Tại sao 'thánh khí' phương Tây mất thiêng trong cuộc xung đột tại Ukraine?
Bất chấp những lời quảng cáo trên mây của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ và phương Tây, các tổ hợp vũ khí hiện đại, 'thánh khí' NATO chỉ tạo được hiệu quả trong thời gian ngắn, trước khi bị Quân đội Nga hóa giải bằng các biện pháp kỹ thuật hay tự thân chúng bộc lộ nhược điểm chết người tại chiến trường Ukraine.
Vũ khí NATO trong tay Ukraine
Cuộc xung đột tại Ukraine có thể là một tiền lệ khác đặc biệt khi Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) trong thời gian ngắn được nhận hàng loạt trang thiết bị quân sự hiện đại, đắt tiền bậc nhất thế giới từ các nền công nghiệp quốc phòng phát triển Mỹ và phương Tây. Không khó để kể ra những loại vũ khí từng được quảng cáo hàng đầu thế giới như: Xe tăng Leopard-2, Challenger-2, pháo phản lực HIMARS, pháo tự hành Ceasar, Pzh-2000…
Nếu bỏ qua các yếu tố về kỹ thuật và chi phí, thì cuộc xung đột tại Ukraine chính là điều kiện tốt nhất để phương Tây thử nghiệm vũ khí, như đã từng thực hiện tại bao cuộc xung đột khắp thế giới khác ở nửa cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, đối thủ lần này là một cường quốc quân sự, có đủ nguồn lực và nền tảng kỹ thuật tương xứng là Liên bang Nga.
Chính từ thực tế chiến trận, các kinh nghiệm sẽ được đúc rút để áp dụng lên các sản phẩm vũ khí sau đó hoàn thiện hơn, phù hợp với chiến thuật và chiến lược phát triển quân đội của mỗi nước. Một điểm đáng lưu ý là trong các cuộc xung đột trước đó, Mỹ và phương Tây chủ yếu phải đối đầu với những quân đội nhỏ yếu, kiệt quệ sau hàng chục năm cấm vận.
Chính thực tế cuộc xung đột tại Ukraine đã chứng minh, bất kỳ một loại vũ khí dù được kỳ vọng “bất bại” nào đều sớm bị vô hiệu hóa hay tiêu diệt trên chiến trường. Có thể kể tên một số như: Tổ hợp tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin, pháo phản lực HIMARS, tên lửa hành trình Storm Shadow…
Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine chính là điều kiện rất tốt để NATO thử nghiệm vũ khí đúng như lời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng, Kiev sẵn sàng biến thành nơi thử nghiệm các loại vũ khí của Mỹ và phương Tây, mà không xảy ra chiến tranh toàn diện với Nga, cũng như không hao tổn binh sĩ trên chiến trường.
Tại sao “thánh khí” mất thiêng?
Yếu tố đầu tiên chính là trong thời gian ngắn, AFU được viện trợ hàng loạt vũ khí hiện đại, dù chúng có chung tiêu chuẩn NATO, nhưng do nhiều quốc gia phát triển và chế tạo. Mỗi loại vũ khí lại có yêu cầu riêng về sử dụng và bảo trì để đạt tiêu chuẩn chiến đấu cao nhất. Quân đội Ukraine trong thời gian ngắn không thể có đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên và binh sĩ có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của vũ khí phương Tây. Điều này khiến khí tài, vũ khí viện trợ không thể phát huy tối đa tính năng kỹ-chiến thuật thiết kế.
Tờ Bild của Đức dẫn lời binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến cho biết, các đơn vị bảo trì không thể đảm bảo sửa chữa lớn đối với khí tài phương Tây tại nước này, mà phải chuyển sang Ba Lan và các quốc gia khác để sửa chữa và quá trình này thường kéo dài nhiều tuần.
Một yếu tố khác chính là tần suất sử dụng vũ khí. Các loại vũ khí phương Tây có tiêu chuẩn kỹ thuật cao phù hợp tác chiến quy ước, binh chủng hợp thành, khi các tổ hợp vũ khí phối hợp với nhau để vừa phát huy sức mạnh, cũng như giảm hao mòn vũ khí. Điều này không diễn ra tại cuộc xung đột tại Ukraine, khi các loại vũ khí viện trợ thường được sử dụng trên mức tối đa khiến chúng nhanh chóng xuống cấp và cần sửa chữa. Theo lời binh sĩ Ukraine, tổ hợp pháo tự hành Pzh-2000 của Đức sau khi sử dụng với cường độ cao bắn 600 phát/ngày đã phát sinh hỏng hóc, cũng như nhiều loại vũ khí khác yêu cầu tiêu chuẩn môi trường ngặt nghèo như độ ẩm thấp, ít bụi…
Cùng với đó, các loại vũ khí được phương Tây viện trợ cũng không phải là loại hiện đại nhất hay bị tháo bỏ các công nghệ đặc biệt vì lo ngại chúng lọt vào tay Quân đội Nga. Những thông tin về việc xe tăng M1 Abrams viện trợ cho Ukraine bị tháo bỏ hệ thống quản lý thông tin chiến trường hay lớp giáp đặc biệt làm từ hợp kim Uranium; pháo Ceasar thay vì nhập tọa độ tự động thì phải nhập tham số bằng tay chính là những minh chứng rõ ràng. Ngoài ra, chất lượng các loại vũ khí, trang bị quân sự viện trợ cho Ukraine cũng bị đặt dấu hỏi khi chúng thường xuyên hỏng hóc và trục trặc.
Còn về phía Quân đội Nga, ngay từ khi biết thông tin về việc AFU được viện trợ các loại vũ khí hiện đại từ NATO, từ cấp chỉ huy cao nhất tới từng binh sĩ tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt đều hiểu vũ khí NATO chính là mục tiêu ưu tiên.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, nhiều binh sĩ Ukraine đã sợ phải điều khiển xe tăng Leopard-2 hay nhiều phương tiện chiến đấu do NATO viện trợ vì chúng luôn bị ưu tiên hỏa lực. Một tù binh Ukraine kể lại rằng, ngay khi phát hiện xe tăng Leopard-2 của AFU trên mặt trận, pháo binh Nga lập tức chuyển làn và ưu tiên hỏa lực tiêu diệt.
Cùng với đó, việc ưu tiên tiêu diệt các loại khí tài phương Tây viện trợ còn được hiện thực hóa bằng các khoản thưởng trực tiếp từ Bộ Quốc phòng hay các khu vực của Nga. Chính điều này đã khuyến khích binh sĩ Nga ưu tiên tiêu diệt chúng ngay khi phát hiện.
Có một yếu tố khác về mặt kỹ thuật chính là các loại vũ khí, trang bị quân sự phương Tây đều đã được các chuyên gia quân sự Nga nghiên cứu điểm yếu, thậm chí theo truyền thống từ thời Hồng quân Liên Xô là đại diện các nhà máy, tổ hợp thiết kế vũ khí thường có mặt ở chiến trường. Họ sẽ được tiếp cận trực tiếp với vũ khí phương Tây để từ đó tìm ra phương án đối phó hiệu quả bằng cả các biện pháp cứng, hỏa lực hay chế áp mềm bằng các biện pháp kỹ thuật.
Chính vì những lý do trên đã giải thích tại sao những “thánh khí” phương Tây tại sao lại nhanh chóng mất thiêng trên chiến trường Ukraine rất nhanh. Và tiến trình vẫn đang diễn ra khi cuộc xung đột còn tiếp diễn.
TUẤN SƠN (tổng hợp theo Topwar, Lenta, vpk)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.