Tái thiết sản xuất cho đồng bào vùng lũ
Mưa lũ kéo dài trong hơn 1 tháng đã khiến nhiều tỉnh khu vực miền Trung chịu hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương cũng bị ảnh hưởng lớn.
Thiệt hại kinh tế khoảng 28.000 tỷ đồng
5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới xảy ra từ cuối tháng 9 và đặc biệt là tháng 10/2020 đã gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 317.000 hộ dân với 1,2 triệu nhân khẩu thuộc 7 tỉnh từ Nghệ An – Quảng Nam.
Bão chồng bão, mưa chồng mưa. lũ chồng lũ, vượt ngưỡng lịch sử đã ảnh hưởng và gây thiệt hại đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến, từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Tính đến nay, mưa lũ kéo dài dẫn đến sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã khiến 242 người chết và mất tích; hơn 201.000 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Không chỉ gây thương vong lớn về người, các loại hình thiên tai còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, trong đó có sản xuất nông nghiệp.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, đã có gần 42.000ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; hơn 105.000 tấn lương thực bị ướt, cuốn trôi; gần 3,3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới 28.000 tỷ đồng.
Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn ngô giống, 44,2 tấn hạt rau giống. Cùng với đó là 560.000 liều vaccine, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng môi trường.
Tập trung phục hồi chăn nuôi, thủy sản
Để hỗ trợ các địa phương phục hồi sản xuất sau mưa lũ, Bộ NN&PTNT đang tích cực vận động, huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị cho người dân các tỉnh miền Trung như: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi... Ước tính giá trị hỗ trợ đã tiếp nhận của Bộ đến nay đạt hơn 100 tỷ đồng.
Cùng với tích cực vận động hỗ trợ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cấp phát hàng hóa cho các địa phương khu vực miền Trung. Đến nay, đã có tổng số 18 tấn ngô giống; 10,8 tấn hạt rau giống; 30.000 liều vaccine, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng, được Bộ NN&PTNT chuyển đến hỗ trợ các địa phương vùng lũ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi gia cầm sẽ được Bộ phối hợp với các địa phương chú trọng khôi phục trong thời gian tới, vì có chu kỳ sản xuất ngắn; từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có sản phẩm gia cầm. Như vậy, bà con vừa có sinh kế, lại có kết quả tái sản xuất cho những chu kỳ sau.
Để tái sản xuất chăn nuôi hiệu quả, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh. “Cục sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương” - ông Dương cho hay.
Đối với nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi. Chỉ khi đảm bảo các thông số kỹ thuật và an toàn môi trường thì mới khuyến cáo người dân đưa con giống vào sản xuất để hạn chế thiệt hại.
Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra hơn 1 tháng qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổng hợp, có báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ khẩn cấp 1.600 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tai-thiet-san-xuat-cho-dong-bao-vung-lu-401153.html