Taliban sa thải hơn 280 nhân viên an ninh do... không để râu

Ngoài các hạn chế nhắm vào giới nữ và trẻ em gái, chính quyền Taliban ở Afghanistan cũng 'áp' các quy tắc của luật Hồi giáo đối với nam giới.

Bộ Phòng ngừa thói xấu và tuyên truyền Đức hạnh trong chính quyền Taliban ở Afghanistan đã sa thải hơn 280 thành viên của lực lượng an ninh, vì không để râu và bắt giữ hơn 13.000 người ở Afghanistan vì hành vi “trái đạo đức” trong năm qua, nguồn tin từ Bộ này cho biết hôm 20/8.

Trong báo cáo hoạt động hàng năm của Bộ này, khoảng một nửa số người bị giam giữ đã được thả sau 24 giờ. Thông tin không phân loại hành vi vi phạm bị cáo buộc hoặc giới tính của những người bị giam giữ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Vụ trưởng Kế hoạch và Pháp chế của Bộ, Mohibullah Mokhlis thông tin, Bộ này đã tiêu hủy 21.328 nhạc cụ trong năm qua, thứ được cho là làm băng hoại đạo đức xã hội; đồng thời ngăn chặn hàng nghìn nhà khai thác máy tính bán những bộ phim “đồi bại và trái đạo lí” trên thị trường.

Ông Mokhlis cho biết, lực lượng an ninh đã xác định được 281 thành viên không để râu và họ đã bị sa thải theo luật Hồi giáo.

 Phụ nữ phải mang áo choàng burqa ở nơi công cộng. Ảnh: Javed Tanveer / AFP / Getty.

Phụ nữ phải mang áo choàng burqa ở nơi công cộng. Ảnh: Javed Tanveer / AFP / Getty.

 Các “cấp độ” trang phục của phụ nữ Hồi giáo Afghanistan. Nguồn: AFP.

Các “cấp độ” trang phục của phụ nữ Hồi giáo Afghanistan. Nguồn: AFP.

Bộ Phòng ngừa thói xấu và tuyên truyền Đức hạnh, một bộ mới trong chính quyền ở Afghanistan vốn tiếp quản cơ sở của Bộ Phụ nữ đã bị Taliban giải tán sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, đã bị các tổ chức nhân quyền và LHQ chỉ trích vì hạn chế quyền của giới nữ và cản trở quyền tự do ngôn luận.

Phái đoàn LHQ tại Afghanistan đã báo cáo về các trường hợp viên chức Bộ này chặn bắt và giam giữ phụ nữ, đôi khi trong vài giờ, vì không tuân thủ theo cách giải thích của họ về trang phục Hồi giáo.

Taliban gọi những cáo buộc giam giữ là không có cơ sở; cho biết các quy định áp dụng theo luật Hồi giáo và phong tục Afghanistan.

Bộ không cung cấp số liệu liên quan đến việc kiểm soát trang phục của phụ nữ hoặc việc đi lại của họ mà không có người giám hộ nam, mà chính quyền cũng đã cấm trong trường hợp người phụ nữ thực hiện các chuyến đi vượt quá 70km.

 Nữ sinh phải có lối đi riêng và về trễ hơn nam sinh sau khi tan trường 5 phút để tránh "đụng" nhau. AP/ Felipe Dana.

Nữ sinh phải có lối đi riêng và về trễ hơn nam sinh sau khi tan trường 5 phút để tránh "đụng" nhau. AP/ Felipe Dana.

 Từ năm học 2021-2022, nữ sinh phải có lớp học riêng theo giới tính, bằng không phải được ngăn cách bằng tấm rèm, thày dạy cũng phải cùng giới/ Reuters.

Từ năm học 2021-2022, nữ sinh phải có lớp học riêng theo giới tính, bằng không phải được ngăn cách bằng tấm rèm, thày dạy cũng phải cùng giới/ Reuters.

Bộ này cho biết, một kế hoạch mới đang được thực hiện để đảm bảo các quy tắc về trang phục Hồi giáo được tuân thủ, được giám sát bởi lãnh tụ tinh thần tối cao.

“Trên cơ sở chỉ thị của lãnh tụ tối cao, dự thảo kế hoạch về việc tuân thủ hijab (khăn trùm đầu Hồi giáo) của phụ nữ đã được xây dựng và phê duyệt.”, ông Mokhlis cho biết.

Kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào tháng 8/2021, Taliban đã cấm phụ nữ và trẻ em gái đến các trường đại học và trường trung học cơ sở sau lớp sáu, đồng thời loại bỏ họ khỏi những chức vụ dân cử và các công việc có tính chất đại chúng khác.

Taliban cũng yêu cầu phụ nữ phải che mặt hoặc mặc burqa, một loại áo choàng thùng thình che kín toàn bộ cơ thể giới nữ từ đầu đến gót chân, trái với sự cởi mở của chính quyền trước đó do phương Tây hậu thuẫn, vốn hướng tới sự bình đẳng giới theo chuẩn mực chung.

 Sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, Taliban đã đình chỉ nữ sinh theo học trung học và đại học. Ảnh: UNAMA / Fraidoon Poya.

Sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, Taliban đã đình chỉ nữ sinh theo học trung học và đại học. Ảnh: UNAMA / Fraidoon Poya.

 Phụ nữ Afghanistan biểu tình ở thủ đô Kabul sau khi họ bị cấm theo học đại học. Ảnh: AP.

Phụ nữ Afghanistan biểu tình ở thủ đô Kabul sau khi họ bị cấm theo học đại học. Ảnh: AP.

Ngày 24/12/2022, chính quyền Taliban đã ban hành quy định cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ (NGO). Lệnh cấm theo sau việc đình chỉ giáo dục đại học đối với phụ nữ được ban hành 1 tuần trước đó và trung học đối với trẻ em gái ban hành hồi tháng 3/2022.

Phản ứng trước các quy định này, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ Volker Turk, đã kêu gọi chính quyền Taliban thu hồi lập tức một loạt các chính sách nhắm vào quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan, lưu ý các chính sách này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của giới nữ, làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái đối với bạo lực tình dục cũng như bạo lực gia đình; đồng thời gây bất ổn quốc gia.

 Giới nữ Afghanistan mặc quần áo sặc sỡ, hở mặt ở Kabul đòi quyền bình đẳng. Ảnh: Reuters.

Giới nữ Afghanistan mặc quần áo sặc sỡ, hở mặt ở Kabul đòi quyền bình đẳng. Ảnh: Reuters.

“Không một quốc gia nào có thể phát triển, thực sự tồn tại, về xã hội và kinh tế với một nửa dân số bị loại trừ. Những hạn chế không thể hiểu được này đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ làm gia tăng sự đau khổ của người dân Afghanistan mà tôi lo ngại còn gây ra nguy cơ vượt ra ngoài biên giới đất nước.”, Cao ủy về nhân quyền LHQ cho biết.

Ông Turk kêu gọi các nhà chức trách tôn trọng và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên thực tế, bảo đảm giới nữ có thể tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của nước này.

Khi đó, Tổng thư kí LHQ António Guterres bày tỏ, những hạn chế của Taliban đối với việc làm và giáo dục của phụ nữ và trẻ em gái là những vi phạm nhân quyền không thể biện minh và phải bị thu hồi.

Người đứng đầu LHQ lưu ý, những chính sách này đang tạo ra những đau khổ và rào cản lớn trong việc khai thác tiềm năng của người dân Afghanistan.

Văn Phong (theo Reuters)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/taliban-sa-thai-hon-280-nhan-vien-an-ninh-do-khong-de-rau-163230.html