Tại sao trường Đại học cho sinh viên nghỉ còn phổ thông thì không?

Hàng loạt trường đại học thông báo kéo dài thời gian nghỉ cho sinh viên tránh lây lan virus corona; còn các Sở, trường phổ thông vẫn giữ nguyên quan điểm, cho học sinh đi học bình thường.

Sáng 1/2, thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, học sinh trên địa bàn sẽ không nghỉ học thêm, các em quay lại trường vào ngày 3/2, tức thứ 2 tuần tới theo đúng kế hoạch.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thông tin lịch học của bậc phổ thông vẫn diễn ra bình thường theo kế hoạch từ ngày 30/1 (tức 6/1 âm lịch) và khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý cho học sinh nghỉ học ở nhà.

Học sinh các trường bậc phổ thông vẫn sẽ đi học bình thường.

Học sinh các trường bậc phổ thông vẫn sẽ đi học bình thường.

Những thông tin này ngày càng gặp nhiều sự phản đối, đặc biệt là các bậc phụ huynh- những người có con nhỏ đang đi học tỏ ra vô cùng lo lắng khi con đến lớp trong môi trường dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát.

Thà học chậm còn hơn nhiễm virus corona

Anh Minh Khôi (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, trường học là nơi đông người. Trẻ lại có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa biết cách tự bảo vệ mình; các em rất dễ bị lây nhiễm. Do đó, anh Khôi quyết định xin nghỉ học cho con một vài ngày để yên tâm hơn tránh lây lan dịch bệnh.

“Việc cho con nghỉ học có thể khiến áp lực bài vở tăng lên khi các con quay lại trường. Tuy nhiên, virus corona đang lây lan nhanh, sau Tết lại có rất nhiều bạn đi chơi xa về, biết đâu nhiều người đang trong thời gian ủ bệnh mà không hề biết. Do đó, tôi nghĩ lựa chọn cho con nghỉ học ở thời điểm này là tốt nhất”, anh Khôi chia sẻ.

Tương tự, chị Hà Huyền Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho con ở nhà và mong muốn được kéo dài thời gian nghỉ học sau Tết hoặc có một phương án xử lý kiểm soát dịch tốt hơn khi con đi học ở trường.

“Chỉ cần một bạn không may bị nhiễm, nguy cơ nhiễm cho 1.000 học sinh khác rất cao. Nếu trong trường hợp dịch còn kéo dài, nhà trường vẫn không đồng ý cho các con nghỉ học dài ngày, gia đình sẵn sàng chấp nhận cho con học muộn một năm, sức khỏe là trên hết”, chị Trang kiên quyết.

Anh Quốc Hưng, (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Trong khi dịch virus corona có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào, lại nguy hiểm đến tính mạng sao không cho học sinh nghỉ để phòng dịch bệnh. Cho học sinh nghỉ ở đây không phải là kéo dài kỳ nghỉ Tết mà là nghỉ để phòng dịch. Giữa tính mạng sức khỏe của học sinh với việc giáo dục trong thời điểm này cái nào quan trọng hơn?”.

Theo vị phụ huynh này, các trường phổ thông nên cho học sinh nghỉ học ít nhất một tuần để phòng dịch cũng như chuẩn bị thêm công tác phòng, ngừa. Một tuần này để trường theo dõi chuyển biến của dịch bệnh do virus corona gây ra, cho đến khi tìm được biện pháp phòng ngừa phù hợp mới cho học sinh quay lại trường.

Bậc phổ thông quá chần chừ

Bày tỏ quan điểm thẳng thắn, anh Thế Nam (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, sinh viên đại học thể trạng tốt, sức đề kháng đầy đủ, biết tự trang bị và bảo vệ mình trước những nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh thì được cho nghỉ học. Còn các cháu mầm non, tiểu học, trung học chưa có đủ khả năng hiểu vấn đề cặn kẽ, sức đề kháng yếu, mải chơi, không ý thức được độ nguy hiểm… lại vẫn cho đi học bình thường.

“Trong khi một trường phổ thông ở thành phố có đến 1.000 – 2.000 học sinh, tốc độ lây nhiễm không phải chuyện nhỏ, đó là chưa kể đến gia đình các cháu, hàng xóm… Quá vô lý khi không cho các cháu nghỉ học!”, vị phụ huynh cho hay.

Đến hết ngày 2/2 các trường ở Hà Nội mới hoàn thành việc phun khử trùng toàn bộ lớp, trường.

Đến hết ngày 2/2 các trường ở Hà Nội mới hoàn thành việc phun khử trùng toàn bộ lớp, trường.

Chị Nguyễn Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi hai con vẫn đi học bình thường mà chưa có nhiều biện pháp bảo vệ dịch lây nhiễm.

“Cho đến hết ngày 2/2 tới đây, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội mới hoàn thành khử trùng lớp học để phòng dịch, trong khi các cháu đi học từ cách đó 4 ngày. Cách ứng phó với dịch quá chậm chễ. Và ai dám chắc các con đi học ở trường không có nguy cơ lây nhiễm khi việc khử trùng còn chưa xong nói gì đến phòng tránh”.

Chị Thảo cho biết, gia đình đang bàn tính đến phương án cho 2 con nghỉ học vì phương án đeo khẩu trang và đo thân nhiệt ở trường chưa đủ an toàn cho con. Khi các con đang ủ bệnh thì chưa có triệu chứng gì, vẫn sinh hoạt chung ăn uống chung thì không ổn. Đợi khi phát hiện thì các con đã lây nhau. Vậy nên các con sẽ tạm nghỉ học trước khi có phương án tốt hơn.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 07 giờ 30, ngày 01/02/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên thế giới là 11.948 ca mắc ,trong đó tại lục địa Trung Quốc: 11.791. Số trường hợp tử vong lên đến 259 trường hợp đều tại lục địa Trung Quốc: 259.

Đến nay, tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc là 157 ở 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Trong đó, Thái Lan là 19 trường hợp; Nhật Bản: 17 trường hợp; Singapore: 16 trường hợp; Hồng Kông, Trung Quốc: 13 trường hợp; Hàn Quốc: 11 trường hợp; Đài Loan, Trung Quốc: 10 trường hợp; Úc: 9 trường hợp; Malaysia: 8 trường hợp; Ma Cao, Trung Quốc: 7 trường hợp; Mỹ: 7 trường hợp; Đức: 7 trường hợp; Pháp 6...

Tại Việt Nam đến sáng ngày 1/2 xác nhận thêm một ca dương tính với virus corona, nâng tổng số ca mắc lên 6 ca.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-tuc-su-kien/tai-sao-truong-dai-hoc-cho-sinh-vien-nghi-con-pho-thong-thi-khong-ar524813.html