Tầm cao trí tuệ, nét văn hóa cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ

Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ luôn luôn thể hiện tình thương yêu con người sâu sắc, bao la, thể hiện tấm lòng nhân hậu, luôn chăm lo, trân trọng đối với thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ đã thể hiện rõ tầm cao trí tuệ, nét văn hóa, giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là điều mỗi chúng ta cần học tập ở Người.

Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: baochinhphu.vn

Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: baochinhphu.vn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng, sở dĩ ngày nay nhân dân ta được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc là vì có sự hy sinh không tiếc máu xương của bao thế hệ liệt sĩ, thương binh. Trong thư gửi toàn dân nhân ngày thương binh, liệt sĩ đầu tiên (27/7/1947) Người đã viết: “Chúng ta phải đời đời ghi nhớ công ơn các thương binh, liệt sĩ, phải học tập tinh thần dũng cảm của các thương binh, liệt sĩ để vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng. Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Nhiều lần Người đã tôn vinh, ca ngợi đức hy sinh, sự xả thân của các thương binh, liệt sĩ với những lời lẽ rất trân trọng: “Khi giặc ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lũ to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông. Trước cơn nguy biến ấy, các thanh niên yêu quý nước ta đã dũng cảm xông ra trước mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức thành đồng, một con đê vững để ngăn cản giặc ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Tr203.). Như vậy, Bác Hồ đã đánh giá cao ý nghĩa và giá trị của sự hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc của các thương binh, liệt sĩ. Qua đó ta thấy Người là tấm gương sáng trong việc thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tính tất yếu của việc phải làm tốt nghĩa vụ, trách nhiệm đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, khẳng định tính tất yếu của việc phải thể hiện tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1949, Người khẳng định vì sao phải làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ: “Bởi vì thương binh, liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, họ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân cũng phải luôn ghi nhớ công ơn của các thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh tính mệnh của mình, hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường để cho đất nước được tự do, độc lập”. Ngày 27/7/1952, Người nhấn mạnh một lần nữa: “Liệt sĩ là những người đã quyết hy sinh tính mệnh của mình để giữ gìn tính mệnh cho nhân dân. Thương binh là những người đã hy sinh một phần cơ thể của mình để bảo vệ non sông. Vì thế mà thương binh phải chịu què quặt, ốm yếu. Đồng bào ta phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đền đáp lại sự hy sinh đó của thương binh, liệt sĩ. Bởi vậy, đền ơn đáp nghĩa là việc tất yếu chúng ta phải làm” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Tr.213).

Đó là tư tưởng nhất quán thể hiện rõ trong các bức thư, các bài viết của Người. Như vậy, ta thấy nét văn hóa, nét nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương mà còn là sự tự hào về tinh thần xả thân, về phẩm chất anh hùng, bất khuất của các thương binh, liệt sĩ. Sự hy sinh đó đã làm hồi sinh sức sống của cả dân tộc. Chính Người đã khẳng định rằng nếu những người đang sống nhận thức được sự cao cả của đức hy sinh của những người thương binh, liệt sĩ thì chính họ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với những người thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, và trên cơ sở đó, những người đang sống sẽ thấy rõ sự tất yếu, sự đương nhiên của việc phải đền ơn đáp nghĩa.

Một điều rất cảm động là với lòng trân trọng và tiếc thương vô hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thương binh, liệt sĩ như con cháu ruột thịt của mình, coi nỗi đau, nỗi mất mát khi người liệt sĩ hy sinh là nỗi đau, nỗi mất mát của chính bản thân mình. Với tinh thần nhân đạo cao cả, với tầm cao văn hóa và nét nhân văn cao đẹp, cứ mỗi lần nghe tin mỗi thanh niên hy sinh trên chiến trường là Người cảm thấy như chính bản thân mình mất đi một phần cơ thể.

Như năm 1947, khi nghe tin anh Vũ Văn Thành, con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, mặc dù rất bận công việc lãnh đạo kháng chiến, Người vẫn dành thời gian gửi thư thăm hỏi với những lời rất cảm động: “Tôi không có gia đình, tôi không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi, thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất đi một thanh niên, thêm một liệt sĩ là tôi coi như mình mất đi một đoạn ruột”. Sau này, ông Vũ Đình Tụng có kể lại rằng: “Đọc xong thư của Bác, tôi thấy nỗi đau thương và sự mất mát của gia đình tôi trở thành nhỏ bé trong tình thương bao la của Bác. Tôi biết mình sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của con tôi và để khỏi phụ tấm lòng của Bác”.

Không những thế, nhiều lần Người đã nói những lời lẽ đầy cảm động và thông cảm: “Những ngày họ chưa hy sinh, con của họ còn là con thơ, vợ của họ còn là vợ dại, nhưng khi họ trở thành liệt sĩ thì con thơ trở thành con côi, vợ dại trở thành vợ góa và trên bàn thờ của gia đình từ đây thêm một bức ảnh liệt sĩ. Thưa toàn thể đồng bào! Của cải mất đi còn có thể lấy lại được nhưng chân tay mất đi không thể mọc lại được và những liệt sĩ không thể nào sống lại. Vì vậy, tôi mong đồng bào hãy thương lấy các thương binh và các gia đình liệt sĩ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Tr.219). Một điều đặc biệt cảm động là ngày 7/11/1946, Bác Hồ đã ra thông báo về việc “nhận con của các liệt sĩ làm con nuôi của mình”.

Không những thế, Người còn chỉ ra cách làm, phương pháp tiến hành, phương thức tiến hành thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ. Nhiều lần Người đã chỉ rõ rằng “Công tác thương binh, liệt sĩ không giống như những công tác bình thường mà là một loại công tác đặc biệt. Chính sách đối với thương binh, liệt sĩ là một loại chính sách xã hội đặc biệt, đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là vấn đề lương tri, tình cảm, đó là một nét nhân văn trong đạo lý sống, trong văn hóa ứng xử của con người Việt Nam, công tác này phải thu hút sự tham gia của mọi ngành, mọi người, mọi lứa tuổi trong xã hội” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Tr.216).

Người khẳng định rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam phải là người khởi xướng, tổ chức, lãnh đạo công tác này thông qua hệ thống các chủ trương, đường lối, chính sách, công tác này không dừng lại ở những hô hào, kêu gọi chung chung mà phải được thể chế hóa thành luật, thành văn bản dưới luật và phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Tr.218). Người đã nói là làm. Chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 2/1947 đến tháng 10/1947), Người đã ký liên tiếp 3 Sắc lệnh về công tác thương binh, liệt sĩ, cụ thể là: Sắc lệnh số 20 (16/2/1947) quy định tiền hưu, tiền thương tật, tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ; Sắc lệnh số 58 (6/6/1947) thưởng Huân chương cho các tập thể, cá nhân người có công với nước; Sắc lệnh số 101 (3/10/1947) thành lập các Sở Thương binh trong cả nước.

Từ những điều trình bày trên đây ta thấy rõ tình cảm đặc biệt của Người đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ. Đó là điều Người đã làm cho mọi người Việt Nam cảm động và khâm phục.

Đoàn Mạnh Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tam-cao-tri-tue-net-van-hoa-cao-dep-gia-tri-nhan-van-sau-sac-cua-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-thuong-binh-liet-si-va-gia-dinh-liet-si-post478556.html