Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền con người
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là một thành tố của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh về quyền con người, quyền công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Nguồn: quochoi.vn)
Sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết, cấp thiết ban hành Luật nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân trước việc lộ, lọt, xâm phạm quyền riêng tư, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số, phát triển đất nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương, thực tế tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến ngày và tinh vi. Từ những thông tin như số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế… đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép. Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát dù các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, đấu tranh với loại tội phạm này.
Các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo đã bám sát, thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền cá nhân cũng như yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là một thành tố của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh về quyền con người, quyền công dân.
Bày tỏ đồng tình về việc cần quy định các chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn, đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài các quy định về hành chính, dân sự, cần bổ sung thêm chế tài hình sự, điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân, có thể bổ sung các tội danh cụ thể liên quan đến hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng, sâu sắc dưới góc nhìn thực tiễn về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc sớm ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam là rất cần thiết. Do vậy, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội điều chỉnh, cho phép thông qua tại 1 kỳ họp thay vì 2 kỳ họp như dự kiến.
Phát kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá, không khí phiên thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan và có nhiều thông tin. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn rõ ràng và sâu sắc, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá tuy luật là mới, khó nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tích cực, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến các vị đại biểu thảo luận tại Tổ để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng cao, kèm theo dự thảo báo cáo dự kiến tiếp thu giải trình của dự thảo luật với nhiều nội dung có căn cứ rõ ràng, có tính thuyết phục; cung cấp thêm nhiều thông tin để đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời, có ý kiến về một số nội dung cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận; hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 9. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp rà soát kỹ thuật văn bản theo quy định, đồng thời hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, với tinh thần “không có ý kiến nào không được tiếp thu, giải trình một cách thấu đáo” nhằm tạo sự đồng thuận cao, thực hiện đúng kế hoạch và chương trình của kỳ họp.