Tại sao Ukraine 'chê' cường kích 'lợn lòi' A-10 của Mỹ?
Trước việc Mỹ xem xét viện trợ cường kích A-10 Thunderbolt II, Bộ Quốc phòng Ukraine cho rằng những máy bay này quá chậm chạp, không quân nước này cần các loại tiêm kích nhanh nhẹn và linh hoạt như F-16.
Theo Insider, trong thời gian gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nghiêm túc xem xét việc gửi thêm các cường kích A-10 Thunderbolt II Warthog (Lợn lòi) tới Ukraine. Tuy vậy, phía Ukraine dường như không thực sự mặn mà với ý tưởng này.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Air Force, Yuriy Sak - Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, nước này đang thực sự cần các máy bay chiến đấu tiêu chuẩn của phương Tây. Mặc dù A-10 là một cỗ máy chiến đấu tầm gần và có khả năng hỗ trợ bộ binh rất tốt, nhưng chúng lại không phù hợp với tình hình hiện tại.
"Nhìn vào diễn biến các cuộc giao tranh trên bầu trời vừa qua, không quân Ukraine đang thực sự cần những tiêm kích có vận tốc cao và khả năng tác chiến linh hoạt, F-16 là lựa chọn tối ưu nhất. Về phần Lợn lòi, cường kích này quá lù đù và chậm chạp, dù sở hữu hỏa lực mạnh nhưng lại rất dễ bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không của Nga. Hơn nữa, những gì mà A-10 có thể làm thì những chiếc Su-25 cũng có thể", ông Sak nói.
Cường kích A-10 Thunderbolt II thường được biết tới với cái tên "Lợn lòi" nhờ vẻ ngoài hung tợn đặc trưng với những chiếc răng nhọn hoắt ở phần đầu máy bay. Các cường kích này được đưa vào biên chế lần đầu tiên vào năm 1977, với đặc điểm nhận dạng là một khẩu pháo GAU-8 Avenger 30mm có tốc độ bắn lên tới 3.500 viên/phút gắn ngay ở mũi.
Máy bay chiến đấu được sản xuất bởi Fairchild Republic hoạt động tốt ở độ cao 300-2.500m, khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất và yểm trợ bộ binh từ trên không. Lợn lòi có trọng lượng 12.000kg và có thể mang theo tới 13.000kg bom đạn các loại. Các vũ khí nổi bật trên A-10 có thể kể tới tên lửa không đối đất AGM Maverick hay hỏa tiễn tầm nhiệt Sidewinder.
Dù không thực sự nhanh nhẹn, nhưng Lợn lòi lại có khả năng "chịu đòn" rất tốt, với lớp vỏ bọc titan dày 12,7 đến 38,1 mm, cường kích này có thể chống được đạn phòng không 23 mm. Đáng chú ý, đây cũng là máy bay chiến đấu thế hệ cũ duy nhất được Không quân Mỹ kéo dài thời gian hoạt động ít nhất đến năm 2022. Điềm trừ lớn nhất của A-10 là chi phí duy trì hoạt động lên đến 20.000 USD/h, con số quá cao cho một máy bay chiến đấu gần 50 tuổi.