Tấm bia 'Đô Hồ tự bi' hé lộ thời gian xuất hiện của dòng tranh Đông Hồ
Cuốn 'Dòng tranh dân gian Đông Hồ' của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (Chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích do NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản, đã chính thức ra mắt bạn đọc. Trong cuốn sách, nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện mới về thời gian xuất hiện của dòng tranh Đông Hồ.
Cuốn sách dày gần 300 trang, ngoài Lời nói đầu, sách được chia thành 3 chương: Chương 1: Làng Đông Hồ, Chương 2: Các dòng tranh dân gian sản xuất tại Đông Hồ, và chương 3: Tranh dân gian khắc gỗ và vẽ tay Đông Hồ.
Cuốn sách được thực hiện công phu, kéo dài gần 10 năm, với hơn 500 hình ảnh (đa số được chụp mới), mô tả khá chi tiết về làng Đông Hồ, các bước làm tranh, các bức tranh Đông Hồ nổi tiếng và những bức tranh Đông Hồ ít được du khách biết tới, đồng thời chân dung nghệ nhân tiêu biểu cũng được khắc họa.
Theo tác giả Thu Hòa, với thời gian khảo sát lâu dài về dòng tranh này nên nhóm tác giả đã phát hiện ra nhiều điều mới dựa trên các nhận định về làng tranh Đông Hồ trước đây. Đầu tiên có thể kể đến về thời gian xuất hiện của dòng tranh Đông Hồ. Theo các tài liệu trước đó, làng tranh này được ra đời vào thế kỷ 16. Nhưng qua khảo sát bia đình làng nằm trong việc khảo sát làng Đông Hồ cổ, nhóm tác giả lại cho rằng, dòng tranh này xuất hiện muộn hơn, vào thế kỷ 17.
Tại đình làng Đông Hồ ngày nay còn lưu giữ 7 tấm bia đá. Đáng lưu ý có tấm bia "Đô Hồ tự bi" thời Lê Hy Tông (1680) có hình ảnh hai con vật giã gạo được khắc cách điệu và được khuôn vào một hình tròn tượng trưng cho mặt trăng nằm ở vị trí trán bia. Hai bên hình tròn này là hình hai con phượng đang xòe cánh, đang đứng chầu vào nhau và đối xứng qua hình tròn. Nội dung tấm bia ghi lại công lao của những người đóng góp dựng nên đình, chùa.
Qua nghiên cứu và so sánh, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là hình tượng đôi thỏ ngọc giã thuốc dưới cây trường sinh, một truyền thuyết rất phổ biến ở Việt Nam và Trung Quốc. Việc sử dụng hình ảnh thỏ ngọc, quạ 3 chân nhằm thể hiện mặt trăng, mặt trời được phát triển từ thời Hán và ảnh hưởng sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, hình tượng chim 3 chân và thỏ giã cối xuất hiện sớm nhất có lẽ trên viên gạch mộ Hán tìm thấy ở Lim, nay thuộc bảo tàng Cernuschi.
Tới thế kỷ 17, 18, việc sử dụng hình ảnh ngọc thỏ và quạ khắc trên bia là hình thức trang trí khá hiếm gặp. Tuy nhiên, hình ảnh đôi thỏ ngọc giã thuốc dưới cây trường sinh trên bia "Đô Hồ tự bi" khá giống với hình thức trang trí trên tấm bia chùa Độ Long, Quế Võ, Bắc Ninh (phong cách chạm khắc thế kỷ 17) hay tấm bia Hậu thần bi ký (1677) ở đình làng Đào Viên, Quế Võ, Bắc Ninh…
Qua lấy ý kiến của các cụ cao niên trong làng, nhóm nghiên cứu được biết, 7 tấm bia này là do đào được ở ngoài bãi sông Đuống vào dịp dời đình cũ vào làng. Trước đây, làng Đông Hồ nằm ngoài đê, ven sông để tiện cho việc buôn bán. Tấm bia "Đô Hồ tự bi" cũng được các cụ cho là không phải của đình, cũng không phải của chùa làng. Đây có thể là bia của chùa Hồ, nay đã bị phá. Chùa này ở vùng thị trấn Hồ ngày nay.
Nhóm nghiên cứu cũng tra danh sách văn bia Kinh Bắc thời Lê ở huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, nơi có làng Đông Hồ ngày nay. Tuy nhiên cũng không có tấm bia nào mang danh "Đô Hồ tự bi". Vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, tấm bia "Đô Hồ tự bi" có thể thuộc chùa Đông Hồ xưa, khi mà làng còn mang tên địa danh Đô Hồ. Và như vậy, làng Đông Hồ xưa khá rộng lớn, không nhỏ như làng Đông Hồ ngày nay.
Kết hợp với một số sử liệu khác, nhóm nghiên cứu phỏng đoán, thời gian dòng tranh dân gian Đông Hồ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17 thay vì 16 như các công trình đã công bố trước đây.
Tiếp theo, một điểm mới khác của cuốn sách là nhóm tác giả đã làm rõ quy trình xử lý điệp thành bột điệp để quét. Bởi mọi người đều biết, tranh Đông Hồ làm trên giấy điệp nhưng cụ thể điệp được làm ra sao và trải qua những công đoạn nào thì không phải ai cũng nắm rõ. Nghe có vẻ đơn giản nhưng làng tranh Đông Hồ hiện nay chỉ vài hộ duy trì nghề làm tranh và phải cỡ 3 năm các hộ mới làm điệp một lần. Vì thế, nếu không có thời gian gắn bó và nghiên cứu lâu dài về làng tranh này, rất khó để nhóm tác giả ghi lại, chụp lại quy trình sản xuất này.
Điểm mới khác về dòng tranh dân gian Đông Hồ được phát hiện là làng tranh này không sản xuất đơn lẻ theo các hộ gia đình mà từng có thời gian làm theo mô hình hợp tác xã, Nhà nước đặt hàng sáng tác tranh cổ động. Tranh Đồng Hồ không chỉ có các bức: Vinh hoa Phú quý, Đánh ghen… mà còn có các bức tranh cổ dộng đấu tranh chính trị như: Không có gì quý hơn độc lập tự do, Tải lương ra tiền tuyến…
Đó cũng là sức sống và thích ứng với thời cuộc của dòng tranh này được nhóm tác giả làm rõ từ khi hình thành, phát triển đến ngày nay. Thời điểm nào, tranh Đông Hồ cũng thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc và khẳng định vị trí của mình trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.