Tại sao từ chức chưa trở thành… văn hóa?
Chức vụ, suy cho cùng không phải là thành tích hay danh hiệu. Đó đơn thuần chỉ là vị trí công tác để mà nỗ lực, phấn đấu, cống hiến. Vậy thì tại sao từ chức lại rất hiếm khi xuất hiện trong 'từ điển công vụ' ở nước ta?
Bức thư xin lỗi của ông Lưu Văn Thanh được viết tay.
Hôm qua, thông tin ông Lưu Văn Thanh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước viết tâm thư xin lỗi, xin từ chức phó chủ tịch HĐND huyện, đồng thời xin thôi làm đại biểu HĐND huyện (nhiệm kỳ 2016-2021) đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Là bởi, đã từ rất lâu rồi, người ta ít thấy một quan chức nào ở ta nói lời xin lỗi và từ chức sau khi mắc sai lầm. Nhiều quan chức ra đến vành móng ngựa vẫn quanh co chối tội, cãi chày cãi cối, kể lể công lao, thành tích.
Và rồi, từ chỗ tức giận, lên án hành động đáng xấu hổ của ông Thanh, dư luận lại… khen ông Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản. Rằng, ít ra, ông này vẫn còn có lòng tự trọng, biết nhận ra sai lầm, sẵn sàng từ bỏ chức vụ như một cách để bày tỏ sự ăn năn, hối hận.
Bức thư ông Thanh viết bằng tay, nét chữ run rẩy, nguệch ngoạc, lời lẽ mộc mạc, chân thành cũng đã góp phần “đốn tim” cư dân mạng. Nhiều người thậm chí đã cảm thấy xót xa cho số phận của ông Thanh.
Từ bao giờ, từ chức lại trở thành một "hiện tượng lạ" đến như vậy?
Từ bao giờ những điều rất đỗi bình thường và sòng phẳng ấy lại trở thành “của hiếm”, “sự lạ” gây bất ngờ đối với mỗi chúng ta. Anh sai, anh kém, anh không xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân thì anh trả lại vị trí cho người xứng đáng hơn. Cuộc sống vốn luôn công bằng với tất cả, ai cũng phải trả giá cho những sai lầm của mình. Tại sao từ chức lại khó và hiếm đến như thế?
Từ bao giờ, người ta tự huyễn hoặc quyền lực, chức vụ thành đích đến của tham vọng thay vì động lực để cống hiến?
Từ bao giờ, người ta đã quen với những bó hoa, tiệc rượu chúc mừng khi mỗi ai đó được bổ nhiệm chức vụ thay vì những lời động viên, chia sẻ vì càng lên cao trách nhiệm ngày một nặng nề hơn?
Từ bao giờ, người ta xem vị trí công tác do tổ chức phân công như một... danh hiệu để bằng mọi giá “chạy đua” cho bằng được?
Từ bao giờ, thành đạt được đo bằng chiếc ghế, bất chấp chiếc ghế ấy có được dựng nên bằng năng lực hay không?
Từ bao giờ người ta đã tìm mọi cách để “học” làm lãnh đạo mà quên đi rằng, muốn làm gì thì làm, bài học đầu tiên là học cách làm người?
Nếu ai cũng xem chức vụ như là một vị trí công tác thuần túy, chắc hẳn, việc từ chức để trả giá cho sai lầm, để giữ được liêm sỉ, lòng tự trọng không khó.
Nhưng có những người lại nghĩ quyền lực là một thứ hào quang, một sức mạnh vô hình, có thể chi phối nhiều thứ khác. Quyền lực của dân, của Nhà nước bị biến thành quyền lực của cá nhân, để phục vụ những mục đích cá nhân, sinh ra “lợi ích nhóm” đi kèm bổng lộc, quyền uy. Thói hãnh tiến, ham hố quyền lực cũng nảy ra từ đó. Tư tưởng sợ quyền lực, đầu hàng sức mạnh quyền lực của số đông chúng ta càng làm cho nó bị ảo tưởng sức mạnh, bị tha hóa, mất kiểm soát. Quan trường bị biến thành “thị trường” cho những cuộc… chạy đua. Để có được chức vụ, người ta sẵn sàng “phù phép” bằng cấp, “hô biến” lý lịch, “cắt đứt” quy trình. Hiện tượng “quan lộ thần tốc”, “thăng tiến vũ bão”, “chín ép”, “trăng chưa đến rằm trăng đã tròn” trở thành một vấn nạn xã hội đòi hỏi phải có những chiếc “lồng cơ chế” lớn hơn, chặt chẽ hơn để kiểm soát.
Trở lại câu chuyện từ chức của ông Lưu Văn Thanh. Phó Chủ tịch HĐND là một chức vụ “thường thường bậc trung” ở huyện. Người ta đã từng đề xuất bỏ HĐND cấp huyện, một cơ quan dân cử trung gian kiểu “chân không đến đất, cật chẳng đến trời”. Nên để “buông bỏ” một “chiếc ghế” như thế không đến mức quá tiếc nuối. Chưa kể, từ chức gần như là sự lựa chọn bắt buộc đối với ông Thanh. Với những gì ông Thanh đã gây ra, vào một thời điểm nhạy cảm, nếu không xin lột trả “cân đai áo mũ”, tổ chức cũng khó lòng tha cho ông ta. Mặt khác, nếu thực sự có tự trọng, ông Thanh phải chủ động từ chức ngay sau khi xảy ra sự việc, chứ không phải chờ đến khi bị sức ép từ dư luận dẫn đến bị đình chỉ công tác. Nghĩa là phải rất khó khăn, vị Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản mới từ chức, chứ không phải là một “tấm gương” về văn hóa từ chức.
Trong cuộc sống có những người từ chức để lại sự nuối tiếc cho dân nhưng cũng có người buông bỏ quyền lực trong sự tán thưởng của số đông dân chúng. Nhưng dù từ chức bằng bất cứ lý do gì thì đó cũng là điều hết sức bình thường. Văn hóa từ chức chỉ có thể “mọc mầm” trong một môi trường bình đẳng về nhận thức do chính chúng ta tạo ra mà thôi.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-tu-chuc-chua-tro-thanh-van-hoa-post76657.html