Taliban lên nắm quyền Afghanistan: Trung Quốc-Ấn Độ chia sẻ 'nỗi niềm chung'
Liệu Trung Quốc và Ấn Độ có tận dụng khoảng trống quyền lực của Mỹ tại Afghanistan sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Kabul.
Đối với Ấn Độ, Afghanistan là mối gắn kết quan trọng trong khu vực, nơi có các tuyến đường thương mại, trung chuyển và năng lượng kết nối Ấn Độ với Trung Á đi qua.
Còn trong mắt Trung Quốc, có nhiều tiềm năng để phát triển thành một trung tâm thương mại trọng điểm của khu vực.
Tuy nhiên, những điều trên chỉ đúng khi quốc gia Tây Nam Á có tình hình chính trị ổn định và đủ cơ sở hạ tầng cần thiết.
Ấn Độ “thảng thốt"?
Vài năm trở lại đây, nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại giữa Nam và Trung Á, Ấn Độ đã rót ít nhất khoảng 1 tỷ USD vào dự án xây dựng nhà nước của Afghanistan, tài trợ cho các trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng.
Ấn Độ cũng đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng các thể chế dân chủ ở Afghanistan, cấp kinh phí thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ, xây dựng tòa nhà Quốc hội và hỗ trợ phát triển quy trình bầu cử.
Dấn ấn của Ấn Độ cũng thể hiện ở con đường Zaranj-Delaram ở Afghanistan, hay cảng Chabahar của Iran nhằm đối trọng với cảng Gwadar của Pakistan - nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng phần lớn hoạt động này được thực hiện nhờ vào lớp bảo vệ an ninh của quân đội Mỹ.
Điển hình là việc Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Ấn Độ vào Chabahar, bằng cách miễn cho cảng này khỏi các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ với Iran, dưới danh nghĩa nhằm "hỗ trợ tái thiết và phát triển Afghanistan".
Giờ đây, khi Mỹ rút quân và Taliban lên nắm quyền, liệu các khoản đầu tư của Ấn Độ vào nền dân chủ Afghanistan có bị lãng phí trong khi Ấn Độ cũng không còn đồng minh nào để phụ thuộc ở nước này.
Thậm chí, Ấn Độ còn lo ngại nền chính trị Afghanistan trở về trạng thái trước năm 2001 khi Mỹ và liên quân chưa can thiệp, thời kỳ mà Ấn Độ cáo buộc Taliban cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các chiến binh đang chiến đấu với Ấn Độ ở Kashmir.
Ông Gulshan Sachdeva, Giáo sư Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), người từng đứng đầu các dự án của ADB và Quỹ châu Á tại Bộ Ngoại giao Afghanistan, nhận định rằng sự bất lợi của Ấn Độ trong những năm tới ở Afghanistan là một “sự trả giá" khi cường quốc khu vực này đã quá "dựa dẫm" vào Mỹ.
Trung Quốc ngập ngừng?
Thoạt nhìn, việc Taliban tiếp quản Kabul sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế trước Mỹ và Ấn Độ.
Sự hiện diện của Mỹ suy giảm góp phần làm tăng sự quan trọng của Afghanistan trong tư duy chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Afghanistan sẽ hỗ trợ Trung Quốc trong các kế hoạch kinh tế dài hạn ở Trung Á, dựa trên những thuận lợi về địa chính trị và thương mại mà hai quốc gia này chia sẻ.
Đông Bắc Afghanistan giáp Trung Quốc với đường biên giới dài 90 km, ở phía cuối của Hành lang Wakhan - dự án thuộc BRI trị giá 5 triệu USD kết nối Kabul với Trung Quốc.
Không chỉ là “ngã ba đường" kết nối Nam Á, Trung Á và Tây Á quan trọng trong các dự án BRI của Trung Quốc, Afghanistan còn là con đường tắt tiềm năng để Trung Quốc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Trung Đông.
Quốc gia Tây Nam Á cũng là nơi có trữ lượng kim loại đất hiếm lớn nhất chưa được khai thác trên thế giới mà Trung Quốc luôn “nhòm ngó".
Theo CS Monitor, hiện Bắc Kinh đã đảm bảo “hợp đồng thuê dài hạn đối với một mỏ đồng lớn của Afghanistan và có lợi ích trong việc phát triển các mỏ dầu và khai thác các khoáng sản đất hiếm có giá trị” có thể trị giá hơn nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bất ổn hiện nay, Trung Quốc đã tỏ rõ mối e ngại khi trì hoãn ký kết một thỏa thuận khung về hợp tác công nghiệp nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Pakistan Trung Quốc (CPEC).
Việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan đã gây ảnh hưởng đến nước láng giềng Pakistan - một trọng tâm đầu tư lớn nhất trong BRI. Trung Quốc lo ngại rằng Taliban sẽ củng cố kết nối tôn giáo bảo thủ cực đoan ở Pakistan.
Chuyên gia Viện chính sách đối ngoại Newlines (Mỹ) Kamran Bokhari nhận định rằng: "Tất cả các nước láng giềng của Afghanistan sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, nhưng Pakistan và Trung Quốc có nhiều thứ nhất để mất”.
Mặc dù Taliban đã bảo đảm với Trung Quốc rằng họ sẽ không can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc, cũng như không để lãnh thổ Afghanistan bị sử dụng chống lại các quốc gia khác, Bắc Kinh cũng không dễ bị thuyết phục.
Trong cuộc gặp phái đoàn cấp cao của Taliban tại thành phố Thiên Tân vào cuối tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hứa sẽ ủng hộ tái thiết Afghanistan, ám chỉ việc công nhận tính hợp pháp chính trị của chính quyền Taliban.
Nhưng đổi lại, ông yêu cầu nước này cắt đứt quan hệ với các nhóm chiến binh, cụ thể là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - một nhóm chiến binh tộc Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan, từ lâu đã tìm kiếm nền độc lập cho vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Điều Bắc Kinh mong muốn nhất hiện nay là Afghanistan không biến thành điểm tập trung của các nhóm chiến binh để Trung Quốc có thể đảm bảo các lợi ích chiến lược và kinh tế của mình.
Một không gian để hợp tác?
Tờ The Diplomat nhận định rằng Afghanistan là nơi mà Ấn Độ có thể tìm thấy "một số điểm chung" với Trung Quốc.
Các nhà phân tích ở New Delhi luôn cảnh giác về mối quan hệ tiềm tàng giữa Trung Quốc-Pakistan ở Afghanistan.
Họ lo ngại lực lượng này sẽ hậu thuẫn cho Taliban và nhằm làm suy yếu bàn tay của Ấn Độ ở Kashmir, đặc biệt trong bối cảnh đụng độ ở Ladakh giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang gặp bế tắc.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính sách Mohamed Zeeshan, Tổng biên tập Freedom Gazette viết trên tờ The Diplomat rằng nhìn vào các dự án kinh tế đầy tham vọng của Trung Quốc ở Trung Á, và sự khác biệt về ý thức hệ của nước này với Taliban, Ấn Độ vẫn có thể tìm thấy một số không gian để hợp tác với Trung Quốc ở Afghanistan.
Vào tháng 5, Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nước Trung Á chủ chốt để hợp tác kiềm chế chủ nghĩa quân phiệt ở Afghanistan và “tạo ra Con đường Tơ lụa an toàn”.
Trong tháng 7, Ấn Độ đã tăng cường đối thoại với Iran và Nga, nỗ lực kiểm soát Taliban và duy trì ổn định tại Afghanistan.
Rõ càng, cả hai quốc gia này đều có ý chí thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Afghanistan.
Ông Zeeshan đề xuất: “Ấn Độ nên tìm cách thiết lập đối thoại với Trung Quốc về Afghanistan, xác định và thiết lập các lợi ích chung, đồng thời hợp tác tiếp cận các phe phái khác nhau trong Taliban”.
Ở một góc độ khác, Giáo sư Gulshan Sachdeva lại nhận định rằng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ có thể mong muốn hợp tác với Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng ông Sachdeva cũng cảnh báo rằng điều này sẽ gây khó khăn trong việc tìm kiếm những điểm hội tụ trong quan hệ với Trung Quốc-Pakistan-Taliban ở Nam-Trung Á.
Dù có nhiều biến động và trở ngại, nhưng không thể phủ nhận rằng Afghanistan vẫn là quốc gia có vị trí địa chiến lược và nguồn tài nguyên dồi dào mà Ấn Độ và Trung Quốc không muốn bỏ lỡ.
Trong khi đó, Taliban hiện tại cũng cần sự công nhận rộng rãi và sự hỗ trợ kinh tế từ nước ngoài, đặc biệt từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhằm tái thiết đất nước.
Có lẽ cả hai cường quốc châu Á này đều sẽ cần thời gian tiếp tục theo dõi diễn biến an ninh chính trị khu vực, cùng chờ thời cơ để quay trở lại “đường đua" đầu tư Nam Á với ít rủi ro hơn.