Tài xế Trung Quốc: 'Chúng tôi như bán mạng để giao hàng'
Các nhân viên giao hàng Trung Quốc gần như bị vắt kiệt sức lao động. Khi nhu cầu giao hàng bùng nổ, tài sản của nhiều tập đoàn phình to, thu nhập của các tài xế ngày càng ít đi.
Anh Li Xaoliang, 31 tuổi, là một người đàn ông gầy gò, rám nắng. Suốt 10 năm qua, anh đã rong ruổi khắp đường phố Thượng Hải trên chiếc xe đạp điện để chuyển bưu kiện cho các công ty hậu cần.
Trong ngành công nghiệp non trẻ với số lượng lớn nhân sự, anh Li đã trở thành một "tay lão làng". Chỉ cần một chiếc xe và điện thoại thông minh, hầu như ai cũng có thể trở thành tài xế giao hàng.
Theo Nikkei Asian Review, anh Li và đồng nghiệp đã trở thành một đặc trưng của các thành phố trên khắp Trung Quốc. Vị trí tuyển dụng gần như chẳng bao giờ thiếu.
Đối với nhiều người như anh Li, nghề giao hàng là một con đường để thoát cảnh đói nghèo ở nông thôn. Anh sinh ra tại thành phố Vu Hồ, thuộc tỉnh An Huy, cách Thượng Hải khoảng 280 km. Anh Li là một trong hàng triệu lao động di cư từ các vùng nông thôn đã và đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
"Bán mạng làm việc"
Khi ngành công nghiệp thương mại điện tử và giao đồ ăn phát triển mạnh, những nhân viên giao hàng gần như có mặt ở mọi ngóc ngách tại các thành phố Trung Quốc. Nhưng giờ đây, công việc đó ngày càng vất vả và cạnh tranh.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12/2020 với Nikkei Asian Review, anh Li tỏ ra chẳng mấy mệt mỏi dù bắt đầu làm việc từ 7h30 sáng. "Một ngày làm việc thường kéo dài đến 9h tối", anh kể.
Áp lực công việc đối với các nhân viên giao hàng rất lớn, chủ yếu do nhu cầu bùng nổ vì lệnh giãn cách xã hội trong thời kỳ đại dịch. Thu nhập tăng lên, nhưng số giờ làm việc còn tăng nhiều hơn. Không ít người than thở rằng họ thực chất kiếm được ít tiền hơn trên mỗi chuyến giao hàng.
"Khối lượng công việc của nhân viên giao hàng đang tăng lên, trong khi thu nhập của họ giảm", chuyên gia Aidan Chau tại tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin (Hong Kong) bình luận.
Theo Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc, riêng trong năm 2020, lĩnh vực chuyển phát nhanh đã chuyển phát 83,36 tỷ bưu kiện, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Trong những giờ cao điểm, chúng tôi lái xe bằng một tay, tay còn lại bấm điện thoại nhận các đơn hàng đến", một nhân viên giao đồ ăn đã nghỉ việc kể lại. "Các cuộc gọi cứ thế nối đuôi nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang 'bán mạng' để giao hàng", người này chia sẻ.
Người giao hàng gần như bị vắt kiệt sức lao động. Gần đây, nhiều bi kịch đã được lan truyền trên mạng xã hội. Tất cả phơi bày mối quan hệ pháp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Thông thường, người lao động ký hợp đồng với bên thứ ba. Nên họ gần như không có mối quan hệ nào với các công ty làm giàu từ sức lao động của bản thân.
Vắt kiệt sức lao động
Cái chết hồi tháng 12 của một tài xế họ Han ở Bắc Kinh đã tạo làn sóng phản ứng dữ dội sau khi công ty Ele.me đề nghị bồi thường chỉ 2.000 NDT (308 USD).
Trước áp lực ngày càng gia tăng từ dư luận, cuối cùng, Ele.me - được chống lưng bởi gã khổng lồ Alibaba - phải xin lỗi gia đình nạn nhân. Họ viện lý do truyền đạt kém giữa bên thứ ba và gia đình tang quyến, đồng thời nâng số tiền bồi thường lên 60.000 NDT (9.263 USD) và khẳng định "sẽ làm việc một cách cẩn trọng để giải quyết các vấn đề sót lại".
Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Tháng này, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó, một tài xế Ele.me đã tự thiêu và được người qua đường ở tỉnh Giang Tô cứu kịp thời. Người này tên Liu Jin, khoảng 40 tuổi, là lao động nhập cư từ vùng nông thôn tỉnh Vân Nam.
Nguyên nhân dẫn đến hành động này là vấn đề tiền lương chưa được giải quyết. Ele.me khẳng định họ có nguyên tắc cấm đối tác nợ lương người lao động và đang điều tra trường hợp này.
Các cuộc đình công quy mô lớn hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc, bởi nước này cấm những liên đoàn lao động. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được các công nhân đăng tải những vụ lạm dụng nơi làm việc lên mạng xã hội.
Hồi tháng 11/2020, blog video Miaowen đã đăng tải câu chuyện một nhân viên giao đồ ăn chỉ được trả 0,8 NDT (0,124 USD) cho 17 ngày làm việc. Công ty cho biết người này bị cắt giảm lương vì nhận được 22 khiếu nại từ khách hàng.
Anh Li và 10 đồng nghiệp khác ở đại lý giao hàng gần như không được nghỉ trừ dịp Tết Nguyên đán. Động lực lớn nhất của anh là thu nhập. Anh Li nhận khoảng 5 NDT (0,8 USD) mỗi bưu kiện.
Trung bình, một nhân viên chuyển phát nhanh dày dặn kinh nghiệm như anh Li chuyển được 120 bưu kiện mỗi ngày, kiếm khoảng 600 NDT (92,63 USD). "Chúng tôi thấy tiền tăng lên khi nhìn vào ứng dụng trên điện thoại thông minh. Điều đó tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục", anh chia sẻ.