Tái tạo hình dạng hộp sọ cho bé gái mắc dị tật sọ mặt hiếm gặp

Ngày 17-12, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện đã phẫu thuật và điều trị thành công cho bệnh nhi 16 tháng tuổi, ở Bắc Ninh mắc dị tật hẹp hộp sọ hiếm gặp nhờ áp dụng kỹ thuật kéo giãn vòm sọ sau bằng dụng cụ kéo giãn.

Vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại chặng đường đã qua, chị T.H, mẹ của bệnh nhi kể lại: “Khi mang thai ở tuần thứ 32, con được chẩn đoán mắc dị tật khớp sọ đóng sớm. Tôi chỉ ước đây là 1 sự nhầm lẫn, con sinh ra sẽ khỏe mạnh như anh chị của bé.

Nhưng không may, con sinh ra mang trong mình đa dị tật: Dị dạng sọ mặt phức tạp, khớp sọ đóng sớm, đầu bẹt, đỉnh đầu nhô cao nhọn hoắt, não úng thủy, 2 mắt lồi to ra ngoài không thể nhắm kín dù ngủ hay thức, bất thường ống tai,… Tôi rất hoang mang, lo lắng, không biết phải tìm ai, phải bắt đầu từ đâu để có thể cứu con.

Sau khi tìm hiểu khắp nơi, thậm chí định cho con sang Úc để điều trị, tình cờ tôi biết đến các bác sĩ tại khoa Sọ mặt và Tạo hình - Bệnh viện Nhi Trung ương có thể phẫu thuật tạo hình hộp sọ bằng dụng cụ kéo giãn cho các bé mắc bệnh giống con nên đã đưa bé đến khám và làm phẫu thuật”.

Các bác sĩ hội chẩn kỹ lưỡng để xây dựng kế hoạch phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Các bác sĩ hội chẩn kỹ lưỡng để xây dựng kế hoạch phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Ths, Bs Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Sọ mặt và Tạo hình cho biết, bé H.M mắc dị tật sọ mặt hiếm gặp. Tất cả các khớp sọ của trẻ đều bị liền sớm, hộp sọ đóng kín không thể mở rộng, làm cho không gian trong hộp sọ không đủ - không phù hợp để có thể đáp ứng với sự phát triển của não bộ, gây tăng áp lực nội sọ.

Sau khi tiến hành khám và hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ xác định tình trạng bệnh của trẻ là một trường hợp khó và phức tạp, cần phẫu thuật tạo hình mở rộng thể tích hộp sọ để phù hợp với thể tích não cũng như sự phát triển của não bộ trong tương lai và tái tạo lại hình dạng hộp sọ.

“Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật kéo giãn vòm sọ sau bằng dụng cụ kéo giãn, giúp thể tích hộp sọ của trẻ tăng lên 30% so với ban đầu. Với kỹ thuật này, hộp sọ của trẻ sẽ được mở rộng từ từ 1mm/ngày, chia làm 2 lần vào mỗi buổi sáng và chiều, thông qua kéo giãn bằng thiết bị chuyên biệt. Hằng ngày, trẻ sẽ được kéo giãn, theo dõi và đánh giá tình trạng đến khi đạt được thể tích hộp sọ mong muốn”, Ths, Bs Đặng Hoàng Thơm cho biết.

Hình ảnh bé H.M trước và sau quá trình phẫu thuật, điều trị (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Hình ảnh bé H.M trước và sau quá trình phẫu thuật, điều trị (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Khoảng 5 ngày sau phẫu thuật, thể tích hộp sọ của trẻ bắt đầu tăng lên. Trẻ giảm hẳn tình trạng buồn nôn, sau 10 ngày thì hết hoàn toàn nôn trớ, mắt trẻ đã có thể nhắm kín, ăn ngon, ngủ sâu giấc, dấu hiệu khò khè hết hẳn.

Các dị tật sọ mặt phức tạp thường ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ và trí tuệ của trẻ. Cha mẹ cần đưa con đến khám chuyên khoa để được đánh giá và xử trí kịp thời. Việc điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ mang lại hiệu quả cao và để lại ít di chứng cho trẻ.

TRẦN YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-te/tin-tuc/tai-tao-hinh-dang-hop-so-cho-be-gai-mac-di-tat-so-mat-hiem-gap-680762