Taiki Mori: Chàng trai Nhật Bản khởi nghiệp vì tình yêu với đồ ăn Việt
Taiki Mori là người con của xứ sở mặt trời mọc. Anh có tình yêu sâu sắc với Việt Nam nói chung và đồ ăn Việt nói riêng. Nhà sáng lập trẻ này tin rằng, Việt Nam là bệ phóng tốt để đưa Capichi vươn ra khu vực và thế giới.
Việt Nam là môi trường tốt để khởi nghiệp
Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng và khởi nghiệp tại một quốc gia xa lạ, hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa lại càng khó khăn bội phần, nhưng Taiki Mori đã làm được điều đó. Anh đã khởi nghiệp thành công với ứng dụng giao đồ ăn Capichi tại “quê hương thứ hai” - Việt Nam.
Thời còn đi học, Taiki Mori từng làm thêm tại một nhà hàng Nhật Bản. Nhờ đó, chàng trai sinh năm 1997 có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn bè, đồng nghiệp là người Việt Nam sang Nhật Bản học tập, làm việc. Cảm mến người Việt vì những đức tính như tốt bụng, thật thà, chăm chỉ..., Taiki Mori dần quan tâm đến Việt Nam hơn.
Tháng 10/2017, khi đang là sinh viên đại học năm thứ 3, Taiki Mori tìm thấy công việc thực tập tại một công ty công nghệ ở Hà Nội và chuyển sang Việt Nam sinh sống. Ban đầu, anh chỉ dự định ở Việt Nam khoảng 1 năm, nhưng sau đó, càng gắn bó với dải đất hình chữ S, chàng trai người Nhật Bản càng yêu mến con người, đất nước và đặc biệt là đồ ăn Việt Nam.
Taiki Mori chia sẻ, anh rất yêu thích món rau muống của Việt Nam. Từ rau muống xào tỏi, rau muống luộc, đến canh rau muống, anh đều thấy rất ngon miệng và hợp khẩu vị.
“Tôi yêu Việt Nam”
Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Taiki Mori khẳng định, Việt Nam chính là quê hương thứ hai của mình. Nơi đây đã cho anh được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, được gặp gỡ những người bạn, người đồng nghiệp tin cậy, tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ anh bất kỳ lúc nào.
Taiki Mori luôn biết ơn vì dải đất hình chữ S đã giúp anh có cơ hội để thử sức, phát triển bản thân và gặt hái những thành công nhất định.
“Việt Nam làm cuộc đời của tôi đẹp hơn, vui hơn và hạnh phúc hơn. Cảm ơn Việt Nam nhiều. Tôi yêu Việt Nam!”, CEO Capichi nói.
“Món Việt Nam rất ngon và dễ ăn, duy chỉ có mắm tôm là khó ăn đối với tôi. Con người Việt Nam cũng thân thiện. Khi vừa bỡ ngỡ sang đây, tôi đã được giúp đỡ rất nhiều. Nhờ vậy, tôi hòa nhập nhanh và có ấn tượng tốt đẹp, nên quyết định sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này”, Taiki Mori bộc bạch.
Với Taiki Mori, Việt Nam không chỉ là quốc gia thân thiện, mà còn là môi trường tốt để khởi nghiệp, bởi thị trường còn nhiều cơ hội, đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin trong nước rất tài năng và chi phí khởi nghiệp tại Việt Nam lại không quá cao. Đây cũng là lý do Taiki Mori thành lập Capichi Việt Nam, cung cấp ứng dụng chuyên đặt món và giao đồ ăn cao cấp.
Nhà sáng lập Capichi chia sẻ, anh nhận thấy, trong giai đoạn Covid-19, nhu cầu cầu đặt và giao đồ ăn tại nhà tăng cao. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng, quán ăn chưa kịp thích ứng với xu hướng mới này, trong khi một bộ phận khách hàng cũng không quen gọi đồ ăn trên ứng dụng, từ đó phát sinh nhiều nhầm lẫn, sự cố giữa hai bên.
Với mong muốn hỗ trợ cả người dùng và các quán ăn, nhà hàng, trong năm 2020, Taiki Mori đã nhanh chóng phát triển hệ thống Capichi, cho phép người dùng dễ dàng đặt và nhận đồ ăn online. Từ khi ra đời đến nay, Capichi ghi nhận tổng cộng hơn 100.000 người dùng và có khoảng 1.200 đối tác hàng quán, cung cấp dịch vụ chủ yếu ở 4 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Bình Dương.
Từ Việt Nam vươn ra thế giới
So với các nền tảng khác trong mảng giao đồ ăn online, Capichi hướng tới thị trường ngách, “định vị” start-up là “trạm dừng chân” của những nhà hàng phân khúc trung và cao cấp. Bên cạnh đó, Capichi còn phát triển tính năng cho phép người dùng nhận xét, bình luận về món ăn bằng hình thức quay video, từ đó giúp những khách hàng sau này tránh được tình trạng hình món ăn thực tế khác với hình ảnh quảng cáo mà quán đăng tải.
Khởi nghiệp ở một vùng đất mới trong khi bản thân chỉ ngoài 20 tuổi, Taiki Mori cũng không tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Nhà sáng lập Capichi tiết lộ, rào cản lớn nhất khi chọn mở công ty tại Việt Nam là anh chưa thấu hiểu tính cách và suy nghĩ của người Việt, không biết người Việt muốn gì, có thói quen thế nào...
Để giải quyết vấn đề đó, Taiki Mori đã học thêm tiếng Việt. Anh nói chuyện với nhân viên bằng tiếng Việt nhiều hơn, vừa để hiểu nhân viên của mình hơn, vừa để nắm được văn hóa, sở thích, thói quen của con người nơi đây, qua đó tìm cách điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho phù hợp.
Từ chỗ chỉ được biết đến và yêu thích bởi cộng đồng người Nhật, giờ đây, số lượng người dùng ứng dụng Capichi là người Việt Nam và người nước ngoài đã tăng lên đáng kể.
Năm 2022, Capichi ra mắt thêm Capichi OI - ứng dụng quản lý đặt bàn dành cho các chủ nhà hàng, quán cà phê, quán bar…, đồng thời mở rộng mạng lưới, không chỉ hợp tác với các nhà hàng, quán ăn, mà còn với các cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm, nhu yếu phẩm, thực phẩm sạch, shop hoa…
Bằng các chương trình tích điểm mang lại lợi ích tối đa cho người dùng, ứng dụng ngày càng có chỗ đứng trong lòng khách hàng.
Taiki Mori tiết lộ, dù hiện tại chỉ cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, nhưng Capichi có kế hoạch mở rộng sang các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Indonesia. Nhà sáng lập tin rằng, tiềm năng và cơ hội tại môi trường khởi nghiệp Việt Nam sẽ giúp Capichi xây dựng nền tảng vững vàng, từ đó có thể vươn ra châu Á và thế giới.