Tại sao trẻ lại nghiến răng?

Tật nghiến răng thường gặp ở những trẻ độ tuổi mẫu giáo, bé trai nghiến răng nhiều hơn bé gái. Đây là hiện tượng nghiến hay siết chặt quá mức ở hai hàm răng và thường diễn ra khi ngủ. Thông thường trẻ không ý thức được hiện tượng này.

Nguyên nhân khiến trẻ nghiến răng

Phần lớn các trường hợp mắc tật này là do nguyên nhân tâm sinh lý, một số có nguyên nhân thực thể.

Thiếu canxi là một trong những nguyên nhân thực thể gặp nhiều nhất ở trẻ bị nghiến răng vào ban đêm. Khi cơ thể thiếu canxi, nặng thì gây các cơn co giật, nhẹ thì gây ra chứng nghiến răng.

Một số trẻ nghiến răng có thể là do răng trên và dưới của trẻ không ăn khớp nhau, làm trẻ khó chịu, nghiến răng sẽ làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và dần dần trở thành thói quen.

Một số trẻ khác nghiến răng như là một cách để làm giảm đau trong trường hợp trẻ bị đau tai hoặc đang mọc răng. Nghiến răng cũng có thể do di truyền, đôi khi chỉ là do stress hoặc do giấc ngủ không sâu.

Ở một số trẻ quá hiếu động vào ban ngày cũng mắc phải nghiến răng khi ngủ. Đôi khi nghiến răng là di chứng của một thương tổn nặng ở não (như bệnh thần kinh cơ có ảnh hưởng mặt); cũng có thể do tác dụng phụ của một số thuốc thần kinh (như thuốc chống trầm cảm).

Nghiến răng do các nguyên nhân stress hay ngủ không sâu sẽ chấm dứt sau một thời gian ngắn (không quá vài tháng). Hầu hết trẻ bị tật này lúc 3 - 10 tuổi, hơn một nửa hết tự nhiên lúc khoảng 13 tuổi. Tuy thời gian nghiến răng ở trẻ thường không dài, nhưng có thể làm ảnh hưởng vĩnh viễn đến sự phát triển của răng.

Tật nghiến răng thường gặp ở những trẻ độ tuổi mẫu giáo. Ảnh minh họa.

Tật nghiến răng thường gặp ở những trẻ độ tuổi mẫu giáo. Ảnh minh họa.

Tác hại của nghiến răng

Hậu quả của tật nghiến răng là răng 2 hàm sẽ bị mòn, nếu bệnh nhân nghiến răng trong thời gian dài, các mặt răng sẽ bị mòn nhẵn, gây ê buốt khi ăn thức ăn lạnh, chua quá, hay ngọt quá đều làm cho bệnh nhân đau.

Lực nghiến răng thường rất mạnh, do trong lúc ngủ là vô thức, bệnh nhân không biết được là mình đang nghiến răng, chỉ có người ngủ bên cạnh mới nghe được tiếng ken két của 2 hàm răng chạm nhau.

Lực nghiến răng lâu ngày còn ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm, làm bệnh nhân thường xuyên đau khớp nhai rất khó chịu. Càng để lâu chấn thương trên khớp không thể hồi phục, khớp bị mòn, dây chằng các cơ nhai bị dãn ra và bệnh nhân sẽ bị sai khớp khi há miệng lớn hoặc khi ngáp. Bệnh nhân có khớp nhai bị lỏng thường bị sai khớp vào ban đêm, khi ngáp há miệng to và hàm dưới bị trượt ra ngoài, bệnh nhân không cắn lại được mà phải vào cấp cứu để đẩy hàm dưới trở vào khớp.

Ở trẻ em tật nghiến răng không gây hậu quả nghiêm trọng như ở người lớn, nhưng cũng ảnh hưởng đến các răng vĩnh viễn sau này.

Nghiến răng khi ngủ là một tật ảnh hưởng rất xấu tới răng của trẻ, vì nó có thể phá hủy trật tự răng.

Điều trị tật nghiến răng phải biết rõ nguyên nhân. Ảnh minh họa.

Điều trị tật nghiến răng phải biết rõ nguyên nhân. Ảnh minh họa.

Làm gì để trẻ ngừng nghiến răng?

Điều trị tật nghiến răng phải biết rõ nguyên nhân, ở trẻ em có sự rối loạn khớp cắn do mọc răng, hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ dẫn đến tình trạng nghiến răng.

Đồng thời, trẻ có thể bị căng thẳng thần kinh trong học tập, quan hệ bạn bè. Do đó, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống xung quanh trẻ, từ đó giải tỏa tâm lý cho trẻ.

Nên tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ, không thức khuya, đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cung cấp đủ canxi, vệ sinh răng miệng tốt trước khi ngủ.

Cha mẹ nên đi khám cho trẻ để uống thuốc tẩy giun sán, nhất là giun kim làm cho trẻ thường xuyên bị ngứa hậu môn và bức rứt trong lúc ngủ, cũng có thể đây là lý do khiến trẻ nghiến răng.

Ngoài ra, để giảm đi tình trạng nghiến răng ở trẻ, cha mẹ có thể giúp trẻ thư giãn trước khi đi ngủ. Cụ thể có thể áp dụng một số biện pháp như: Tắm nước ấm dưới vòi hoa sen, nghe một vài bản nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách.

Nếu tình trạng nghiến răng do căng thẳng, khi đó cha mẹ hãy hỏi về điều gì đã khiến cho trẻ khó chịu và tìm ra cách giúp đỡ.

Nếu như tình trạng phức tạp hơn, cha mẹ cần phải thảo luận về mối quan tâm của trẻ, cố gắng xoa dịu đi nỗi sợ hãi. Hoặc nếu cha mẹ quá lo lắng thì hãy trao đổi với các bác sĩ…

Để giảm đi tình trạng nghiến răng ở trẻ thì cha mẹ có thể cho trẻ nghe một vài bản nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách trước khi đi ngủ để giúp trẻ thư giãn. Ảnh minh họa.

Để giảm đi tình trạng nghiến răng ở trẻ thì cha mẹ có thể cho trẻ nghe một vài bản nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách trước khi đi ngủ để giúp trẻ thư giãn. Ảnh minh họa.

Lời khuyên thầy thuốc

Nghiến răng phần lớn không gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Nhưng nếu trẻ bị nghiến răng với mức độ nặng và thường xuyên có thể gây ra một số tác hại như: Tổn thương xương hàm, tổn thương răng, ảnh hưởng đến các phục hình răng, răng trở nên nhạy cảm do mòn… Đa phần trẻ em sẽ ngừng nghiến răng khi đã thay toàn bộ răng sữa. Nhưng một số trẻ vẫn tiếp tục khi bước vào độ tuổi vị thành niên. Nếu như chứng nghiến răng do căng thẳng gây ra và vẫn tiếp tục cho đến khi căng thẳng đã giảm bớt.

Nghiến răng là phản ứng tự nhiên của trẻ đối với sự tăng trưởng cũng như phát triển, đa phần những trường hợp này không thể nào ngăn ngừa được. Nhưng sẽ tránh được chứng nghiến răng do căng thẳng. Do đó, hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ về cảm xúc, cùng con đối phó với mọi căng thẳng. Đồng thời, hãy đưa trẻ đi khám răng định kỳ, nhằm giúp tìm và điều trị được bệnh lý này sớm nhất có thể.

Nếu cha mẹ phát hiện thấy trẻ có những vết mòn trên bề mặt răng, nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa răng trẻ em. Có thể bác sĩ sẽ mài chỉnh răng, để các răng ăn khớp với nhau hơn hoặc làm một máng nhựa mềm, thường mang trong miệng vào buổi tối, để ngăn trẻ nghiến răng hoặc giữ cho răng trẻ không bị mòn đi.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Nguyễn Thị Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-tre-lai-nghien-rang-169230218092123663.htm