Tam Đảo phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch nghỉ dưỡng
Những năm gần đây, nhờ được tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền, quảng bá, đầu tư cơ sở hạ tầng, các loại hình du lịch tâm linh gắn với du lịch nghỉ dưỡng của huyện Tam Đảo (vĩnh Phúc) đang ngày càng khởi sắc. (CLO) Những năm gần đây, nhờ được tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền, quảng bá, đầu tư cơ sở hạ tầng, các loại hình du lịch tâm linh gắn với du lịch nghỉ dưỡng của huyện Tam Đảo (vĩnh Phúc) đang ngày càng khởi sắc.
Huyện Tam Đảo có 103 di tích, trong đó, có 18 di tích được xếp hạng, gồm 1 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Nổi bật nhất trong hệ thống các di tích của huyện phải kể đến Khu danh thắng Tây Thiên.
Nằm trên dãy núi Thạch Bàn, Khu danh thắng Tây Thiên được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, tạo bầu không khí trầm lắng, thanh tịnh. Nơi đây sở hữu một quẩn thể đền, chùa, miếu phong phú như đền Thượng Tây Thiên - nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Hoàng phi của Vua Hùng Chiêu Vương thứ VII; đền Thỏng; đền Cậu; đền Cô Bé, đền Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Địa Mẫu, đền Cô Chín và các ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV.
Tại Khu danh thắng Tây Thiên, Lễ hội Tây Thiên được coi là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc được tổ chức từ ngày 15 - 17/2 âm lịch hằng năm với phần lễ và phần hội đặc sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với khu du lịch văn hóa tâm linh này là Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Được xây dựng trên nền của Thiên Ân Cổ Tự, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam.
Với hệ thống kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi thiêng, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được nhiều du khách, Phật tử tìm về để được thả hồn vào không gian thanh tịnh, thư giãn, với những đồi thông cao vút, những vườn hoa khoe sắc.
Sau khi kết thúc hành trình "Đến với Phật, về với Mẫu", du khách có thể đến với thị trấn Tam Đảo để tham quan, nghỉ dưỡng. Với cảnh quan huyền ảo trong mây, cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm, thị trấn Tam Đảo được ví như một “Đà Lạt thu nhỏ” của miền Bắc.
Đến với nơi đây, du khách không chỉ được tận hưởng khí hậu tuyệt vời, hội tụ đủ 4 mùa trong ngày, mà còn được tham quan, khám khá các điểm du lịch hấp dẫn như cổng trời, thác Bạc, tháp Truyền hình, đỉnh Rùng Rình... và những món ăn ngon, đặc sản.
Để phát huy những lợi thế về du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, huyện Tam Đảo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch của huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, đề ra những định hướng, mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát huy và khai thác các sản phẩm du lịch có lợi thế của địa phương như du lịch tâm linh, tín ngưỡng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các khu, điểm du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng. Tích cực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu du lịch.
Hiện nay, Khu danh thắng Tây Thiên đã được trùng tu, tôn tạo; kết nối nhiều công trình đền chùa, bảo tháp, sân trung tâm lễ hội bằng hệ thống giao thông nội bộ và cáp treo, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan, chiêm bái.
Khu du lịch Tam Đảo đã được hoàn thiện toàn bộ điện chiếu sáng công cộng; hai bên đường tới khu du lịch được trồng nhiều cây xanh, trang trí hoa bốn mùa, tạo ấn tượng đẹp cho du khách. Hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch cơ bản được hoàn thiện và thường xuyên được bảo trì, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các tour, tuyến phát triển du lịch, hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông vào mùa lễ hội, du lịch.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Tam Đảo chú trọng đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với điểm du lịch tâm linh. Đến nay, huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.