Tạm biệt tuổi học trò mến thương!

Vậy là, tôi đã được tham dự lễ bế giảng cuối cùng của thời học sinh.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Vậy là, tôi đã được tham dự lễ bế giảng cuối cùng của thời học sinh. Lá thư này tôi xin gửi muôn vàn tình cảm dành cho bạn cũng như quãng thời gian thật ý nghĩa được tung tăng đeo balo đến trường.

Đi qua 12 năm cắp sách là 12 lần tôi được gặp các bạn bế giảng xuất hiện vào cuối mỗi năm học, mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau.

Nói thật nhé, ở những lễ bế giảng trước, hầu như tôi thường tham gia với tinh thần “thủ tục”. Tôi chỉ chú ý đến những tiết mục văn nghệ như nhảy, múa, hát và chỉ thầm mong sao buổi lễ kết thúc thật nhanh để có thể chạy về nhà “khò” một giấc.

Thông cảm nhé, bởi vì bạn thường được tổ chức vào mùa Hè, ngồi dưới nắng của tháng 5 đối với tôi không hề là một cảm giác dễ chịu. Vậy nên, tôi thường ngọ nguậy và “ngứa mồm” buôn chuyện với bạn bè.

Vậy mà, ngày hôm qua, cái đứa nghịch ngợm như tôi lại ngồi thật ngay ngắn lắng nghe từng lời của các thầy cô, bạn bè. Ùa vào đó là cảm giác lần cuối cùng được nghe tiếng trống bế giảng thật đặc biệt bạn ạ. Có tiếc nuối, bâng khuâng; cũng có cả những hồi hộp khi biết mình sắp trưởng thành, sắp thành “người nhớn”.

Đến đây, chắc có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc rằng, lễ bế giảng vào năm lớp 5 và lớp 9 tôi không có cảm xúc gì hay sao. À, bạn ạ, lớp 5 có lẽ lúc đó tôi còn quá bé để có thể hiểu được tầm quan trọng của một lễ bế giảng cuối cấp.

Còn vào năm lớp 9, khi đã lớn hơn rất nhiều rồi, thì thật đáng tiếc, tôi lại không thể tham dự lễ bế giảng do dịch Covid-19 bùng phát. Vào những khoảnh khắc cuối cấp 1 và cấp 2 của tôi là như thế đó.

Vậy có tiếc không? Tiếc chứ. Tất nhiên rồi, chẳng có gì buồn bằng việc phải chia tay những người vẫn luôn ở bên, chia ngọt sẻ bùi với mình trong suốt một cấp học.

Nhưng, lễ bế giảng lớp 12 vẫn là một cái gì đấy thật đặc biệt. Đó không chỉ là lời chia tay với thầy cô, bạn bè, trường lớp, mà còn là khoảnh khắc tôi tạm biệt quãng đường được khoác trên mình chiếc áo đồng phục, được ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài, được hồn nhiên, mơ mộng.

Sáng hôm đó, tôi đã dậy thật sớm, khoác lên mình chiếc áo sơmi đẹp nhất. Bình thường tôi là một thằng nhóc hay ngủ biếng lắm. Ngoài giọng của mẹ và tiếng gọi của đam mê như chơi đá bóng, cầu lông…, hiếm khi tôi có thể tự lăn được ra khỏi giường.

Ấy vậy mà, hôm qua khi bạn báo thức vừa cất tiếng tôi đã tung chăn, lao ngay xuống nhà. Bởi vì, tôi biết rằng, nếu như tôi bỏ lỡ mất bạn, không thể đến trường đúng giờ, tôi sẽ không còn cơ hội được trải qua những giây phút cuối được làm học sinh lớp 12 nữa.

Trên con đường đến trường, guồng chân của tôi trên chiếc xe đạp dường như nhanh hơn. Bạn ạ, tôi đạp nhanh không phải vì sợ rằng sẽ muộn. Tôi đạp nhanh là bởi, tôi đang cố đuổi kịp mạch cảm xúc đang chạy trong tôi. Con đường đến trường giống như hành trình mà tôi đã đi trong 12 năm học.

Bắt đầu từ buổi sáng đầu tiên tôi cùng mẹ bước ra khỏi cổng nhà, bỡ ngỡ đặt chân vào lớp Một. Từng hàng cây, cột đèn giao thông giống như những cột mốc, kỉ niệm mà tôi đạt được trên con đường thu nạp tri thức và trưởng thành.

Xe đạp của tôi cứ thế lướt qua, lướt qua, giống như thời gian vậy đang tiến dần đến đích. Cho dù đôi khi tôi có vấp ngã, có dừng lại, có nản lòng thì tôi vẫn luôn tiến về phía trước nơi trường học, thầy cô, bạn bè cũng như cả tương lai đang đợi chờ.

Và rồi, cổng trường cũng đã xuất hiện. Dắt xe qua cổng, mỉm cười chào bác bảo vệ, tôi cảm thấy tự hào bởi tôi đã hoàn thành cuộc thi marathon trong suốt 12 năm học qua. Vừa kịp đưa tay vuốt lại tóc, chỉnh lại áo, giọng nói quen thuộc của thầy Bí thư Đoàn trường vang lên, báo hiệu bạn sẽ xuất hiện.

 Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Bạn thấy đấy, năm học lớp 12 thật đặc biệt phải không. Đúng là chỉ khi đặt chân vào ngưỡng cửa của năm học cuối cấp, tôi mới thật sự “thấm” được nhiều điều – những điều không bao giờ có khi còn học lớp 10, lớp 11.

Đôi khi tôi còn thầm cười nhạo, bỏ qua những lời tâm sự của các anh chị khóa trên để rồi khi lên lớp 12, tôi đã phải suy nghĩ, chiến đấu cho tương lai, “lăn lộn” với những kiến thức, kì thi, chứ không còn thoải mái rong chơi như trước nữa.

Bạn cũng thật kì diệu, bạn ạ. Năm ngoái tôi còn thấy bạn dài lê thê, thì sao năm nay bạn lại trôi qua nhanh quá, cảm xúc quá. Chắc chỉ có một lần trong đời đấy là khi gặp bạn, tôi mới được kí tên đến mỏi cả tay. Nhận ra học sinh khối 12 thật dễ bởi vì chẳng ai mặc áo trắng nữa, tất cả đều khoác lên mình chiếc sơmi đong đầy tình cảm…

Tạm biệt bạn nhé, chúc ngày đặc biệt của tất cả học trò tiếp tục mang và lưu giữ những cảm xúc, tình cảm mà nhiều thế hệ gửi gắm rồi chợt nhớ về mà xao xuyến, nhớ nhung…

Lê Đức Triết (12A8 Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tam-biet-tuoi-hoc-tro-men-thuong-post686587.html