Tại sao Tổng thống Trump liên tục ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia?
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Tổng thống Donald Trump dường như đã có thói quen ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo trang vox.com ngày 18/5, kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ hai, ông Trump đã nhiều lần ban hành các tuyên bố khẩn cấp liên quan đến biên giới phía Nam, năng lượng, thương mại, tội phạm ma túy, các băng đảng và thậm chí cả Tòa án Hình sự Quốc tế.
Trong vòng 100 ngày đầu tiên, ông đã có 8 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Đây là một con số vượt xa bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào, kể cả chính ông trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Hiện chưa rõ liệu tất cả những vấn đề này có đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý của một tình trạng khẩn cấp hay không, tức là một tình huống bất thường đến mức không thể chờ đợi hành động của Quốc hội Mỹ. Ví dụ, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại hàng thập kỷ. Tuy nhiên, bằng cách tuyên bố đó là tình trạng khẩn cấp, ông Trump có thể tiếp cận những quyền hạn đặc biệt mà bình thường không thể sử dụng.
Câu hỏi liệu Tổng thống Trump có thể sử dụng quyền hạn trong tình trạng khẩn cấp theo cách đó hay không đang được xem xét tại tòa án, cụ thể là tại Tòa án Thương mại Quốc tế.
Theo bà Elizabeth Goitein, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Tư pháp Brennan và là chuyên gia về quyền lực khẩn cấp của tổng thống, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là một công cụ có quyền lực rất lớn, vì có thể kích hoạt hơn 150 điều khoản pháp lý khác nhau, trong đó quy định rằng trong trường hợp khẩn cấp quốc gia, tổng thống có thể thực hiện những hành động nhất định hoặc không cần tuân thủ những quy định nhất định. Đây là những quyền lực cho phép tổng thống hành động vượt ra ngoài những gì Quốc hội Mỹ cho phép trong hoàn cảnh bình thường, thậm chí có thể làm những điều mà Quốc hội Mỹ đã cấm trong những tình huống không khẩn cấp.
Theo bà, đây là một công cụ “đầy cám dỗ” đối với các tổng thống muốn thực thi chính sách khi không có đủ sự ủng hộ từ Quốc hội hoặc khi Quốc hội đã cản trở chính sách đó. Do đó, không khó hiểu vì sao các tổng thống lại chọn sử dụng quyền lực khẩn cấp thay vì phải trải qua quy trình lập pháp thông thường.
Về nguồn gốc của các quyền lực này, bà Goitein nói rằng Quốc hội Mỹ đã trao quyền khẩn cấp cho tổng thống ngay từ khi nước Mỹ được thành lập. Hệ thống hiện nay đã hình thành từ Thế chiến I, theo đó tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp và từ đó có thể sử dụng những quyền lực được quy định trong các đạo luật khác. Tuy nhiên, vì không có đạo luật bao quát nào kiểm soát quy trình này nên hệ thống đó bộc lộ nhiều bất cập: không có giới hạn thời gian cho tình trạng khẩn cấp, không có yêu cầu báo cáo với Quốc hội.
Chính vì vậy, vào những năm 1970, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia (NEA), đặt giới hạn thời gian cho một tuyên bố khẩn cấp nếu tổng thống không gia hạn. Ban đầu, đạo luật này cũng cho phép Quốc hội Mỹ chấm dứt tình trạng khẩn cấp thông qua một hình thức phủ quyết, tức là chỉ cần đa số tại cả Hạ viện và Thượng viện đồng ý, không cần chữ ký của tổng thống.
Tuy nhiên, đến năm 1983, Tòa án Tối cao Mỹ đã tuyên bố hình thức phủ quyết này vi hiến. Từ đó đến nay, nếu Quốc hội Mỹ muốn chấm dứt một tuyên bố khẩn cấp, họ buộc phải thông qua luật với siêu đa số đủ để vượt quyền phủ quyết của tổng thống. Đây là một điều gần như bất khả thi trong bối cảnh chính trị hiện tại.
Theo bà Goitein, trong số 150 quyền hạn được kích hoạt trong tình trạng khẩn cấp, có nhiều quyền hạn nghe có vẻ hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, cũng có những quyền hạn mang hơi hướng độc đoán. Chẳng hạn, một đạo luật từ năm 1942 cho phép tổng thống tiếp quản hoặc đóng cửa các cơ sở truyền thông. Quyền lực này từng được sử dụng trong Thế chiến II và ngày nay có thể được áp dụng để kiểm soát lưu lượng Internet có nguồn gốc từ Mỹ.
Ngoài ra, theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), tổng thống có thể đóng băng tài sản của bất kỳ ai, kể cả công dân Mỹ, nếu cho rằng điều đó là cần thiết để đối phó với một mối đe dọa nước ngoài hoặc một phần liên quan nước ngoài. Tổng thống thậm chí có thể khiến giao dịch tài chính với người đó trở thành hành vi phạm pháp, kể cả cho thuê nhà, thuê làm việc hay bán thực phẩm.
Khi được hỏi liệu Quốc hội Mỹ có phạm sai lầm khi giả định rằng mọi tổng thống Mỹ đều sẽ hành xử như người tiền nhiệm, bà Goitein cho rằng đúng là Quốc hội Mỹ đã sai. Mặc dù ban đầu họ đã cố gắng trao cho mình công cụ để kiểm soát quyền lực này, nhưng không lường trước được rằng Tòa án Tối cao sẽ vô hiệu hóa công cụ đó. Theo bà, đã đến lúc Quốc hội Mỹ sửa đổi quy trình tuyên bố và chấm dứt tình trạng khẩn cấp, cũng như xem xét lại từng quyền lực cụ thể, ví dụ như đạo luật cho phép kiểm soát các cơ sở truyền thông và quyền kiểm soát giao thông nội địa. Quốc hội Mỹ cần thiết lập những giới hạn và cơ chế bảo vệ đối với những quyền lực này.