Tài trợ không hoàn lại cho các sáng kiến phát triển nông nghiệp bền vững
Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) vừa công bố chương trình tài trợ không hoàn lại cho Công ty CP Phúc Sinh (Phuc Sinh Corporation) nhằm hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững và ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) của công ty trong chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu cà phê.
Theo đó, DFCD đã giải ngân cho Phúc Sinh một khoản đầu tư không hoàn lại trị giá 575.000 euro (tương đương 16 tỷ đồng), bao gồm 75% tiền mặt và các hỗ trợ về kỹ thuật. Đây là khoản tài trợ lớn nhất với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay mà tổ chức này dành cho một công ty tại Việt Nam.
Ông Albert Bokkestijn, Quản lý Dự án SNV-DFCD cho biết, ngày nay, biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, để ứng phó và giảm thiểu các tác động tiêu cực, cần sự hành động khẩn cấp từ cả khu vực công và tư nhân. Trong đó, DFCD là sáng kiến của Chính phủ Hà Lan với ngân sách 160 triệu euro sẽ tài trợ cho các doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu nhằm tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực chính mà DFCD tập trung là nước sạch, vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và nông nghiệp bền vững.
Theo ông Albert Bokkestijn, các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nông dân trồng cà phê ở đây bao gồm cả những nhóm người dân tộc thiểu số hầu như chưa được chuẩn bị gì để ứng phó với các hậu quả. Phúc Sinh là một trong những doanh nghiệp tư nhân chế biến, xuất khẩu cà phê lớn của cả nước, cũng là đơn vị tiên phong trong việc đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA) tại Việt Nam.
Việc Phúc Sinh liên kết trực tiếp với nông dân để xây dựng chuỗi cung ứng và hỗ trợ họ tuân thủ biện pháp quản lý theo yêu cầu của RA những năm qua đã giúp tăng khả năng phục hồi của nông dân trước biến đổi khí hậu và thị trường. Phúc Sinh cũng chứng minh rằng công ty có các giá trị và là một thương hiệu cà phê thống lĩnh với sản phẩm đạt chứng nhận ESG, bền vững tại Việt Nam.
“Khoản tài trợ ban đầu của DFCD được thiết kế để giảm rủi ro cho mô hình kinh doanh của Phúc Sinh, từ đó tăng cường sức hấp dẫn của dự án đối với những nhà tài trợ tiềm năng. Mục tiêu xa hơn là giới thiệu Phúc Sinh với các đối tác của DFCD để tiếp tục đầu tư trong tương lai. Sáng kiến này sẽ góp phần đạt được những tác động có thể mở rộng đối với đa dạng sinh học, thích ứng với khí hậu và hòa nhập xã hội”, ông Albert Bokkestijn thông tin thêm.
Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ, khoản tài trợ từ DFCD không chỉ mang ý nghĩa về mặt tài chính mà còn là sự công nhận từ một tổ chức quốc tế đối với nỗ lực của doanh nghiệp trong việc duy trì song hành nhiệm vụ kinh tế với bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội. Tài trợ này sẽ giúp Phúc Sinh tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững, bao gồm hoạt động chống phá rừng và những sáng kiến rộng hơn liên quan đến ESG.
Theo đó, từ nguồn tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của DFCD, Phúc Sinh sẽ mở rộng số lượng hộ dân tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận phát triển bền vững. Đầu tư vào chương trình đào tạo mở rộng cho nông dân và cán bộ, nhân viên của Phúc Sinh, giúp họ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất bền vững, cải thiện kỹ năng và nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn ESG.
Song song đó, Phúc Sinh cũng xây dựng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sự minh bạch và tính toàn vẹn trong chuỗi cung ứng. Tuân thủ Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) duy trì dòng chảy thương mại nông sản bền vững, đảm bảo sinh kế cho người nông dân trồng trọt.
Trước đó, giữa tháng 8/2024, Phúc Sinh cũng đã được Quỹ Đầu tư & GREEN (Hà Lan) giải ngân khoản đầu tư 25 triệu USD để thúc đẩy quá trình chuyển đổi chuỗi giá trị cà phê bền vững không tàn phá rừng. Ông Phan Minh Thông cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, việc Phúc Sinh nhận được 2 khoản tài trợ lớn từ các quỹ quốc tế cho thấy các quỹ đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm và đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện sáng kiến về môi trường và xã hội. Đồng thời, góp phần truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác trong ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục kiên định với chiến lược phát triển chuỗi giá trị bền vững.