Tài trợ cho lập quy hoạch: Quy định chặt chẽ để tránh lợi dụng

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, để triệt để, ngăn ngừa việc lợi dụng hình thức tài trợ để tác động vào quy hoạch và chiếm lợi thế trong đấu thầu, cần phải quy định chặt chẽ, thậm chí cấm việc tài trợ cho công tác quy hoạch...

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 thảo luận các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Còn chồng chéo trong nội bộ của hệ thống các quy hoạch

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, hệ thống các quy hoạch được thiết kế trong dự thảo Luật đã được sàng lọc, tuy nhiên, vẫn còn có sự chồng chéo trong nội bộ của hệ thống các quy hoạch trong dự thảo Luật này cũng như giữa các quy hoạch trong dự thảo Luật này với Luật Quy hoạch.

“Trong dự thảo này chúng ta có đưa ra quy hoạch chung của huyện là tỷ lệ 1/5000-1/25000, đồng thời quy hoạch chung của xã là tỷ lệ 1/5.000-1/10.000. Như vậy, phạm vi của quy hoạch huyện phủ trọn vào quy hoạch xã và quy hoạch xã chỉ chi tiết đến mức như quy hoạch huyện, như vậy không có gì khác hơn”, đại biểu dẫn chứng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) góp ý Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) góp ý Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng góp ý về quy hoạch không gian ngầm. Đại biểu cho rằng các vùng đô thị phát triển đều cần đến không gian ngầm, có những đô thị thì cần không gian ngầm để phát triển nhưng có những chỗ thì không gian ngầm chỉ là hạ tầng kỹ thuật đô thị. Do vậy, đã là vùng đô thị thì cần phải có quy hoạch không gian ngầm, còn mức độ chi tiết đến đâu thì Chính phủ sẽ quy định.

Về nguyên tắc lập quy hoạch, đại biểu góp ý, đã là quy hoạch chung thì quy hoạch cấp trên phải lập trước. Ví dụ quy hoạch chung của cả tỉnh phải trước, sau đó mới đến quy hoạch chung của huyện, rồi đến quy hoạch chung của các khu đô thị mới hay các thị xã, thị trấn. “Quy hoạch chung có thể lập đồng thời nhưng phê duyệt theo trình tự”, theo đại biểu.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc lấy ý kiến công khai quy hoạch rất quan trọng. Bởi vì, lập quy hoạch không có nghĩa chỉ là công cụ quản lý Nhà nước mà còn là công cụ để thu hút đầu tư, là công cụ để cho người dân biết để tự tuân thủ thực hiện.

“Nếu chúng ta không công khai thì người dân không biết và quy hoạch được lập lên cũng không ý nghĩa gì. Tôi đề nghị là lấy ý kiến không phải chỉ bằng tổ chức hội nghị, hội thảo, mà phải công bố công khai, niêm yết ít nhất 15 ngày. Trong Luật cần ghi rõ là thông tin quy hoạch phải được công bố thông tin liên tục trên cổng thông tin, để cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận”, đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý.

Tránh can thiệp vào quy hoạch...

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đề cập đến nội dung khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia tài trợ cho quy hoạch. Theo đại biểu, nhìn chung các chính sách xã hội hóa huy động các nguồn lực tài trợ cho các hoạt động của Nhà nước góp phần làm giảm gánh nặng của ngân sách chi cho các hoạt động này.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) băn khoăn về quy định tài trợ cho quy hoạch. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) băn khoăn về quy định tài trợ cho quy hoạch. Ảnh: Quốc hội.

Điều 12 dự thảo Luật nêu ra có vẻ khá chặt chẽ, nguồn lực hỗ trợ cho quy hoạch không được tài trợ trực tiếp cho các tổ chức tư vấn lập quy hoạch, để đảm bảo công tác tài trợ không làm tác động gì đến chất lượng của quy hoạch, can thiệp sâu vào quy hoạch làm giảm chất lượng quy hoạch.

“Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, việc tài trợ cho quy hoạch là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư tác động vào, làm cho quy hoạch bị “lái” theo lợi ích của nhà đầu tư, làm giảm lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Thực tế các địa phương trong thời gian vừa qua, đặc biệt ở phần quy hoạch chi tiết hầu như chỉ trông chờ vào các nhà tài trợ mà không chịu dành kinh phí cho quy hoạch chi tiết, chỉ cố gắng đi huy động các nhà tài trợ và các nhà tài trợ lại chủ yếu là các nhà đầu tư mà sau này sẽ có các dự án ở trong các quy hoạch chi tiết”, đại biểu phản ánh.

Cho biết chưa có số liệu chính xác nhưng đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định, qua khảo sát thì phần lớn các quy hoạch chi tiết dùng ngân sách của tài trợ và gần như những nhà tài trợ nào tài trợ cho các dự án quy hoạch chi tiết thì sau này có các dự án trúng được đấu thầu ở trong quy hoạch đó.

Đây là vấn đề đặt ra, có khả năng thông qua hoạt động tài trợ mà các nhà đầu tư đã can thiệp vào quy hoạch, làm mất đi tính khách quan, làm giảm lợi ích của cộng đồng trong xây dựng các quy hoạch. Ngoài ra, còn có tình trạng các nhà thầu nhìn nhau, khi nhà thầu này đã tài trợ dự án cho quy hoạch này thì các nhà thầu khác tránh ra, không tham gia đấu thầu nữa...

Từ phân tích này, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, để ngăn ngừa việc lợi dụng hình thức tài trợ này để tác động vào quy hoạch, cần quy định chặt chẽ và thậm chí cấm việc tài trợ cho công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết các dự án đô thị.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về quy hoạch không gian ngầm, trong dự thảo Luật có quy định riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương phải lập riêng quy hoạch không gian ngầm. Các đô thị khác như thành phố thuộc tỉnh hay thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hay cho thị xã... từ đô thị loại 3 trở lên cũng có yêu cầu lập quy hoạch không gian ngầm, định hướng không gian ngầm nhưng được lồng ghép trong quy hoạch chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tai-tro-cho-lap-quy-hoach-quy-dinh-chat-che-de-tranh-loi-dung-176087.html