Tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở miền núi

Miền núi Thanh Hóa có nhiều hồ đập và sông lớn như sông Chu, sông Mã, sông Bưởi, sông Mực. Trên các con sông có nhiều công trình thủy điện vận hành thương mại đã tạo ra hàng nghìn ha mặt nước, là điều kiện thuận lợi để các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, việc người dân đánh bắt, khai thác không khoa học dẫn đến nguồn lợi thủy sản trở nên cạn kiệt, mất đi khả năng tái tạo, phục hồi, dẫn đến hệ sinh thái bị ảnh hưởng.

Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa phối hợp với huyện Bá Thước thả cá tái tạo môi trường tại lòng hồ thủy điện Bá Thước II.

Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa phối hợp với huyện Bá Thước thả cá tái tạo môi trường tại lòng hồ thủy điện Bá Thước II.

Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa Nguyễn Xuân Đồng, cho biết: Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực miền núi nói riêng, những năm qua Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản (nay là Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa) phối hợp với các huyện miền núi tiến hành thực hiện chương trình thả giống các loài thủy sản phù hợp xuống các hồ thủy điện, hồ chứa nước bằng các giống cá nước ngọt như trắm, trôi, mè, chép, cá lăng... Đây là các hồ có diện tích mặt nước lớn, điều kiện tự nhiên phù hợp cho các loài cá nước ngọt truyền thống phát triển và sinh trưởng. Theo thống kê của Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa giai đoạn 2022-2024 đơn vị đã phối hợp với các địa phương ở khu vực miền núi thả được 11.600kg cá giống nước ngọt, gồm trắm, trôi, mè, chép; 12.000 cá giống lăng, chiên vào các khu vực hồ thủy điện Bá Thước I, Bá Thước II, hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt, lưu vực sông Mã qua các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy.

Qua kiểm tra các giống thủy sản thả đều phát triển tốt, được các địa phương và người dân quản lý, khai thác hợp lý nên nguồn thủy sản ở các hồ đập, sông suối, vùng ven bờ, cửa sông đã phục hồi và gia tăng đáng kể, bổ sung vào quần đàn tự nhiên, góp phần ổn định hệ sinh thái, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức các lớp tập huấn; in ấn tờ rơi có nội dung tuyên truyền về các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát cho ngư dân... Từ năm 2019 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đưa hệ thống quản lý Vnfishbase vào sử dụng để cập nhập, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân làm nghề khai thác thủy sản và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

Để tái tạo hiệu quả và bảo vệ an toàn nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở miền núi, ngoài ý thức của người dân, đòi hỏi sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý những trường hợp khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, nhằm tái tạo bền vững cho loài thủy sản. Nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nghề nuôi trồng thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm nuôi trồng, hướng đến phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững. Cùng với đó, hằng năm cần bổ sung nguồn giống vào các thủy vực tự nhiên ở miền núi.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tai-tao-nguon-loi-thuy-san-tu-nhien-o-mien-nui-249788.htm