Tài xế gây tai nạn liên hoàn khiến nhiều người bị thương ở Hà Nội đối diện hình phạt thế nào?
Theo luật sư, tỷ lệ thương tật, số lượng người tử vong, giá trị tài sản thiệt hại sẽ là căn cứ xác định hình phạt cho người lái xe gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Võ Chí Công - Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 16h ngày 5/4, ôtô mang biển kiểm soát 29A-083.12 do tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, trú phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) điều khiển va chạm liên hoàn với một số xe máy.
Theo cơ quan công an, ô tô này đã va chạm với 17 xe máy tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La. 18 người bị thương (2 người tiên lượng nặng) đã được đưa đi cấp cứu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Qua kiểm tra, tài xế không có nồng độ cồn, âm tính với chất ma túy. Nguyên nhân vụ việc được xác định, tài xế ô tô khi đang di chuyển thì đạp nhầm chân phanh thành chân ga khiến vụ tai nạn xảy ra.
Với việc gây ra thiệt hại về sức khỏe và tài sản của người khác, tài xế này phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị cho rằng, đây là vụ việc thương tâm, gây thiệt hại lớn về sức khỏe con người và tài sản. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo hậu quả tỷ lệ thương tật, số lượng người tử vong, giá trị tài sản thiệt hại định khung, xác định hình phạt cho người lái xe.
"Tội Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ theo điều 260 của Bộ luật hình sự được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý. Lỗi vô ý của người phạm tội thể hiện ở sự quá tự tin hoặc do cẩu thả cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Theo lời khai ban đầu của lái xe nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do đạp nhầm chân ga, dẫn tới không kiểm soát tốc độ khiến xe lao vào nhóm người đang tham gia giao thông. Nguyên nhân này thể hiện lái xe có lỗi vô ý khi không kiểm soát được phương tiện mình điều khiển trong lúc tham gia giao thông", Luật sư Quách Thành Lực phân tích.
Ngoài ra, trong trường hợp này người lái xe cũng không làm đúng quy định tại điều 24 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về quy tắc nhường đường tại nơi giao nhau. Cụ thể, khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định.
Về mặt chủ quan, lỗi trong hành động của người lái xe thỏa mãn cấu thành của tội Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Với hậu quả 18 người bị thương, có người tiên lượng xấu, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ căn cứ theo hậu quả tỷ lệ thương tật, số lượng người tử vong, giá trị tài sản thiệt hại định khung, xác định hình phạt tù cho người lái xe. Nếu tổng tỷ lệ thương tật lên tới 201% trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ trở lên người lái xe có thể phải đối diện với hình phạt tù lên tới 15 năm.
Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, người lái xe còn phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần, sức khỏe, chi phí khám chữa bệnh, thu nhập bị giảm sút cho người bị hại.