Tạm biệt nhé, mùa Xuân Trung Phi!

Mới ngày nào, những sĩ quan Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam nhận nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (Phái bộ MINUSCA) mà nay đã đến ngày kết thúc nhiệm kì công tác. Trước giờ phút chia tay, ai cũng thấy lưu luyến bởi đã có biết bao kỷ niệm ở 'lục địa đen', nơi cách quê hương Việt Nam một phần tư vòng trái đất.

Thiếu tá Trịnh Văn Hưng làm việc tại Phân khu Tây, Phái bộ MUNISCA. Ảnh: Hòa Bình

Thiếu tá Trịnh Văn Hưng làm việc tại Phân khu Tây, Phái bộ MUNISCA. Ảnh: Hòa Bình

Sau 3 năm gắn bó, Thượng tá Đỗ Văn Thông (Tổ trưởng Tổ công tác tại Cộng hòa Trung Phi), cuối tháng 1/2025 sẽ rời Trung Phi để được đón mùa Xuân ở quê hương Việt Nam. Giây phút này, anh bỗng nhớ 2 cái Tết xa nhà nhưng ấm áp bên đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế ở Trung Phi. Vào khoảnh khắc thiêng liêng ấy, anh và những cán bộ ở Tổ công tác luôn hướng về Tổ quốc, quê hương cùng chào đón một năm mới với những ước vọng cho tương lai.

Vì nhiệm vụ quốc tế cao cả nên Thượng tá Đỗ Văn Thông và đồng đội đến đất nước Trung Phi, nhưng luôn xác định tốt tư tưởng và giữ vững bản lĩnh người quân nhân cách mạng trong mọi hoàn cảnh. Và ở nơi cách Việt Nam một phần tư vòng trái đất này, những người lính Việt Nam luôn đoàn kết, cùng nhau ghi dấu ấn trong công tác, trong lòng người dân địa phương và bạn bè quốc tế.

Mặc dù là nữ, nhưng Thượng tá Đỗ Thị Hiếu (sĩ quan tham mưu huấn luyện) và Đại úy Nguyễn Phương Linh (sĩ quan truyền thông) vẫn luôn bản lĩnh, được chỉ huy Phái bộ MINUSCA đánh giá cao.

Thượng tá Đỗ Thị Hiếu chia sẻ: “Đôi khi phụ nữ cũng có giây phút yếu lòng, nhớ gia đình, nhất là khi Tết đến, Xuân về, nhưng may mắn là ở tổ có 2 nữ nên chúng tôi dễ đồng cảm với nhau hơn. Ở Tổ công tác, chúng tôi luôn chia sẻ với nhau để nỗ lực vượt qua khó khăn”.

Đại úy Nguyễn Phương Linh khi đi Trung Phi, con mới 3 tuổi, nhiều lúc rất nhớ gia đình nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới công việc. Mặc dù việc tham gia GGHB là ước mơ từ thời học viên của Thiếu tá Trịnh Văn Hưng (sĩ quan tham mưu tình báo), không phải là lần đầu đón Tết xa nhà, nhưng Thiếu tá Trịnh Văn Hưng vẫn bồi hồi xúc động khi nghĩ đến người thân. Khi Đại úy Nguyễn Hải Duy (sĩ quan tham mưu tình báo) lên đường nhận nhiệm vụ ở Trung Phi cũng là thời gian vợ sinh con, bởi vậy, anh không nguôi lo lắng về gia đình.

Bạn bè quốc tế tới chúc Tết Tổ công tác tại Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Hòa Bình

Bạn bè quốc tế tới chúc Tết Tổ công tác tại Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Hòa Bình

Là Tổ trưởng, Thượng tá Đỗ Văn Thông thấy mình có trách nhiệm trong việc tạo sự kết nối giữa các thành viên để mọi người vượt qua nỗi nhớ nhà khi Tết đến, Xuân về. Các sĩ quan làm việc ở các tỉnh, cách cả nghìn cây số cũng tranh thủ về Thủ đô Bangui. Để chuẩn bị Tết cổ truyền thật Việt Nam, những sĩ quan ở Phái bộ MINUSCA lên kế hoạch từ trước Tết, cụ thể, chu đáo. Đó là lên danh sách tìm kiếm các đồ trang trí Tết, nấu các món ăn truyền thống của người Việt; lên danh sách mời bạn bè quốc tế.

Cái khó nhất là làm thế nào để có bánh chưng, vì Tết Việt không thể thiếu loại bánh đặc biệt này. Nguyên liệu gạo, đỗ không khó, nhưng lá dong, lạt để gói và buộc thì là cả vấn đề. Trong khó khăn, thiếu thốn, sự sáng tạo của người lính Việt Nam là vô cùng. Không có khuôn gói bánh chưng, Thiếu tá Trịnh Văn Hưng đã cắt bìa carton, gập lại, bẻ vuông góc và lấy băng keo dán lại. Lá dong phải tìm mua ở tỉnh, vì đường xa nên héo quắt, các anh phải ngâm nước để cho xanh tươi trở lại. Lạt không có, Đại úy Lê Sơn Tùng dùng loại dây cỏ mà người dân hay bó rau để buộc bánh chưng.

Thời tiết ở Trung Phi có hai mùa rõ rệt, đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa Xuân ở Việt Nam là mùa khô ở Trung Phi, rất nóng, nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C, bởi vậy mà khi ngồi gần bếp trông nồi bánh chưng, ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Thời điểm này, Thủ đô Bangui không có nhiều loại trái cây nên mâm ngũ quả cũng chỉ có chuối, đu đủ và… chanh thay cho quất và quýt. Khu vực trung tâm phòng khách được trang trí bằng những câu đối, cành mai, đào giả và đèn nhấp nháy. Bàn thờ có ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc, tạo nên nét riêng và đặc trưng của đất nước Việt Nam. Đặc biệt, mâm cơm cúng có bánh chưng, gà luộc, xôi, nem rán, đĩa lòng gà xào măng khô khiến mọi người cảm thấy như đang đón Tết ở quê nhà.

Trước khi nhận nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi, Thiếu tá Trịnh Văn Hưng công tác ở Trường Cao đẳng Biên phòng. Trong ảnh: Thiếu tá Trịnh Văn Hưng (bên trái) huấn luyện học viên trong tiết học võ thuật. Ảnh: Hòa Bình

Trước khi nhận nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi, Thiếu tá Trịnh Văn Hưng công tác ở Trường Cao đẳng Biên phòng. Trong ảnh: Thiếu tá Trịnh Văn Hưng (bên trái) huấn luyện học viên trong tiết học võ thuật. Ảnh: Hòa Bình

Với mong muốn để người dân bản xứ và đồng nghiệp tại Phái bộ MUNISCA biết về cái Tết cổ truyền của người Việt Nam, mọi người ở Tổ công tác mời những người dân thân thiết và đồng nghiệp cùng chung vui. Đây là dịp trò truyện, chia sẻ văn hóa Tết Việt với bạn bè quốc tế, làm tăng sự đoàn kết và giao lưu, học hỏi về văn hóa. Trong khi các nam sĩ quan mặc quân phục GGHB Việt Nam thì Thượng tá Đỗ Thị Hiếu và Đại úy Nguyễn Phương Linh lựa cho mình bộ áo dài truyền thống để tiếp khách.

Phút giao thừa, lần lượt từng người thắp nén nhang, cầu cho nhân dân Việt Nam luôn sống trong hòa bình, thịnh vượng và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với đất nước và nhân dân Trung Phi. Bạn bè quốc tế tỏ ra vô cùng thích thú với những chiếc bao lì xì màu đỏ của Thượng tá Đỗ Văn Thông, kèm những lời chúc năm mới sức khỏe, hạnh phúc.

Mùa xuân này, Thượng tá Đỗ Văn Thông, Thượng tá Đỗ Thị Hiếu, Thiếu tá Trịnh Văn Hưng, Đại úy Nguyễn Hải Duy và Đại úy Nguyễn Phương Linh sẽ rời Trung Phi. Được trở về Tổ quốc với gia đình sau những tháng ngày xa cách, thế nhưng, bỗng dưng mọi người thấy như thiếu, còn quên điều gì. Ra thế, câu thơ “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” trong sách giáo khoa bỗng ý nghĩa hơn lúc nào hết. Những mừng vui, háo hức bỗng chuyển thành lưu luyến, bịn rịn, không nỡ rời xa. Thân thương biết bao, đất nước và con người Trung Phi yêu mến!

“Nhà tôi có 3 anh chị em thì 2 anh em trai tôi đều trong quân ngũ, chị gái lấy chồng xa nhà nên Tết đến, cha mẹ đều mong các con về quây quần bên gia đình. Những lúc thế này, chúng tôi càng thấy giá trị hơn mái ấm gia đình và ý nghĩa của Tết đoàn viên” - Thiếu tá Trịnh Văn Hưng chia sẻ.

Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tam-biet-nhe-mua-xuan-trung-phi-post485994.html