Tại sao thi công ngày đêm mà giải ngân vốn giao thông vẫn chậm?
Hàng loạt dự án giao thông lớn đẩy nhanh tiến độ, tăng nhân lực thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch giải ngân vốn của Bộ GTVT.
Bứt tốc thi công ngày đêm để giải ngân vốn
Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn phân bổ cho 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 là 16.865 tỷ đồng.
Đến hết tháng 3/2022, Bộ GTVT giải ngân được gần 7.200 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch được Thủ tướng giao (vốn nước ngoài giải ngân 735 tỷ đồng, đạt 15,1%; Vốn trong nước giải ngân 6.465, đạt 14,2%). Riêng phần vốn giải ngân cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đạt khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước kế hoạch năm 2022 đến hết tháng 3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%).
Tính đến hết tháng 3 mới có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Có 46/51 bộ, cơ quan Trung ương và 29/63 địa phương đạt dưới mức bình quân của cả nước; 29 bộ, cơ quan Trung ương chưa thực hiện kế hoạch giải ngân vốn.
Trong ba tháng vừa qua, công trường do Tổng công ty Trường Sơn tổ chức thi công tại gói thầu số 13 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 thi công cả ngày đêm để kịp giải ngân vốn. Tại mũi thi công 2 km đường đầu tuyến, hơn 50 công nhân cùng 22 đầu máy, thiết bị tăng hết tốc lực hoàn thiện cấp phối đá dăm trên 1 km.
Ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc điều hành gói thầu thuộc Tổng công ty Trường Sơn cho biết, tại gói thầu 13, Trường Sơn đảm nhận thi công 5 km đường và 3 cầu.
Bên cạnh đó, để rút ngắn tiến độ, Tổng công ty Trường Sơn đã huy động tổng lực thi công ngày đêm, tăng thêm 5 đầu máy cho mũi thi công 2 km đường không phải xử lý nền đất yếu, phấn đấu triển khai công tác rải nhựa đoạn tuyến từ tháng 4/2022. Với hạng mục cầu, mục tiêu đề ra là phải xong một cầu vượt vào dịp 30/4/2022. Hai cầu còn lại phải hoàn thành trong tháng 6/2022.
Cụ thể, 3 mũi cầu đã được triển khai, tổng số nhân lực huy động cao điểm lên đến 100 người (thông thường là 50 - 60 người). Nhờ vậy, tiến độ thi công cầu được cải thiện đáng kể. Nếu thời điểm trước Tết, sản lượng thi công trượt khoảng 2 - 3% so với kế hoạch thì hiện đã đáp ứng được yêu cầu.
Ông Hoàn chia sẻ: “Kế hoạch tăng ca và nguồn lực đã đưa khối lượng giải ngân thực tế của Tổng công ty Trường Sơn tại gói thầu số 13 đạt 386/576 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, sản lượng thi công được nghiệm thu là 60 tỷ đồng. Nếu năm trước, trung bình mỗi tháng, khối lượng giải ngân tại công trường khoảng 15 tỷ đồng/tháng, đến nay tăng lên 20 tỷ đồng/tháng”.
Lý do giải ngân vẫn chậm
Đánh giá về nguyên nhân, Bộ Tài chính cho biết, 3 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán. Các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng.
Đặc biệt, hết 3 tháng, nguồn vốn ODA mới giải ngân chưa đến 1%. Nguyên nhân là do các dự án đang đàm phán với đối tác và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đối tác nước ngoài…
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 126 của Thủ tướng; Chỉ thị số 01 ngày 8/2/2022 của Thủ tướng và Công văn số 1684 ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 diễn ra ngày 4/4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 25/3/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đạt 82% số vốn kế hoạch được giao.
Để đạt được kết quả giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ, ông Dũng nhấn mạnh cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương; Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng…
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Có một số điểm cản trở giải ngân vốn đầu tư công khiến cho câu chuyện này diễn ra nhiều năm nay”.
Vấn đề thứ nhất, dù quy định giải ngân vốn đầu tư công của ta rất chặt chẽ, song vẫn còn hiện tượng chồng chéo với một số luật khác. Hơn nữa, quy định nhiều khi không rõ ràng về mốc thời gian nên người thi hành có khi hiểu khác nhau, hoặc vin vào đó để lấy lý do trì hoãn. Vì thế, cần thiết quy định rõ mốc thời gian thực hiện, thực hiện trong bao lâu. Đi đôi với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ.
Thứ hai là vấn đề giải phóng mặt bằng, nhìn sang Trung Quốc, đất nông nghiệp không phải là đất của dân mà là của hợp tác xã, nên khi đền bù chỉ có chính quyền và hợp tác xã thỏa thuận là xong. Hay các nước tư bản, họ thường dùng giá cả theo cơ chế thị trường để giải quyết sòng phẳng, khi đầu tư công trình công cộng thì không được phép trì hoãn giao đất.
"Còn ở Việt Nam, chúng ta đã giao quyền sử dụng đất cho dân. Dù có lợi ở một số góc độ nhưng việc thu hồi đất rất phức tạp, chưa kể giá đền bù thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Thực tế, có trường hợp chỉ mỗi việc đền bù giải phóng mặt bằng để làm cổng của ga tàu điện ngầm nhưng 5 năm chưa đâu vào đâu" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, vấn đề cần tháo gỡ tiếp theo đó là cơ chế đấu thầu. Hiện nay, đang tồn tại thực trạng, từ khâu chuẩn bị đến khâu triển khai thực thi vẫn còn rất “dài dòng”. Trong khi đó, không có quy định nào thể hiện quy trình này phải thực hiện trong vòng bao nhiêu lâu, hay nói cách khác là khung thời gian bắt buộc.