Talkshow dành cho Gen Z: Giới trẻ nghĩ thế nào về bạo lực ngôn từ trên không gian mạng?
Khi mạng xã hội trở nên phổ biến, bạo lực ngôn từ trên không gian mạng đã và đang trở thành một vấn đề đáng chú ý. Người trẻ nghĩ gì về những hành vi phát ngôn tiêu cực trên không gian mạng?
Trong môi trường "tự do ngôn luận" của mạng xã hội, mỗi ngày, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những lời bình phẩm, dòng trạng thái có chứa ngôn từ thù ghét. Tùy tiện chê bai, lên án, miệt thị, xúc phạm một ai đó, những ngôn từ đầy tính bạo lực, công kích đã và đang gây ra những hệ quả ở thế giới thật.
Nói về hành vi tiêu cực này, bạn Vũ Bích Ngọc - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tình trạng bạo lực ngôn từ trên không gian mạng hiện nay xuất phát từ việc giá trị con người bị xem nhẹ. Trước tâm lý đám đông, tâm thức cộng đồng, mỗi người dùng mạng xã hội với suy nghĩ rằng gõ vài dòng sẽ chẳng sao, vì không ai biết mình là ai nên gây ra việc thiếu trách nhiệm trong từng lời nói và cách hành xử.
Bản thân mình từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ mạng, mình từng bị body shaming, bị nhắn tin trực tiếp chê bai, thậm chí ảnh của mình bị gửi vào các group để bàn tán, chỉ trích ngay khi còn là học sinh cấp 3. Mình khóc rất nhiều, muốn bỏ học, cảm thấy tự ti, đau khổ, không muốn gặp ai, vết thương khi ấy cho đến tận khi lên đại học mình mới dần dần tha thứ và chữa lành được”.
Giống như Bích Ngọc, Khánh Huyền - sinh viên trường Đại học Ngoại thương cũng từng chứng kiến những câu chuyện đáng tiếc của các nạn nhân bị bạo lực ngôn từ trên mạng:
“Bạo lực ngôn từ là một cuộc hành hung mang tính sát thương cao. Tâm lý bầy đàn, lạm dụng quyền tự do ngôn luận của nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay khiến ngày càng nhiều nạn nhân trở nên trầm cảm, tự hại mình. Đôi khi chẳng có một lý do nào cho những lời cay độc, đơn giản là thể hiện cảm xúc cá nhân, quan điểm không vừa ý mà nhiều người dễ dàng để lại những dòng bình luận vô cùng phản cảm mà không cân nhắc đến hậu quả của nó”.
Là một người trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội, bạn Phùng Đức Anh - sinh viên trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng nhận định mạng xã hội chính là môi trường để những “thủ phạm” nấp sau màn hình máy tính thực hiện các hành vi bạo lực: “Không gian mạng với tài khoản ảo nhưng hậu quả mà nó đem lại là thật và im lặng chính là cách để bạo lực nảy nở trong xã hội. Chính vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta hãy dùng sức mạnh của mình để mạnh mẽ lên tiếng và phản đối những câu chuyện bạo lực ngôn từ trên không gian mạng, chung tay cùng nhau đẩy lùi những hành vi tiêu cực này”.
Nhận thức sâu sắc về những tác động của mạng xã hội đến cuộc sống hiện đại, nhóm sinh viên thuộc Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội tổ chức sự kiện talkshow “Tiếng Rảnh Rang” vào 9h ngày 18/12 tới đây nhằm cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ về vấn đề bạo lực ngôn từ trên không gian mạng và góp phần đẩy lùi vấn đề đang diễn ra phổ biến này.
Với sự tham gia của MC/ BTV TS. Trịnh Lê Anh, ThS. Trần Tình và TikToker/ reviewer Tuệ Nga, thông qua những câu chuyện được chia sẻ trong sự kiện, Talkshow “Tiếng Rảnh Rang” hướng đến lan tỏa giá trị tốt đẹp, truyền cảm hứng tích cực và góp phần thay đổi thói quen sử dụng ngôn từ trên mạng xã hội của giới trẻ hiện nay.