summit)

Do vậy, người xưa cho rằng việc chuyển nhà nên được tiến hành từ tháng 11 Âm lịch trở về trước, hoặc để ra giêng khi thời tiết ấm áp và công việc đỡ bận rộn hơn, còn tháng Chạp không nên chuyển nhà. Trong thời gian này, các thành viên trong gia đình thường dọn dẹp và trang trí nhà cửa, mua sắm các vật dụng chuẩn bị Tết, để những ngày cuối năm và năm mới được tận hưởng thời gian bên nhau không khí đầm ấm.

Ngoài ra, nhiều gia đình cho rằng tháng Chạp không nên chuyển nhà vì đây là cách thể hiện sự tôn trọng đối với linh hồn tổ tiên, bởi đây là khoảng thời gian con cháu tưởng nhớ đến các thế hệ đi trước và người thân đã khuất, là thời gian thực hiện nhiều lễ cúng, cần giữ sự ổn định ban thờ.

Trong cuộc sống hiện đại, việc chuyển nhà trong tháng cuối năm cũng rất bất lợi vì đây là lúc nhu cầu thuê dịch vụ vận chuyển tăng cao, dẫn đến chi phí cũng đắt đỏ hơn, những chi phí phát sinh cũng cao hơn giai đoạn khác, ảnh hưởng tới ngân sách chuẩn bị Tết.

Chuẩn bị mâm lễ cúng những ngày tháng Chạp. (Ảnh minh họa: Hòa Bùi)

Chuẩn bị mâm lễ cúng những ngày tháng Chạp. (Ảnh minh họa: Hòa Bùi)

Những hoạt động trong tháng Chạp

Trong tháng cuối năm Âm lịch, các gia đình Việt Nam thường có các hoạt động sau:

Dọn dẹp và trang trí nhà cửa

Người Việt quan niệm rằng nhà cửa sạch sẽ sẽ mang lại sự may mắn và tài lộc cho gia đình trong năm mới. Do đó, mọi thành viên trong gia đình thường cùng nhau lau chùi bàn thờ tổ tiên, làm sạch nhà cửa và trang trí không gian sống với hoa tươi, câu đối đỏ để tạo không khí tươi vui và tràn đầy sức sống.

Cúng ông Công, ông Táo

Vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt tổ chức lễ cúng ông Công, ông Táo, một phong tục có từ lâu đời. Ông Công, ông Táo là các vị thần trông coi bếp núc, là người ghi nhận mọi việc tốt xấu trong gia đình để báo cáo lên Ngọc hoàng. Lễ vật cúng thường gồm có cá chép (phương tiện đưa Táo quân về trời), mâm cỗ với các món ăn truyền thống, và câu nguyện cầu cho một năm mới hạnh phúc, phát đạt.

Gói bánh chưng, bánh tét

Trong dịp Tết Nguyên đán, bánh chưng và bánh tét là hai món không thể thiếu trên bàn cúng và trong bữa ăn gia đình. Việc gói bánh thường diễn ra từ những ngày cuối tháng Chạp. Cả gia đình cùng quây quần, trò chuyện và gói bánh tạo nên bầu không khí ấm áp, gắn kết. Mỗi chiếc bánh chưng, bánh tét đều mang theo cả tấm lòng, sự khéo léo và tình cảm của người làm gói trọn trong lớp lá xanh.

Gói bánh chưng là phong tục truyền thống vào dịp giáp Tết. (Ảnh: Đắc Huy)

Gói bánh chưng là phong tục truyền thống vào dịp giáp Tết. (Ảnh: Đắc Huy)

Cúng Tất niên

Lễ cúng Tất niên diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng Chạp để mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Đây cũng là dịp để các thành viên gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm cuối năm. Đây là thời khắc để mọi người cùng nhìn lại một năm đã qua, sẻ chia những kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ và hướng đến những mục tiêu trong năm mới.

Tảo mộ

Cuối năm, các gia đình dành thời gian tảo mộ để thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Các gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp, chăm sóc phần mộ và thắp nén nhang, bày tỏ sự kính nhớ và cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tai-sao-thang-chap-khong-nen-chuyen-nha-ar917410.html