Tài xế xe công nghệ: Hết thời 'vàng son'
Nhiều người lao động từng chọn xe ôm công nghệ làm công việc chính với nguồn thu nhập được xem là ổn định.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mức chiết khấu từ hãng xe tăng cao cùng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường khiến tài xế xe công nghệ gặp không ít khó khăn.
Cạnh tranh gay gắt
Cách đây vài năm, nghề xe ôm công nghệ từng một thời “gây bão” khi sự xuất hiện của các ứng dụng đặt xe thông minh tại Việt Nam mang đến luồng gió mới thay vì xe ôm truyền thống với nhiều hạn chế. Thời điểm đó, nhiều tài xế xe công nghệ có mức thu nhập đều đặn, thậm chí cao hơn cả dân văn phòng.
Đến năm 2023, ghi nhận làn sóng sa thải của hàng loạt doanh nghiệp, thị trường việc làm trở nên khó khăn, nhiều người lao động không có việc làm đã “đổ xô” đi chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh. Điều này đã gây nên tình trạng số lượng tài xế tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc nhiều doanh nghiệp gia nhập đường đua cũng khiến cuộc cạnh tranh trong thị trường này trở nên ngày càng gay gắt.
Chị Nguyễn Hà Phương (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường chọn xe ôm công nghệ làm phương tiện di chuyển cho biết, hiện nay có nhiều hãng xe nên khách hàng như chị cũng có nhiều sự lựa chọn. Theo chị Hà Phương, mỗi ngày chị đặt xe từ nhà đến cơ quan, giá cước trung bình khoảng 20 nghìn đồng cho quãng đường gần 2 cây số.
Tuy nhiên, chị Phương không ưu tiên một hãng xe công nghệ nào mà thường so sánh giá, áp dụng các ưu đãi, mã giảm giá sau đó chọn hãng có mức phí cuối cùng thấp nhất để đặt xe. Thường xuyên đi xe công nghệ, chị Phương đã nắm được quy luật hãng nào thường tăng giá cước vào giờ cao điểm, hãng nào tăng giá cước khi thời tiết xấu, hãng nào có nhiều mã giảm giá, đổi điểm thưởng, nhờ đó chị có thể đưa ra lựa chọn hợp lý để tối ưu chi phí.
Có thể thấy, đi đôi với việc khách hàng có nhiều sự lựa chọn là việc các tài xế xe công nghệ phải chật vật cạnh tranh để có được cuốc xe. Từng từ bỏ việc làm công nhân để đi chạy xe ôm công nghệ, anh Nguyễn Văn Hoài (36 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, hiện tại khó khăn để kiếm sống bằng nghề chạy xe. Trước đây, anh Hoài vui vì thấy xe ôm công nghệ là một nghề đem lại khoản thu nhập tương đối ổn định. Trung bình số tiền anh kiếm được từ việc chạy xe là 12 - 14 triệu đồng mỗi tháng, tính chất công việc khá tự do và linh hoạt về thời gian.
“Thế nhưng, thời gian gần đây đi ngoài đường đâu đâu cũng bắt gặp tài xế công nghệ. Tài xế nhiều dẫn đến cạnh tranh gay gắt, số lượng cuốc xe ít đi thế nên tôi phải tăng thời gian làm việc lên mới đủ thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu như trước đây mỗi ngày làm việc khoảng 10 tiếng là tôi kiếm được 700 – 800 nghìn đồng thì hiện tại, dù đã “tăng tốc” làm thêm 2, 3 giờ nữa thì số tiền cuối ngày tôi thu về sau khi trừ các chi phí xăng xe, ăn uống cũng chỉ khoảng một nửa so với mức thu nhập trước đây” - anh Hoài buồn bã chia sẻ.
Nhiều tài xế công nghệ bỏ nghề
Ngoài ra, nhiều tài xế cho biết, bên cạnh việc lực lượng xe ôm công nghệ gia tăng thì việc các ứng dụng đặt xe thu chiết khấu của tài xế ngày càng cao cũng là lý do quan trọng khiến thu nhập của họ dần trở nên “eo hẹp”. Được biết, mức chiết khấu của các hãng hiện nay dao động từ 30 – 40%, tăng mạnh so với trước đây. Việc tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe với các lao động chạy xe công nghệ cũng đã nhiều lần gây nên “làn sóng” phẫn nộ từ phía các tài xế.
Đã từng có 8 năm kinh nghiệm lái xe chuyên nghiệp, tài xế Nguyễn Ngọc Tuyên (50 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã quyết định bỏ nghề, tìm việc làm mới vào đầu năm 2024. Ông Tuyên chia sẻ: “Tôi đã từng lái xe thuê cho công ty, lái taxi thuê, cuối cùng thuê xe tự chạy xe công nghệ. Chưa lúc nào tôi cảm thấy nghề tài xế khó khăn như hiện nay, chiết khấu cho hãng cao, lượng khách hàng không ổn định. Tôi chọn giờ chạy từ buổi tối đến sáng để tránh kẹt xe, giá cước cũng cao hơn. Nhưng làm bao nhiêu cũng không dư được đồng nào, trừ hết tiền thuê xe, tiền xăng, tiền ăn uống thì mỗi tháng chỉ vừa đủ sinh hoạt chứ không dư dả được chút nào”.
Ông Tuyên buồn bã cho biết, có những ngày ốm đau nhưng nghĩ đến sinh hoạt phí của cả nhà và tiền thuê xe hàng tháng, ông cũng không dám nghỉ ngơi. Hiện nay, ông Tuyên không còn tiếp tục làm đối tác cho hãng xe công nghệ mà chuyển hướng xin làm lái xe hợp đồng cho một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội.
“Tôi cũng đã có tuổi, sức khỏe yếu dần đi nên không thể coi việc chạy xe công nghệ là nghề chính được nữa. Với khoản thu nhập ổn định từ công việc hiện tại, tôi chỉ làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 nên có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe và chăm lo cho gia đình. Thêm vào đó hiện tại tôi không còn ‘nặng gánh’ với khoản tiền thuê xe hàng tháng”, ông Tuyên cho hay.
Hiện nay, các ứng dụng đặt xe đều có chính sách thưởng để khuyến khích khi các tài xế chạy chăm chỉ, đạt được mốc chỉ tiêu. Tuy nhiên, để đạt được các mức thưởng này tương đối khó, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, công sức. Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, nhiều xế phải nghỉ chạy vì sợ lỗ. Nhiều ý kiến cho rằng, các công ty quản lý ứng dụng cần chia sẻ với tài xế và cả hành khách, người dùng dịch vụ trong thời gian này bằng những chính sách cụ thể như giảm mức chiết khấu đối với tài xế.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trẻ cần cẩn trọng trong việc lựa chọn việc làm, tránh mắc bẫy thu nhập mà lựa chọn công việc không đòi hỏi kiến thức hay kỹ năng. Đáng nói, với sự cạnh tranh trong thị trường việc làm ngày càng cao, mục tiêu lâu dài trong nghề nghiệp cần được xác định rõ.
Hiện tại, có khá nhiều người đã bỏ nghề xe ôm công nghệ và tìm kiếm công việc đúng với ngành nghề được đào tạo. Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, người lao động muốn gia tăng thu nhập, cần tập trung nâng cao giá trị bản thân, không ngừng học hỏi. Điều này sẽ tạo cơ hội phát triển, tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tai-xe-xe-cong-nghe-het-thoi-vang-son-post675264.html