Tại sao vô thức cũng có...sức mạnh?
'Adolf, cậu không giết cha mình, ngay cả khi giống như tất cả các bé trai khác trên đời, có lúc cậu đã muốn ông ấy chết. Cậu cũng không giết mẹ cậu. Cả hai người đều chết một cách bình thường. Đừng để mặc cảm tội lỗi đè nặng và phá hỏng cuộc đời. Cậu có quyền được hạnh phúc'.
Adolf ở đây là ai vậy? Là Adolf Hitler trong tác phẩm “Nửa kia của Hitler” của nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt. Vậy người đã bắt trúng những vấn đề tâm lý của Adolf và đang dần dần giải tỏa những vấn đề đó là ai vậy? Là bác sĩ - nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud.
Trong cuốn tiểu thuyết độc đáo này, Emmanuel Schmit đã tạo dựng cuộc gặp gỡ giả tưởng giữa hai nhân vật có những bí ẩn tâm lý thuộc diện khó hiểu nhất thế giới. Và hãy xem cảm xúc của người thứ hai khi được người thứ nhất bắt bệnh - hóa giải và đưa trở lại trạng thái bình thường: “Nước mắt tràn trề trên khuôn mặt Adolf mà hắn không biết. Những dòng nước mắt gột rửa hắn khỏi quá khứ của mình, khỏi những nỗi lo sợ, đau đớn. Nó như dòng nước rửa cho đứa bé mới vào đời. Freud tham dự vào sự ra đời lần thứ hai của chàng thanh niên một cách hiền từ. Không dao mổ, không một vết rạch, không phải xé rách da hay nhỏ một giọt máu, ông đã chữa khỏi một con người đang tuyệt vọng; lúc trước một chàng thanh niên nằm xuống đó, giờ đây một người đàn ông đang từ đó ngồi dậy”.
Kỳ diệu! Kỳ diệu đến không tưởng! Đó là cảm xúc của chúng ta sau khi chứng kiến cách chữa bệnh thần thánh, không dao mổ, không vết rạch, không xé rách da mà Freud đã thực hiện với Adolf. Vậy thì rốt cuộc, Freud đã làm gì? Thật đơn giản: ông đã từ từ đặt ra những câu hỏi, từ từ nhấm nháp những câu trả lời của “người bệnh” Adolf, rồi từ những cứ liệu đó đi vào một chỗ rất bí ẩn trong não trạng Adolf, đó là vô thức. Chỉ có đi vào vô thức, cái căn nguyên sâu thẳm tạo nên một Adolf kỳ quái, bệnh hoạn, khác người mới có thể tìm ra những giải pháp trị liệu thích hợp.
Chắc chắn văn hào Emmanuel Schmit đã đọc và hiểu rất kỹ lý thuyết vô thức của Freud ngoài đời thực. Và chắc chắn khi tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ có một không hai giữa Sigmund Freud và Adolf Hitler trong tiểu thuyết của mình, ông rất đồng cảm với lý thuyết vô thức của nhà phân tâm học lừng danh người Áo.
Bạn sẽ đặt câu hỏi: Vậy thì vô thức có thật không? Nếu có, nó thật sự điều khiển suy nghĩ và hành động của chúng ta không? Hãy kiểm nghiệm điều này bằng những tình huống đời sống rất đơn giản: Có bao giờ lần đầu tiên bạn gặp một người, và tự hỏi tại sao trông họ quen thuộc như vậy? Có phải mình đã gặp họ ở đâu đó rồi không?
Các nhà phân tâm học sẽ trả lời rằng: thực tế có thể “con người quen thuộc đó”, vào một thời điểm nào đó đã đi lướt qua bạn. Chỉ có điều lúc đó bạn đang tập trung chú ý đến một đối tượng - một sự vật khác. Sự chú ý đó chiếm trọn ý thức của bạn. Bạn không hề biết rằng có hàng loạt chi tiết - hàng loạt đối tượng khác đã thản nhiên chui vào vùng vô thức trong bạn. Cái khoảnh khắc lần đầu gặp một người “rất lạ mà rất quen” chính là khoảnh khắc những ghi nhớ trong vô thức bất thình lình trỗi dậy.
Một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng Việt Nam kể rằng có những thời điểm ông đang nằm, cứ nghe thấy văng vẳng bên tai một chuỗi âm thanh của ai đó như đang đọc cho mình. Ông liền viết chuỗi âm thanh đó ra giấy và sau đó nó trở thành những bài thơ để đời. Suy cho cùng: chuỗi âm thanh đó là gì? Thực sự đến từ đâu? Từ một người bí mật, vô hình nào đó đang bay lơ lửng trong không trung? Thật khó tin! Hay từ thượng đế? Càng khó tin!
Lý giải dễ chấp nhận hơn cả, đó là nó đến từ chính cõi vô thức của thi nhân. Thực tế là trong quá khứ, đã có những hình ảnh, những thanh âm, những dữ liệu đặc biệt nào đó thay vì chui vào vùng ý thức, lại chui vào vô thức thi nhân. Và lúc này, khi vô thức - một chuỗi những dồn nén tiềm tàng bấy lâu trở dậy, thi nhân có thể đặt bút làm thơ dễ như lấy đồ trong túi.
Theo các nhà phân tâm học, vô thức có thể được tạo dụng từ những va đập kiểu như vậy hoặc giả có thể được hình thành từ thời ấu thơ của con người. Trong thời ấu thơ đó, con người tiếp xúc và lĩnh hội thế giới xung quanh rất mạnh mẽ. Nhưng vỏ não ấu thơ chưa đủ sự phát triển để lưu giữ và biến chúng trở thành tất cả những trải nghiệm có ý thức. Tất cả vì thế chui hết vào vô thức. Khi con người lớn lên, trưởng thành, vô thức rùng mình cựa quậy, tất cả những điều được vô thức ghi nhớ sẽ bùng nổ và con người sẽ bất ngờ với những hiểu biết của chính mình.
Một khía cạnh khác của vô thức cũng được Freud đặc biệt chú ý: nó là nơi cất giữ của những ham muốn phi chuẩn mực. Ông chia cấu trúc tinh thần con người thành 3 phần chính: Cái nó, cái tôi, cái siêu tôi. Cái nó chính là vô thức với những ham muốn phi chuẩn mực như dục vọng, thù hận, tị hiềm... - những thứ mà con người cố tống khứ khỏi ý thức của mình nhưng thực tế là tống khỏi ý thức thì nó chui vào vô thức.
Cái siêu tôi chính là những chuẩn mực, lý tưởng mà con người muốn hướng đến. Và cái tôi đứng ở giữa, cố gắng điều hòa dàn xếp các xung đột trước hai đối thủ có sức mạnh ghê gớm kia. Đó là sự hiện hữu tội nghiệp và bi thương. Và theo Freud, trong rất nhiều trường hợp, cái tôi bị đánh gục bởi cái nó - vô thức. Thành thử, Freud tin rằng rất nhiều quyết định quan trọng trong cuộc đời con người được nảy sinh từ những động cơ vô thức.
Cỡ năm 1917, Freud đặt nghiên cứu về cõi vô thức của mình cạnh những lý thuyết lớn của nhà thiên văn học Copernicus và nhà sinh vật học Darwin. Freud và những người ủng hộ Freud tin rằng: Nếu khám phá “mặt trời là trung tâm vũ trụ” của Copernicus phủ nhận vai trò “con người - trái đất là trung tâm vũ trụ” của giáo hội, nếu khám phá “con người có nguồn gốc từ con khỉ” của Darwin phủ nhận con người được sinh ra bởi Thượng đế, thánh thần của rất nhiều tôn giáo trước đó thì khám phá vô thức lại cho thấy phần lớn quyết định quan trọng của con người lại đến từ một cõi mà con người không thể điều khiển nổi. Tóm lại, ba phát hiện này giống nhau ở chỗ, nó đều chứng tỏ: con người không ghê gớm, vĩ đại như mình tưởng!
Thực tế, Freud không phải người đầu tiên nói về vô thức nhưng ông là người nghiên cứu nó một cách hệ thống và tin rằng nó chắc chắn tồn tại trong cấu trúc bộ não của con người. Vấn đề nằm ở chỗ: ông không hề giải phẫu não để chứng minh điều đó. Ông chỉ khẳng định điều đó sau khi nghe hàng loạt bệnh nhân của mình kể chuyện. Thành thử, rất nhiều người phản đối lý thuyết của ông và không tin đó là khoa học.
Hiện nay, sau khi giải phẫu bộ não, những nhà thần kinh học chứng minh những gì Freud nói về vô thức là có thật, rằng quả nhiên có một số bộ phận trong não trạng chúng ta như thân não, tiểu não, đồi não lưu giữ quá trình vô thức. Nhưng nó đơn giản chỉ là sự lưu giữ, hay nói cách khác là những dấu hiệu. Phân tách sự lưu giữ đó, mổ xẻ những dấu hiệu đó để xem rốt cuộc vô thức vận hành như thế nào vẫn là một bí mật với những nhà thần kinh học. Mà có lẽ, vì bí mật nên nó mới là vô thức.
Trở lại với cuộc gặp gỡ giả tưởng giữa Freud và Adolf Hitler trong tác phẩm “Nửa kia của Hitler” đã được đề cập ở đầu bài viết. Đấy là một cuộc gặp gỡ được tạo dựng bởi ý thức của một nhà văn. Nhưng đến lượt mình, cuộc gặp gỡ này, biết đâu đấy cũng sẽ tạo ra những tín hiệu chạy vào vô thức của nhà văn. Và với chính người đọc cũng thế, đừng bất ngờ nếu có những mảnh tín hiệu nào đó được tạo ra bởi Freud và Hitler chui vào vô thức của chúng ta.
Khi nào vô thức của chúng ta cựa quậy, những mảnh tín hiệu này có thể sẽ xuất hiện. Và có thể phải đến lúc đó bạn mới thực sự có được câu trả lời cho một câu hỏi gây tranh cãi: Tại sao vô thức cũng có sức mạnh riêng?
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/tai-sao-vo-thuc-cung-co-suc-manh-619379/