Tái thiết Ukraine: Kiev lên kế hoạch hội nhập thị trường EU, lập trung tâm lưu trữ khí đốt lớn, 'vấp' phản đối của nông dân Romania
Ukraine có kế hoạch hội nhập thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU) trước khi trở thành thành viên đầy đủ. Đồng thời có triển vọng thiết lập một trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu và nối lại việc xuất khẩu điện. Cụ thể, những kế hoạch này đang như thế nào?
Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko ngày 7/4 cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là hội nhập thị trường nội khối EU mà không cần đợi gia nhập EU".
Trước đó cùng ngày, chính phủ Ukraine đã thông qua văn bản mở đường cho Ukraine gia nhập không gian chuyển vùng điện thoại di động (roaming) của EU.
Trong tương lai, Ukraine sẽ bắt đầu hội nhập thị trường nội khối EU trong tất cả các lĩnh vực liên quan, từ hải quan, năng lượng đến an toàn thực phẩm.
Ông Svyrydenko cho biết Kế hoạch hành động ưu tiên nhằm tăng cường thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và EU bao gồm 29 biện pháp. Vào tháng 1 năm nay, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói rằng Ukraine đặt mục tiêu trở thành thành viên của EU trong vòng 2 năm tới.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko cho biết, Kiev có triển vọng thiết lập một trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu trên lãnh thổ của mình.
Ông Galushchenko nói: "Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là lập nên một trung tâm năng lượng lớn ở Ukraine, đặc biệt là để lưu trữ khí đốt của các quốc gia châu Âu".
Vị Bộ trưởng này cho biết, Ukraine có một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, có khả năng lưu trữ hơn 30 tỷ m3 khí đốt. Quan chức này lưu ý, hiện nay, Ukraine sẵn sàng cung cấp cho các đối tác châu Âu lượng khí đốt lưu trữ dưới lòng đất lên tới 15 tỷ m3.
Trước đó, Ukrtransgaz, nhà điều hành các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Ukraine đã được chứng nhận và xác nhận quyền thực hiện các hoạt động lưu trữ khí đốt theo các quy tắc cập nhật của Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cũng cho biết, nước này hiện có thể tiếp tục xuất khẩu điện sau 6 tháng gián đoạn, nhờ thành công trong việc sửa chữa được thực hiện sau các cuộc tấn công liên tục của Nga.
Tháng 10 năm ngoái, Ukraine đã ngừng xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu - thị trường xuất khẩu năng lượng chính kể từ khi cuộc xung đột quân sự bắt đầu.
Ông Halushchenko cho biết trong một tuyên bố trên trang web của Bộ này: "Mùa Đông khó khăn nhất đã qua", lưu ý rằng hệ thống điện ở Ukraine đã hoạt động bình thường trong gần 2 tháng qua. "Bước tiếp theo là nối lại xuất khẩu điện, điều này sẽ cho phép chúng tôi có thêm các nguồn tài chính để tái thiết cơ sở hạ tầng điện bị phá hủy và hư hỏng”, ông nói tiếp.
* Liên quan đến nỗ lực tái thiết nền kinh tế và khôi phục các hoạt động thương mại của Ukraine, cùng ngày 7/4, hàng nghìn nông dân Romania đã tham gia các cuộc biểu tình trên cả nước nhằm phản đối tình trạng giá thu mua ngũ cốc giảm do nhập khẩu từ Ukraine.
Những người biểu tình sử dụng máy kéo và xe tải chặn giao thông và cửa khẩu biên giới ở nhiều nơi, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) can thiệp giải quyết vấn đề.
Sự không hài lòng ngày càng tăng của nông dân ở Trung và Đông Âu đối với ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, vốn được miễn thuế nhập khẩu vào EU đến tháng 6/2024, khiến giá ngũ cốc của các nông dân địa phương giảm mạnh.
Tại thủ đô Bucharest của Romania, khoảng 200 nông dân đã biểu tình trước Văn phòng Ủy ban châu Âu, mang theo các biểu ngữ có dòng chữ như "Chúng tôi tôn trọng các quy tắc của EU, nhưng EU phớt lờ chúng tôi" hoặc "Sự ổn định cho nông dân Romania".
Ông Nicu Vasile, người đứng đầu liên minh nông nghiệp Romania LAPAR, cho biết: “Chúng ta đang nói về sự cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng châu Âu. Tôi biết các đồng nghiệp Ukraine của chúng tôi cũng cần bán, nhưng đó là sự cạnh tranh không lành mạnh". Theo ông, chi phí trồng lúa mì ở Romania đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.