Tâm bão
Tôi ký đơn ly dị vợ và đuổi thị đi sau khi đứa con lơ ngơ mất tích. Trong một đêm tối trời, thị bỏ quên nó ở hành lang. Mẹ tôi đau quá mà chết. Bố tôi từng tham gia chiến tranh. Bốn mươi sáu năm không về nhà. Khu tập thể vắng thêm vắng.
Căn hộ tôi ở nằm sát vách nhà thằng hủi. Một bức vách mỏng do người ở tự dựng lên, phân chia một căn hộ ra làm hai. Gọi là thằng nhưng tôi chả nhớ tuổi. Gọi là hủi, mà chả ai biết mặt. Căn hộ hắn ở luôn khóa. Nhìn vào lỗ thông khí của cánh cửa là hành vi hằng ngày của tôi, chỉ mình tôi từ khi mất con...
Một cái bàn gỗ. Không đường vân. Không vecni hoặc đã tróc. Chất liệu gỗ loại rẻ tiền. Phủ một tấm khăn trải bàn thủng và rách, màu đỏ cờ nhưng đã chuyển sang xám ngoét, vì tro bụi, vì bã chè, vì chất lỏng hôi tanh. Trên bàn, một lọ hoa gốm Chu Đậu đặt đứng. Loe hoe vài cọng tre vót nhọn đuôi cắm vào ruột lọ. Nếu được lau bóng, màu men và hoa văn sẽ rất sáng, rất đẹp. Còn cọng tre thì quá cáu bẩn. Lần nào tôi nhìn vào cũng là con nhện vàng đang trên đường bò vào miệng lọ. Chả thể hiểu nổi nó là một phần hoa văn hay con nhện đã chết khô và dính vào thành lọ. Và đó là cái bàn ăn, bàn tiếp khách, bàn làm việc của gia chủ. Nhưng chưa bao giờ tôi, hay bất kỳ ai, chộp được hình ảnh thằng hủi ngồi bên cái bàn. Thằng hủi có lẽ không hủi. Cư dân khu tập thể từng kể một câu chuyện, vào những năm bảy mươi, có kẻ đào ngũ bất đắc dĩ trở về, đến trọ tại căn hộ đó. Rồi hắn mắc chứng bệnh lạ. Người ta bảo rằng sau một đêm trước phán xét, lưng hắn đã gù, cái bướu trên lưng trông như trái núi, đầu gối đã dập nên không đứng nổi, miệng câm bặt và mắt bị ăn mòn, da thịt lở loét và hơi thở hôi thối. Cũng từ đó, cánh cửa khóa. Khóa trong hay khóa ngoài thì tôi chả chắc. Hắn gần như bại liệt. Có lúc nằm bẹp dưới sàn nhưng vẫn chớp chớp mắt khi nghe trẻ con đọc to "Chinh phụ ngâm" và "Văn chiêu hồn". Cả khu tập thể đều đồn đại về tình trạng của hắn. Họ mong hắn chết. Ngày đêm khấn vái, cầu cho hắn chết. Hắn là ung nhọt của đời. Nhưng dần dà, người cũ đi, người mới đến, cái đã biết trở thành bất khả tri. Những năm hai mươi này, thằng hủi có lẽ vẫn ngồi lặng lẽ, tựa lưng vào cái ghế bọc simili đã rách, lòi cả lớp mút vàng đục ra ngoài. Hắn tì tay lên cái bàn. Ngước mãi. Ngước mãi lên cái bóng đèn dây tóc Rạng Đông đã cháy đen đang lủng lẳng trên đầu, gắn vào đui đèn trong cái chụp sắt tây lên gỉ xanh rờn, cứ đưa qua đưa lại trên vòm tóc xù và bết của hắn, khi cơn lốc báo hiệu mùa bão thốc qua lỗ thông khí.
Tôi nghĩ hắn chẳng nhìn thấy gì. Đó đơn giản chỉ là một thói quen! - Một vài lời tôi còn nghe, bên quán nước chè xanh, kẹo lạc và thuốc lào, từ hồi tôi còn ở độ tuổi con trai tôi, lúc mất liên lạc với bố. Mà cái quán ấy thì bị dỡ từ rất lâu rồi...
Thi thoảng, tôi nhận được đoạn tin nhắn Facebook rất dài. Vợ tôi. Ý tôi là vợ cũ. Thị khẩn khoản xin tôi nối lại. Đoạn cuối bao giờ cũng nhắc đến thằng bé. Khoảng trống sau cùng vẫn là câu hỏi đại loại như: Thằng hủi còn sống không? Hoặc: Có tiếng động gì lạ sau vách không? Hoặc: Em vẫn thắp hương... Nhưng tôi chẳng đáp lại... Tôi biết thị không bao giờ dám về cái nhà này. Còn tôi, thời gian eo hẹp sắp cạn vì căn bệnh mất trí ngày một trầm trọng, tôi dành hết cho công việc, đêm nào tôi cũng giở lại từng trang viết, về cuộc đào ngũ những năm bảy mươi, đọc từng chữ cái và số hóa lại. Màu mực Cửu Long xanh lục đậm, nét bút Trường Sơn thanh tú, trên nền giấy đen nhám vón cục. Nâng niu từng trang. Chăm chút từng câu. Nhập tâm cả hồn văn. Tôi tìm thấy người đàn ông xa lạ trong cuộc đào ngũ năm đó. Ông cởi bỏ bộ quân phục xanh đen, dải băng trên đầu lấm lem vệt máu, thân thể trần truồng loang lổ vết bỏng da cam, rồi bất chợt giơ tay lần cuối chào đồng đội đang ngủ say, cười sằng sặc trong cơn gió mùa nhiệt đới lùa lá cờ rách nát. Và từ đêm ấy rừng hoang in sâu dưới bùn lầy những dấu chân trần trụi cho đến tận bấy giờ, khi thành phố quê hương đang sụp đổ trong bom đạn và tiếng dương cầm vỡ phím. Dù tôi biết, "Đào ngũ" rất khó để có giấy phép xuất bản và phát hành. Tiếng chin chít, lục đục, hơi thở rất gấp, rất nhọc, như của lũ chuột rúc ráy đằng sau bức vách. Có vẻ chúng đói và đau nặng. Cũng như tôi vậy. Cầm cây bút, thảo từng câu, nháp chi chít. Tôi nghĩ đến một ngòi bút, cũng đang cào xé mặt giấy nhám ở phía bên kia bức vách. Một người cũng như bản thân tôi, đang bị thời gian gặm nhấm thân xác, rút từng giọt máu. Không, không thể nào.
Từ khi con trai tôi biệt vô âm tín, lũ én phóng sinh bị vặt cổ hàng loạt, còn nguyên vết răng người cắn đứt đầu chúng, một vụ hiếp dâm xủng xoẻng tiếng Tàu xảy ra ban ngày. Vết máu không lai lịch xuất hiện với tần suất cao ở khu tập thể, ngay trước cửa nhà hắn, người ta đã thấy những bao cao su đen sì nằm ỉu xìu. Cư dân tập thể ra đường không ngẩng đầu, không nhìn vào mắt kẻ đối diện, không tùy tiện tán gẫu về các vụ án. Cả khu tập thể lục tục chuyển nhà đi nơi khác. Khóa viro rất giòn và dễ vỡ, mở không cần chìa nhưng chả ai mò vào. Phong thư bay khắp các chiếu nghỉ cầu thang, khô cong vàng như lá đổ, nhiều người tiếp tục tìm kiếm nhau và tiếp tục thất lạc sau nhiều cuộc rời nhà quên thông báo...
Còn tôi. Tôi chưa thể rời nhà sang khu tái định cư. Dù khu tập thể xây dựng từ sau năm 1954 đã xuống cấp. Căn nhà nơi cả gia đình tôi đã từng sống. Là nhà của chúng tôi. Nhưng nơi này hoang vắng quá, lại chỉ còn tôi và thằng hủi. Nhưng thằng hủi đã ngoẻo rồi. Ngoẻo từ lâu rồi ấy chứ. Lâu đến nỗi chả còn bốc mùi gì sất. Tôi tự động viên mình. Dù có chút nghi hoặc. Cái lạnh xộc thẳng vào bàn làm việc. Tôi còng lưng, choàng cái chăn len, đánh rơi cái bút rồi quên nhặt, ngồi thừ người, sườn thóp lại và thắt ruột. Than ôi, nếu chỉ còn lại mình, sẽ phải sống nốt thế nào. Những khi tỉnh táo, tôi điếc đặc theo nghĩa cường điệu. Ở ngay sát vách. Tôi không nghe thấy tiếng người, dù khóc hay cười. Có lẽ hắn đã chết thật. Một đêm, tôi nhòm qua lỗ thông khí của căn hộ kế bên, áp tai vào sát bức vách nghe ngóng. Im ắng. Không có người ở. Ánh đèn đường mờ ảo phủ lên nền gạch hoa lớp sương mỏng lạnh. Cái lọ hoa gốm gắn liền với ký ức về mẹ tôi, chút mơ hồ nhuốm màu bàng bạc. Trừ tiếng ngòi bút đều đều trên mặt giấy nhám mà có thể do tôi tưởng tượng ra từ thứ âm thanh của lũ chuột đang cồn cào gặm vào tấc gỗ. Nghĩ đến đấy, tôi cảm thấy tiêng tiếc. Ước gì. Tôi bơm đầy mực cho ruột bút sắt, viết ngoáy nháp lời ngoại truyện cho tác phẩm. Ngoại truyện có hai chương. Một chương về đời tôi. Chương còn lại sẽ bỏ ngỏ. Tôi viết đều tay, chắc tay và viết rất nhanh so với các tay viết cùng thời. Một cuộc truy đuổi đến kiệt sức với kẻ thù là tình trạng bệnh tật đang leo thang. Tuy nhiên, trí nhớ và nhận thức vẫn có đủ để tôi nhớ và biết rằng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc rời nhà.
Tôi mất trí hoàn toàn. Cuốn sách tôi đã soạn xong. Nằm lạnh trên bàn biên tập, mặc kệ đến khi nào. Đã đến hồi kết thúc. Tôi lẩm bẩm. Tới lúc bắt đầu rồi. Tôi lại lẩm bẩm. Bước ra khỏi nhà, không quay lại, cánh cửa inox vẫn mở toang, tôi lật khật như con rối gỗ. Bỗng từ bóng tối sâu thẳm, một tiếng hét rất lớn. Hét cái gì? Bốn sáu năm rồi có ai thèm nghe đâu. Bà lão bán nước ngày nào bước ngang qua tôi và than thở, chất giọng như vừa uống rượu, rồi khuất hình mất dạng. Mùi rượu nồng hắng liệu có xác thực sự tồn tại của kẻ lang thang. Tôi thót mình, quay ngoắt lại. Gõ cửa ba tiếng. Một hành vi không theo thói quen, bởi căn bệnh tồi tệ đã tẩy xóa tiềm thức. Không gian tĩnh lặng. Tôi nhòm vào nơi đang tăm tối nhất. Một nén hương leo lét cháy trên bàn thờ ẩm thấp, người đàn ông ngồi lạnh cứng trước cái bàn gỗ, ánh sáng từ lỗ thông khí đang dần hắt lên vẻ hào sảng, hạnh phúc. Đồng tử vàng mở to, màu mực xanh đen rỏ từng giọt từ ngòi bút bất động, thấm xuyên qua ba tờ giấy vô ngôn, tôi rợn tóc gáy. Giấc mơ rắn đêm nào của Ức Trai.
Kẻ khùng qua sông đã lâu, đi về nơi nào mặt trời đang lặn, mỗi khi có đám trẻ con chơi ô ăn quan, đánh khăng đánh đáo, chọc tổ ong bắp cày, tắm truồng vầy khỏa ao chuôm, bày cờ hùm bắt lợn hay tiếng lon coca loảng xoảng, hắn tròn xoe mắt ngồi xem, má rỗ chằng rỗ chịt quệt lem nhem tro muội, vỗ đùi kêu đen đét, cười khành khạch thật ngây ngô, thỉnh thoảng ngóc đầu hỏi người già, mè nheo và nhõng nhẽo. Nhà con ở đâu? Con muốn về nhà. Chơi trốn tìm. Chơi trốn tìm. Con muốn về nhà... Về chơi trốn tìm với bố mẹ con...
Câu hò trên bến sông không đợi người. Người chèo đò đã mất...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tam-bao-20191026202612244.htm