Tài xế, tiếp viên lấy xe buýt làm nhà suốt 4 tháng dịch ở TP.HCM
Buổi tối, anh Cương ngủ được nhờ chiếc quạt xin nối điện từ quán cơm. Nhưng ban ngày, anh phải ra ngoài tìm bóng cây mát vì không thể chịu nổi cái nóng và sự ngột ngạt trong xe.
Mắc kẹt ở bãi xe buýt Đại học quốc gia TP.HCM hơn 4 tháng qua, anh Trương Tuấn Cương (53 tuổi, tài xế) đã cạn sạch tiền. Mấy hôm nay, anh và một số đồng nghiệp khác xin được công việc làm phụ hồ ở ĐH Nông Lâm, cách bãi xe 10 phút đi xe máy.
Hơn 11h30, kết thúc ca làm sáng, anh tranh thủ về ăn trưa. Vừa ngồi nghỉ, anh vừa tâm sự với phóng viên về khoảng thời gian khó khăn trong những ngày dịch bệnh.
"Tôi từng có hơn 20 năm làm lái xe du lịch ở Hà Nội, đến năm 2016 chuyển về quê Nha Trang. Năm ngoái, dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng băng, tôi một mình vào đây xin làm tài xế xe buýt. Nhưng không ngờ phải nằm im suốt nửa năm vì giãn cách, đời sống mọi người ở đây đều quá khó khăn", anh nói với Zing.
Thời gian phong tỏa, anh Cương tự cách ly trên chiếc xe mình phụ trách. Mọi sinh hoạt, nghỉ ngơi, nấu nướng đều diễn ra ở đó.
Ban đêm, anh nằm ngủ trên võng, có thêm chiếc quạt máy xin nối điện từ quán cơm gần đó. Ban ngày, anh phải ra ngoài tìm bóng cây mát để nằm vì không thể chịu nổi cái nóng và sự ngột ngạt trong xe.
Không riêng anh Cương gặp khó khăn, hiện có khoảng 50 tài xế, tiếp viên xe buýt bị mắc kẹt lại bãi xe vì dịch, trong đó 4 người đang là F0. Khu trọ trong bãi có 14 người đang sinh sống, những người khác không lo nổi chi phí nên đành tá túc ngay trên xe.
Lấy xe buýt làm nhà
Anh Cương dẫn phóng viên đi "tham quan" ngôi nhà đặc biệt của mình. Người đàn ông 53 tuổi chỉ vào thùng mì chỉ còn sót lại một gói trên dãy ghế, kể đã ăn hết 2 thùng như vậy vì phong tỏa không thể mua đồ ăn.
"Từ hôm lệnh giãn cách được nới lỏng, tôi mới bắt đầu ăn ở quán cơm ngay trong bãi xe này. Nhưng làm gì còn tiền nên cả tháng nay tôi ăn chịu, may chị chủ quán tốt bụng, cũng thông cảm nên chưa đòi tiền", anh kể.
Dù khó khăn về tiền bạc, chưa biết lúc nào được chạy xe buýt trở lại, anh Cương cảm thấy may mắn khi mắc kẹt ở bãi xe chứ không phải một nhà trọ tù túng nào đó. Ở đây, anh có không gian để đi lại, cách ly hoàn toàn với bên ngoài và có những người đồng nghiệp tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ.
Hồi cuối tháng 9, anh Cương xin làm lái xe chở công nhân ở Khu Công nghệ cao. Nhưng vừa cách ly xong, bắt đầu làm được 7 ngày thì phải nghỉ, anh cũng chưa nhận được tiền công.
"Vợ tôi mất đã lâu, 2 đứa con trai lớn đều làm sĩ quan quân đội ở Nha Trang, con gái út cũng đã lập gia đình. Mấy đứa con lo lắng khi tôi ở tâm dịch, liên tục gọi điện hỏi han, bảo gửi tiền cho nhưng tôi không nhận. Tính tôi vậy, vẫn tự lo được thì chẳng muốn phiền tới các con".
Anh Mai Thái Cường (52 tuổi, tiếp viên xe buýt) cũng xin làm phụ hồ cùng chỗ với anh Cương. “Đến nay tôi mới đi làm được hai bữa. Có việc thì mừng quá nên cũng chưa hỏi kỹ xem tiền công được bao nhiêu với khi nào được trả”.
Mỗi ngày, anh Cường cùng một lơ xe khác trong bãi lại chở nhau đi từ lúc 6-7h. Tranh thủ 2 tiếng nghỉ trưa, anh về lại bãi kiếm gì đó ăn tạm, chợp mắt một chút rồi quay lại chỗ làm lúc 13h.
Suốt 4 tháng mắc kẹt lại bãi xe buýt, anh lấy xe làm nhà, phải ăn mì gói và trứng nhiều đến mức giờ chỉ cần nghe đến thôi đã nổi da gà.
“May mắn là giờ quán xá được mở bán mang về nên không còn phải ăn mì gói nữa. Đợt này, tôi cũng được ăn nhờ bữa trưa của một cặp vợ chồng ở xe kế bên”.
Hai năm trước, anh Cường một mình từ Hà Nội vào TP.HCM tìm kế mưu sinh rồi gắn bó với nghề tiếp viên xe buýt.
“Lúc trước nghe người ta bảo Sài Gòn dễ sống hơn nên vào kiếm cơ hội. Nhưng sau hai năm dịch dã, thực sự tôi chẳng thấy gì ngoài việc ngày càng vô cảm với mọi thứ”.
Tiếp viên 52 tuổi nói trước dịch, phần lớn thời gian anh cũng chỉ ở trên xe buýt. Ngày thường, công việc kéo dài từ 5h đến 21h, thời gian ăn, ngủ, tắm rửa còn thiếu nên anh cũng chẳng đi đâu, tiếp xúc với ai.
“Sài Gòn với tôi quanh đi quẩn lại chỉ là mấy bãi xe và hình ảnh phản chiếu trên cửa kính xe buýt. Công việc này như một bản nhạc được lập trình sẵn, cứ chạy hết bài thì chạy lại, lặp lại ngày này qua ngày khác, không có gì mới hơn. Đêm nay chưa nhắm mắt ngủ đã biết sáng mai mình sẽ làm gì, tháng sau mình làm gì”.
Anh Cường cho biết những đợt dịch trước còn kịp về với gia đình ở quê. Nhưng đợt dịch này đột ngột và kéo dài quá nên phải chịu cảnh mắc kẹt.
“Tôi tha phương xác định là để kiếm tiền nên khó khăn, khổ cực thế nào cũng chịu được, chỉ mong sao có công việc, có thu nhập. Nhưng giờ đây, những thứ đó cũng trở nên xa xỉ”.
Cùng nhau vượt khó
Làm tài xế xe buýt gần 4 năm nay, đây là lần đầu anh Trần Thái Dương (33 tuổi, quê Đồng Tháp) trải qua giai đoạn khó khăn như đợt dịch lần này. Ngày 20/6, đột ngột nhận được tin ngừng mọi hoạt động vận tải, vợ chồng anh và nhiều người khác không kịp về quê.
"Sau hơn 4 tháng, số tiền tích góp bấy lâu của chúng tôi cũng đã tiêu hết. Tôi còn một con trai 15 tuổi và bé gái 6 tuổi đang gửi bà nội chăm ở quê. Ngày trước còn đi làm thì có nhiều tiền gửi về, nhưng giờ chỉ có thể gửi ít, cầm chừng cho qua dịch. Giai đoạn này, vợ chồng tôi hạn chế mọi chi tiêu, chỉ lo ăn uống thôi".
Ban đầu, anh nghĩ chắc khoảng một tháng sẽ dập được dịch như những đợt trước, không ngờ lần này dịch bùng phát quá mạnh. Mỗi khi người thân gọi điện hỏi han, anh không dám kể những nỗi vất vả, nguy hiểm vì sợ ở nhà lo lắng.
Nghỉ không lương, anh và mọi người được xí nghiệp hỗ trợ 1 triệu đồng, một số mạnh thường quân thỉnh thoảng tới tặng gạo, mì, nhu yếu phẩm. Mọi người còn tự trồng thêm rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn.
"May mắn mọi người ở đây rất đoàn kết, nương nhau mà sống, ai có điều kiện một chút thì giúp những người khó khăn hơn. Tôi và nhiều anh em sống trong khu trọ ở bãi xe này, nhưng chủ nhà cũng không ở đây nên chưa biết sau dịch họ tới có được giảm tiền thuê không".
Ngày 1/10, anh Nguyễn Thành Trung (46 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) về lại bãi để xem xét, bảo dưỡng xe. “Xe cũng giống như cơ thể con người vậy, 4 tháng nằm im thì hư hết. Hiện tại, nhiều chiếc xe ở bến đã bị hư lốp, bình và vỏ xe. Nếu muốn chạy lại thì phải sửa chữa nhiều thứ lắm”, anh Trung nói khi đang xem xét lại chiếc xe của mình.
Với những chủ xe, tài xế góp tiền để mua xe của hợp tác xã như anh Trung, chi phí sửa xe sau dịch là một gánh nặng rất hơn. “Chưa được chạy lại nhưng tôi tính sơ một cặp bình cũng hết 4-5 triệu, thay luôn vỏ xe thì cũng hơn 15 triệu đồng”.
Sau khi bãi xe phát hiện có 4 F0, anh Trung cũng bị kẹt lại đây. “Vì nhà có người già và trẻ nhỏ nên tôi không dám về, phải ở đây tự cách ly trên xe hơn 2 tuần nay để theo dõi sức khỏe và chờ kết quả xét nghiệm lần 3”.
Tài xế 46 tuổi bắt đầu chạy xe buýt từ năm 2010. Trong suốt thời gian theo nghề, anh chưa bao giờ trải qua giai đoạn khó khăn như hiện tại. Anh Trung cho hay gia đình mình có 9 người, gồm cha mẹ nội ngoại, vợ chồng anh và 3 đứa con.
“Nếu so với anh em tài xế, lơ xe thuê, tôi không khổ bằng đâu. Nhưng là lao động chính trong nhà mà đợt này không đi làm được, kinh tế gia đình cũng lao đao theo. Chúng tôi sống bằng khoản tiền dành dụm trước dịch nhưng giờ cũng không cầm cự thêm được nữa, chỉ mong xe buýt sớm được hoạt động trở lại”.
Ông Nguyễn Vĩnh Tùng (Quản lý bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết đầu mùa dịch, hợp tác xã Vận tải Quyết Thắng hỗ trợ cho mỗi tài xế tiếp viên 1 triệu đồng.
"Tuy nhiên, suốt nhiều tháng xe không chạy được, mọi người mất thu nhập nên rất khó khăn. Sau khi địa phương dần mở cửa trở lại, một số anh em bắt đầu kiếm được việc làm trái nghề, công việc thời vụ”.
Ông Tùng cho hay hiện đa số tài xế, tiếp viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, trừ 2 người tiêm một mũi vì trước đó gặp một vài vấn đề sức khỏe.
“Nếu bây giờ được phép chạy lại thì về nhân lực, chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng. Tuy nhiên, bến xe nằm trên địa phận giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM, mà chỉ thị của hai địa phương là khác nhau và một số chốt chặn trong khu vực vẫn chưa mở, nên nếu chạy thì cũng tùy theo tuyến và chỉ mới dám khai thác nhỏ giọt để xem xét tình hình”.