Tại sao Triệu Vân lại là vị võ tướng được yêu thích nhất Tam Quốc?
Hình tượng của danh tướng Triệu Vân (Triệu Tử Long) là hình tượng hoàn mỹ hiếm có trong số các vị tướng. Ông còn được xưng tụng là võ thần bởi tài năng phi thường, tính cách cương trực, nghĩa khí lại trung thành.
Nhắc tới Triệu Vân, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh của một vị tướng mặt ngọc với áo giáp bạc, thương bạc và ngựa trắng. Sở dĩ Triệu Vân có hình tượng này là bởi bị ảnh hưởng qua miêu tả của La Quán Trung trong tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa" cũng như các tác phẩm điện ảnh và truyền hình hiện tại.
Thực tế, Triệu Vân trong lịch sử khác xa với hình ảnh Triệu Vân trong tiểu thuyết, vị danh tướng này không phải là người mặt đẹp, da trắng như miêu tả mà có khuôn mặt góc cạnh, nam tính, thân hình tráng kiện, vẻ ngoài cứng cáp. Thêm vào đó, chính sử không ghi lại ngày tháng năm sinh cụ thể của Triệu Vân nhưng chắc chắn rằng, Triệu Vân lớn hơn so với Gia Cát Lượng gần 20 tuổi.
Triệu Vân ban đầu là thuộc hạ của Công Tôn Tỏa, sau đó đi theo Lưu Bị. Xui xẻo thay, Lưu Bị là một hoàng đế lưu lạc, 5 lần đổi chủ, 4 lần bỏ vợ con thế nhưng Triệu Vân vẫn không rời bỏ. Khi Lưu Bị thua lớn ở Trường Bản, buộc phải chạy trốn, nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng ông. Sau đó, Triệu Vân đã đưa theo Cam phu nhân và con trai Lưu Bị là Lưu Thiện trở về.
Đáng nói, đây không phải mệnh lệnh của Lưu Bị mà do Triệu Vân quả cảm chủ động đi làm. Có thể thấy được Triệu Vân trung thành, tận tâm thế nào.
Tiếp đó, Triệu Vân thể hiện rõ mình là người không bị cám dỗ mê hoặc, khi Triệu Phạm muốn dùng mỹ nhân kế, Triệu Vân không hề mắc bẫy. Khi Lưu Bị lấy Tôn phu nhân, Triệu Vân với tư cách là chỉ huy đội cận vệ, có nhiệm vụ trông chừng Tôn phu nhân, ông ngăn chặn thành công ý đồ bắt cóc Lưu Thiện của vị phu nhân này.
Khi Lưu Bị chiếm Tây Xuyên, Triệu Vân được phong làm Dực quân tướng quân, nhiều người đề nghị chia nhà cửa, đất đai cho các tướng lĩnh. Thế nhưng Triệu Vân lại phản đối, kiến nghị chia đất đai nhà cửa cho dân chúng để ổn định lòng người. Việc này phản ánh tầm nhìn dài hạn và tổng thể của Triệu Vân, khác với các tướng lĩnh thông thường.
Tiếp theo, khi thủ thành Hán Trung, Triệu Vân đã thực hiện "không doanh kế", được Lưu Bị khen ngợi là gan góc phi thường, điều đó cho thấy Triệu Vân không chỉ anh dũng mà còn là một vị tướng tài trí.
Khi Lưu Bị xưng làm hoàng đế, Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung được phong làm tướng quân còn Triệu Vân được phong làm Trung hộ quân, thống lĩnh cấm quân bảo vệ nơi ở của nhà vua. Khách quan mà nói, chức quan của Triệu Vân kém xa so với bốn vị tướng còn lại nhưng cũng lại là vị trí vô cùng quan trọng, phải được hoàng đế tin tưởng lắm mới có thể làm.
Năm 221, Quan Vũ bị giết, Lưu Bị phạt Ngô. Vì Lưu Bị quá tức giận nên các đại thần không dám khuyên can, chỉ có Triệu Vân thẳng thắn nói rằng, kẻ nên đánh là Tào Tháo, trước phải liên hợp với Đông Ngô để diệt Tào. Chỉ cần diệt được Tào thì Đông Ngô cũng sẽ quy hàng. Đáng tiếc Lưu Bị không nghe, cuối cùng đại bại, thế nhưng sự điềm tĩnh và thẳng thắn của Triệu Vân đã gây ấn tượng sâu sắc với mọi người.
Sau này khi Lưu Thiện kế vị Lưu Bị, Triệu Vân được thăng từ Trung hộ quân lên Chinh nam tướng quân, Vĩnh Xương đình hầu, sau đó thăng lên Trấn đông tướng quân.
Năm 228, Gia Cát Lượng chỉ huy cuộc viễn chinh phương Bắc, sai Triệu Vân và Đặng Chí làm nghi binh, chặn đánh quân Ngụy ở Tây Môn. Chiến bại, Triệu Vân đích thân phá vây, ngăn cản quân Tào truy đuổi. Quân lực và nhân sự tổn thất không lớn, Gia Cát Lượng ban thưởng cho Triệu Vân vải vóc, nói về phát cho quân, nhưng Triệu Vân nói sao có thể thưởng cho kẻ bại trận, ông không lây và giao nộp cho quốc khố.
Năm 229, Triệu Vân chết vì bệnh nhưng đến năm 261, Lưu Thiện mới truy phong cho Triệu Vân làm Thuận Bình hầu.
Trên đây là cơ bản những gì chúng ta có thể tìm thấy về Triệu Vân trong sử sách. Khách quan mà nói, khi Lưu Bị còn sống, tuy được hết lòng tin tưởng nhưng Triệu Vân chủ yếu xuất hiện với vai trò đội trưởng đội hộ vệ của Lưu Bị, không có nhiều cơ hội lập công, cũng không có nhiều biểu hiện xuất sắc trên chiến trường.
Về mặt quân sự, so với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung, thậm chí ngay cả với Ngụy Diên chiến tính của Triệu Vân cũng kém hơn. Vậy tại sao danh tướng Triệu Vân mặc dù không thể hiện quá xuất sắc trên chiến trường nhưng vẫn được ca tụng hết mực trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", trở thành vị danh tướng được yêu thích nhất sau này?
Thứ nhất, hình tượng của Triệu Vân là hình tượng hoàn mỹ hiếm có trong số các vị tướng. Ông là người trung thành và đáng tin cậy. Với tư cách là một cận vệ, ông đã cứu ấu chúa Lưu Thiện hai lần, với tư cách là một vị tướng, ông đã chinh phục được Quý Dương.
Triệu Vân cũng có tầm nhìn dài hạn về tình hình chung và bình tĩnh. Ngoài việc đánh giặc, giết giặc, Triệu Vân còn có thể hai lần cố vấn cho Lưu Bị, điều này có một không hai trong Tam Quốc. Không giống như các tướng lĩnh bình thường hữu dũng vô mưu, Triệu Vân vừa có dũng lại rất thao lược mưu trí.
Thứ hai, Triệu Vân tận tâm tận lực, tính chính trực, đời tư cá nhân cũng rất sạch sẽ. So với Quan Vũ kiêu ngạo, Trương Phi thô lỗ, Mã Siêu tráo trở, lật lọng, hình tượng của Triệu Vân vô cùng khác biệt, giống như một vị tướng vứa đứa lại vừa tài.
Thứ ba, cả đời Triệu Vân tuy rằng không được trọng dụng, là người dũng cảm can trường nhưng chỉ giữ chức thống lĩnh cấm vệ quân bảo vệ Lưu Bị, không có nhiều cơ hội lập công. Một vị tướng hoàn mỹ như vậy cả đời lại không thể tung hoành chiến trường, đời sau sẽ cảm thấy bất công, nuối tiếc, họ chuyển sự đồng cảm thành yêu mến Triệu Vân.
Thứ tư, hình tượng trung thành, kiệm lời, tận tâm với công việc của Triệu Vân phù hợp với định nghĩa của văn hóa truyền thống Trung Quốc về tư cách là một thần tử, vì vậy, ông được các hoàng đế của vô số triều đại sau coi là hình mẫu danh tướng.